Tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời cơ sở công nghiệp khỏi nội đô

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi thực hiện tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, nhất thiết TP Hà Nội phải lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế - đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất...

Công tác di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm xen lẫn trong khu dân cư tại khu vực nội đô đã được TP Hà Nội triển khai. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chức năng tại một số dự án công nghiệp chưa triệt để tuân thủ nguyên tắc khai thác quỹ đất theo quy hoạch sau di dời. Chính vì điều này lại làm dấy lên lo ngại sau di dời những cao ốc liệu có mọc lên, tiếp tục vỡ quy hoạch và chất tải hạ tầng đô thị trung tâm Hà Nội.

Đã di dời 95 cơ cở công nghiệp

Tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 (QH 125), vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư trên địa bàn 12 quận đã được đặt ra.

Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám.
Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám.

Tiếp đó, ngày 23/1/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 130/QĐ-TTg giao UBND TP Hà Nội lập danh mục, xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện chủ trương trên, từ năm 2003, TP Hà Nội đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện công tác di dời. Đặc biệt, TP đã chuẩn bị quỹ đất phục vụ việc di dời với hơn 447ha gồm hơn 147ha tại những khu công nghiệp và hơn 300ha tại các cụm công nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng thông tin, giai đoạn trước năm 2020, TP Hà Nội đã triển khai di dời 95 cơ cở công nghiệp, trong đó 65 cơ sở sau di dời đã hình thành trường học, trung tâm dịch vụ thương mại, hạ tầng kỹ thuật, khu nhà ở; 30 cơ sở đã được duyệt chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. Những dự án chuyển đổi thành công phải kể đến là Xưởng in báo Nhân dân đã di dời, chuyển đổi thành không gian văn hóa Viện Pháp, Nhà máy Mì tại Chùa Bộc chuyển đổi thành thành hệ thống trường liên cấp TH school…

Sau năm 2020, thực hiện theo QH 1259, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch và đưa ra các giai đoạn thực hiện, dự kiến tiếp tục di dời 113 cơ sở công nghiệp. Trong đó, 39 cơ sở ở khu vực nội đô lịch sử (Hoàn Kiếm: 6; Đống Đa: 14; Ba Đình: 2; Hai Bà Trưng: 17). Toàn bộ cơ sở sau di dời tại khu vực này sẽ ưu tiên tuyệt đối quỹ đất cho phát triển trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe, cây xanh. Tại khu vực nội đô mở rộng sẽ di dời 22 cơ sở (Cầu Giấy: 2, Thanh Xuân: 9, Hoàng Mai: 11), quỹ đất sau di dời ưu tiên phát triển đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Khu vực đô thị mới bắc và nam sông Hồng sẽ di dời 52 cơ sở (Hà Đông: 28, Bắc Từ Liêm: 6, Nam Từ Liêm: 2, Long Biên: 16), quỹ đất sẽ dành phát triển đô thị mới sau khi đã bố trí cân đối đủ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.

Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu vực nội đô nhằm mục đích giảm thiểu tác động về ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng cho khu vực trung tâm Hà Nội được xem là nhiệm vụ cấp thiết. Hà Nội đã thực hiện và có kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở mặc dù nằm trong danh sách buộc phải di dời gấp nhưng vẫn chây ì chưa chịu thực hiện, do các cơ sở mong muốn có nhiều lợi ích hơn từ vị trí đắc địa của trụ sở cũ. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của TP Hà Nội cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác này.

“Để đẩy nhanh tiến độ đưa các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô, TP Hà Nội cần một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất, vì thực tế để DN tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn. TP cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc DN phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất, nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, TP cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu DN đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất” - ông Trần Ngọc Chính cho hay.

Thiết kế, xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất

Mới đây, UBND TP Hà Nội có tờ trình gửi HĐND TP về danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội (đợt 1). Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào đầu tháng 7 sắp tới, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét, thông qua. Trong đó, Hoàn Kiếm có 3 cơ sở, Ba Đình 1 cơ sở, Thanh Xuân có 2 cơ sở, Long Biên 2 cơ sở và Đống Đa, Bắc Từ Liêm mỗi quận 1 cơ sở.

Theo quy hoạch, khu đất của các cơ sở này sau di dời chủ yếu sẽ là đất công cộng, đất cây xanh, đất hỗn hợp. Tuy nhiên, từ thực tế thời gian qua nhiều khu đất nhà máy sau di dời lại trở thành những dự án khu đô thị, khu chung cư cao tầng khiến dư luận tiếp tục nghi ngại liệu những cơ sở mà TP vừa lên danh mục sau khi chuyển đi thì những cao ốc có mọc lên, làm vỡ quy hoạch và chất tải hạ tầng đô thị trung tâm Hà Nội.

Đặc biệt, trong danh mục mà UBND TP Hà Nội đề xuất lần này, có nhiều cơ sở nhà đất nằm tại vị trí “đất vàng” nội đô như Nhà máy Bia Hà Nội - Tổng Công ty CP Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội với hơn 52.000m2 tại số 183 Hoàng Hoa Thám, Ngọc Hà, Ba Đình đang hoạt động sản xuất và trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Về cơ sở này, ông Nguyễn Đức Hùng thông tin, nhà máy nằm hoàn toàn trong khu vực nội đô lịch sử, có nguy cơ gây ô nhiễm rất cao. Trong quy hoạch phân khu H1-2 đã xác định sau khi di dời khu vực này sẽ bổ sung trường học, cây xanh, bãi đỗ xe và dành ra một không gian công cộng làm bảo tàng bia để quảng bá, giới thiệu về lịch sử Nhà máy bia đầu tiên của Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng, trong giai đoạn tiếp theo, khi thực hiện tái thiết đô thị từ quỹ đất di dời các cơ sở công nghiệp cũ, nhất thiết TP phải lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, dự án đầu tư xây dựng, thiết kế - đầu tư xây dựng công trình theo từng lô đất, khu đất.

Tạo lập không gian công cộng, sáng tạo, phù hợp chức năng sử dụng đất theo quy hoạch. Đặc biệt, ưu tiên phát triển đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và không gian công cộng phục vụ người dân. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc bảo tồn, gìn giữ, nâng cao những di sản công nghiệp có giá trị.

 

"Có thể khẳng định, quá trình đô thị hóa rất cần thiết phải di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có đầy đủ khung pháp lý để di dời cơ sở công nghiệp trong nội thành đến khu vực mới phù hợp quy hoạch. Đặc biệt, các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã định hướng rất rõ về không gian phù hợp với từng khu vực đô thị, quy định chức năng cho mỗi lô đất công nghiệp sau khi di dời." - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần