Để mở các kênh liên lạc Mỹ-Trung
Dự kiến ông Blinken sẽ gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp tại Thượng Hải trước khi tới Bắc Kinh để hội đàm vào ngày 26/4 với người đồng cấp, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng như khả năng tiếp kiến Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chuyến thăm của ông Blinken là cuộc tiếp xúc cấp cao mới nhất giữa hai quốc gia, cùng với các nhóm làm việc từ thương mại toàn cầu đến liên lạc quân sự, đã làm dịu đi sự gay gắt của mối quan hệ, vốn xuống mức thấp lịch sử vào đầu năm ngoái.
Mặt khác, Washington và Bắc Kinh vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc hạn chế nguồn cung cấp hóa chất dùng để sản xuất fentanyl của Trung Quốc hay vấn đề Đài Loan, căng thẳng đang gia tăng do Trung Quốc hậu thuẫn Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo Alfred Wu, PGS tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew ở Singapore, nhận định, dù khó có thể đạt được tiến triển đáng kể trong chuyến thăm nhưng cả hai nước đều mong muốn cởi mở trong phương thức liên lạc để "tránh những tình huống khó xử”.
Tân Hoa Xã dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 23/4 cho biết các mối quan hệ “đã cho thấy xu hướng ngừng suy giảm và ổn định” kể từ cuộc gặp Biden-Tập tại San Francisco vào tháng 11/2023.
Các quan chức Mỹ khác gần đây đã gặp gỡ, điện đàm với những người đồng cấp Trung Quốc như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã có mặt tại Bắc Kinh và trung tâm nhà máy phía Nam Quảng Châu vào đầu tháng này, và tuần trước Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc sau 18 tháng.
Cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán thường xuyên với ông Vương Nghị, nhằm mục đích quản lý sự cạnh tranh giữa hai cường quốc một cách có trách nhiệm. Bất chấp căng thẳng, đã có những nỗ lực tìm kiếm điểm chung trong các vấn đề như xung đột ở Trung Đông.
Chuyến thăm diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ hồi cuối tuần trước tiến hành một dự luật bao gồm nguồn tài trợ mới cho Đài Loan và chưa đầy một tháng trước khi hòn đảo tự trị có lãnh đạo mới Lai Ching-te.
Nỗ lực buộc ByteDance của Trung Quốc bán ứng dụng mạng xã hội TikTok hoặc phải đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ cũng đang thu hút sự chú ý tại Quốc hội - dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng muốn đối đầu với Bắc Kinh về các vấn đề kinh tế.
Tam giác Mỹ-Nga-Trung
Trong chuyến công du lần này, ông Blinken dự kiến sẽ nhấn mạnh quan điểm rằng Mỹ và các đồng minh ngày càng mất kiên nhẫn với việc Bắc Kinh từ chối ngừng cung cấp cho Moscow mọi thứ từ chip đến động cơ tên lửa hành trình để giúp xây dựng lại cơ sở công nghiệp của nước này.
Trong những tuần gần đây, Mỹ đã tăng cường cảnh báo về tình hình, bao gồm cả trong các cuộc họp với các đồng minh châu Âu và G7.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho biết Trung Quốc đang phá hoại an ninh châu Âu bằng cách cung cấp cho Nga các công nghệ lưỡng dụng đồng thời cố gắng phát triển mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với châu Âu.
FT dẫn nguồn tin giới chức Mỹ cho biết Trung Quốc ngày càng lo ngại về khả năng bị trừng phạt đối với các ngân hàng. Tổng thống Joe Biden đã ban hành lệnh hành pháp vào tháng 12/2023 cảnh báo các tổ chức tài chính nước ngoài rằng họ “có nguy cơ mất quyền truy cập vào hệ thống tài chính Mỹ nếu tạo điều kiện cho các giao dịch quan trọng liên quan đến cơ sở công nghiệp quân sự của Nga”.
Theo truyền thông Nga, bốn ngân hàng cho vay hàng đầu của Trung Quốc đã ngừng có chọn lọc các khoản thanh toán từ Nga vào tháng trước, đặc biệt liên quan đến các giao dịch liên quan đến các linh kiện điện tử quan trọng.
Trong khi Mỹ kỳ vọng mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt sẽ thuyết phục Trung Quốc thay đổi đường lối, Washington cũng đang kêu gọi các nước châu Âu hành động. Mỹ tin rằng vào vai trò của châu Âu do Trung Quốc vẫn quan ngại về tác động đến quan hệ kinh tế với châu Âu.
Các quan chức cấp cao của Mỹ tuần trước đã công bố danh sách các công nghệ mà họ cho biết Trung Quốc đang chuyển tới Nga. Theo đó, vào năm 2023, 90% số chip mà Nga nhập khẩu đến từ Trung Quốc và được sử dụng để sản xuất tên lửa, xe tăng và máy bay. Đồng thời 70% máy công cụ nhập khẩu của Nga trong quý cuối cùng của năm ngoái là từ Trung Quốc và "có thể được sử dụng" để sản xuất tên lửa đạn đạo.