Tất cả 157 người trên chuyến bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines cất cách từ Addis Ababa bị rơi vào sáng 10/3 đều được xác nhận là đã thiệt mạng. Nạn nhân đến từ 35 quốc gia - phần lớn là người Kenya và Canada. Bảy người trong số họ là thành viên phi hành đoàn và một quan chức an ninh, trong khi 19 nhân viên Liên Hợp quốc được công bố đã có mặt trên chuyến bay xấu số này.
Hiện vẫn chưa rõ lý do tập trung của nhiều nhân viên LHQ đến thế, trong khi chỉ biết những người này làm việc cho nhiều cơ quan, bao gồm Chương trình Lương thực Thế giới, Văn phòng Cao ủy Tị nạn, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Tổ chức Di cư Quốc tế ở Nam Sudan, Ngân hàng Thế giới và Phái đoàn Hỗ trợ Liên Hợp Quốc ở Somalia và Văn phòng LHQ ở Nairobi.
Những mất mát xuyên biên giới này khiến vụ tai nạn hàng không hôm 10/3 trở thành một thảm kịch quốc tế.
Trong khi nguyên nhân vụ việc vẫn còn trong quá trình điều tra thì một chi tiết đáng chú ý đã gợi nhắc về vụ máy bay Lion Air rơi xuống biển Java vào cuối tháng 10 năm ngoái, khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.
Cả hai chuyến bay này đều diễn ra trên chiếc Boeing 737 MAX 8 - một mẫu máy bay mới vừa được gã khổng lồ hàng không Mỹ cho bay chuyến đầu cách đây chưa đầy hai năm.
"Thật đáng ngờ", Mary Schiavo, cựu Tổng thanh tra Bộ Giao thông vận tải Mỹ nói với CNN, "một chiếc máy bay tuổi đời rất mới đã bị hỏng 2 lần trong vòng một năm. Điều đó thực sự là hồi chuông cảnh báo với ngành hàng không".
Thêm vào đó, cả hai chuyến bay đều được vận hành bởi các hãng hàng không nổi tiếng sở hữu hồ sơ bay an toàn cao, tuy nhiên trường hợp của Lion Air đã ngừng hoạt động 13 phút sau khi cất cánh, trong khi chuyến bay của Ethiopian Airlines bị rơi khi mới trải qua 6 phút hành trình.
Các hãng hàng không có máy bay MAX 8 trong đội hình - và những hãng có đơn hàng MAX 8 - có thể cần theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới, khi theo CNN, 350 máy bay MAX đã được giao cho các hãng hàng không trên toàn thế giới và hơn 4.661 đơn đặt hàng đã tạo lập.