Vừa qua, trên mạng xã hội xuất hiện ảnh chụp của tờ Thông báo số 196/TB – DVA về việc ăn bán trú và uống sữa học đường năm học 2019 – 2020 do Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng A Đỗ Phương Hoa ký gửi các bậc phụ huynh. Theo văn bản này, để chuẩn bị cho công tác bán trú tại nhà trường và đăng ký kịp thời số lượng sữa học đường với Công ty Vinamilk, trường Tiểu học Dịch Vọng A để nghị phụ huynh điền các thông tin đăng ký cho con vào phiếu đăng ký và nộp lại cho giáo viên chủ nhiệm vào ngày 5/9/2019. Trong tiền ăn bán trú của các em học sinh là 28.046 đồng, tiền sữa học đường là 2.954 đồng.
Cũng theo thông báo này, tại mục phiếu đăng ký, ngoài các thông tin như họ và tên học sinh, lớp, điện thoại của phụ huynh, trường Tiểu học Dịch Vọng A đưa ra 3 ô để phụ huynh lựa chọn. Một là: Đồng ý cho con ăn bán trú tại trường; Hai là: Không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học đường; Ba là: Ý kiến khác.
Xung quanh vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, đây là thông báo mang tính áp đặt, thậm chí là “ép” các bậc phụ huynh phải cho con sử dụng sữa học đường. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với cô giáo Ngô Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy).
Tại buổi làm việc bà Thủy cho biết, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã gửi phiếu đăng kí tự nguyện ăn bán trú và uống sữa học đường đến từng phụ huynh, trong phiếu đăng kí có các nội dung, một là đồng ý cho con ăn bán trú tại trường, hai là không cho con ăn bán trú nhưng uống sữa học được và nội dung cuối cùng là ý kiến khác của phụ huynh.
Sau khi thu phiếu đăng kí về thì tính tới ngày 10/9 toàn trường có 2.932/3.114 học sinh đăng ký ăn bán trú, và 2.401/ 3.114 học sinh tham gia uống sữa học đường (chiếm 77,2%) và hoàn toàn không có chuyện ép buộc học sinh ăn bán trú và uống sữa học đường.
Cũng theo bà Thủy, đối với những trường hợp có ý kiến khác, nhà trường đã tiến hành kiểm tra và xác định có nhiều lý do khiến các bậc phụ huynh không cho con sử dụng sữa học đường như; con không thích uống sữa, đang điều trị bệnh hoặc đau dạ dày và những trẻ thừa cân, béo phì hoặc dị ứng một thành phần nào đó trong sữa... Do đó, chúng tôi khẳng định rằng, thông tin nhà trường “gài” hay ép các bậc phụ huynh phải sử dụng sữa học đường… như một số thông tin đăng tải trên mạng xã hội là không chính xác.
Được biết, từ khi TP thực hiện chương trình sữa học đường, từ chỗ chỉ có 59% số học sinh đăng ký trong năm đầu tiên thực hiên, đến năm học 2018 – 2019 tỷ lệ này tại trường Tiểu học Dịch Vọng A đã tăng lên 62,7% và đến năm học này đã là 77,2%.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm nâng cao tầm vóc, thể chất người Việt, TP đã triển khai chương trình sữa học đường đến các trường học trên địa bàn TP. Theo đó, mỗi hộp sữa học đường được ngân sách TP hỗ trợ 30%, DN hỗ trợ 23% và phụ huynh chỉ phải trả 47 % giá thành của hộp sữa so với giá thị trường.
Ở một góc độ khác, theo thống kê của quận Cầu Giấy, trong năm học 2018 – 2019, số học sinh tham gia chương trình sữa học đường trên địa bàn quận là 31.714/47.795 em, chiếm tỷ lệ 66,4%. Quận Cầu Giấy cũng đã dành 1,096 tỷ đồng để cùng hỗ trợ các bậc phụ huynh đăng ký cho con tham gia chương trình sữa học đường.