Nhưng cũng đủ để hai bên giữ được thể diện, mức độ xung khắc thương mại không gia tăng thêm, bên nào cũng có được chút ít để trang trải nội bộ và để được ngỏ cửa cho cái gọi là "giai đoạn 2" của cuộc đàm phán.
Theo những gì đã được hai bên công bố công khai đến nay thì phía Mỹ ngừng áp dụng biện pháp nâng mức thuế quan bảo hộ đã thực hiện là 25 - 30% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa Trung Quốc là sẽ làm việc này từ ngày 15/10 tới.
Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm nông phẩm của Mỹ với mức độ giá trị từ 40 - 50 tỷ USD cũng như có một số cam kết khác nữa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của Mỹ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và bí quyết công nghệ của Mỹ ở Trung Quốc cũng như về phương diện chính sách tiền tệ để không bị phía Mỹ coi là thao túng tiền tệ.
Cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sau 18 tháng dai dẳng đã bộc lộ những tác động tiêu cực và tai hại đối với chính kinh tế, thương mại và chính trị xã hội ở cả hai nước, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và thương mại của thế giới và gây khó khăn lớn cho không ít nền kinh tế khác trên thế giới.
Vì thế, mọi thỏa thuận giữa hai nước này, dù lớn hay nhỏ, dù đã được tổng thể hay chỉ mới bộ phận và dù dứt điểm hay mới chỉ là thỏa thuận tình thế, nhưng có tác động giúp mức độ xung khắc thuyên giảm và mở ra triển vọng cho những thoả thuận tiếp theo thì đều có ý nghĩa tích cực và rất đáng được khích lệ. Tạm hòa hoãn như thế vẫn hơn tiếp tục quyết chiến với nhau.