Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tâm lý sợ hãi bao trùm, chứng khoán Mỹ tiếp tục bị bán tháo

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh khiến chứng khoán Mỹ đi xuống trong ngày 13/3, khi các nhà đầu tư lo lắng về hiệu ứng domino từ sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley (SVB).

Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh khiến chứng khoán Mỹ đi xuống trong ngày 13/3. Ảnh: Reuters
Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh khiến chứng khoán Mỹ đi xuống trong ngày 13/3. Ảnh: Reuters

Chỉ số Dow Jones chứng kiến phiên giảm thứ 5 liên tiếp và dẫn đầu là sự trượt dốc của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau vụ đổ vỡ của nhà băng SVB vào cuối tuần vừa rồi.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones mất 90,50 điểm (tương đương 0,28%) còn 31.819,14 điểm. Đây là phiên giảm thứ 5 liên tiếp của chỉ số này, đã có lúc Dow Jones sụt hơn 284 điểm vào đầu phiên.

Chỉ số S&P 500 lùi 0,15% xuống 3.855,76 điểm, sau khi có thời điểm giảm tới 1,37%. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite nhích 0,45% lên mức 11.188,84 điểm.

Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, ghi nhận mức cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2022 và tiến sát ngưỡng được xem là rủi ro cao, tăng gần 2 điểm lên 26,52 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chịu áp lực sau đợt lao dốc hồi tuần trước, với cổ phiếu JPMorgan Chase và Citigroup đều suy giảm. Dẫn đầu là cổ phiếu First Republic Bank khi giảm 61,83% trong bối cảnh những nỗ lực trấn an của nhà chức trách về sự an toàn của hệ thống là chưa đủ để khiến giới đầu tư yên lòng.

Vào cuối tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp nhằm bình ổn hệ thống ngân hàng và thông báo rằng người gửi tiền tại SVB có thể tiếp cận tiền gửi của mình từ ngày 13/3.

Ngoài ra, Fed cũng bơm thêm thanh khoản vào hệ thống thông qua cung cấp các khoản vay kỳ hạn 1 năm cho các định chế nhận tiền gửi, với tài sản thế chấp là trái phiếu kho bạc Mỹ và các chứng khoán khác.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng điều quan trọng là Fed chấp nhận các tài sản thế chấp này ở mức mệnh giá của tài sản, thay vì theo định giá như thị trường, để cho phép các ngân hàng vay vốn mà không phải bán tài sản với mức giá gây thua lỗ.

Vụ phá sản của SVB là vụ sập ngân hàng lớn thứ hai trong lịch sử ở Mỹ, xảy ra khi lãi suất tăng cao và dòng vốn đầu tư mạo hiểm bị siết lại khiến ngân hàng chuyên phục vụ giới startup công nghệ này bị đứt thanh khoản đột ngột.

Nguy cơ lây lan rủi ro từ SVB làm gia tăng tâm lý sợ hãi trên thị trường tài chính toàn cầu và khiến giới đầu tư đẩy mạnh mua vào các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ.

“Chúng ta đang chứng kiến trường hợp kinh điển của việc đua mua các tài sản an toàn. Thị trường cổ phiếu bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng lãi suất và nền kinh tế giảm tốc” - Giám đốc Tom Caddick của Nedgroup Investments nhận định với hãng tin Reuters hôm 13/3.

Trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn, nhà đầu tư hiện đang đặt cược rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp ngày 21-22/3.

Thậm chí, ngân hàng Goldman Sachs ngày 13/3 dự báo rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 22/3.

Chuyên gia Gina Bolvin, chủ tịch của Bolvin Wealth Management Group, nói với đài CNBC: “Vụ sụp đổ của SVB thực sự là một cú sốc giảm phát mà Fed cần phải cân nhắc và sẽ là thách thức không nhỏ với lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát”.

“Nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed thực ra có quan điểm mềm mỏng, trong khi đó áp lực lạm phạt vẫn đang lớn. Tôi cho rằng các số liệu kinh tế sắp tới sẽ khiến cho bức tranh càng trở nên phức tạp hơn đối với Fed” – chuyên gia cấp cao Edward Moya của công ty dữ liệu và phân tích Oanda nói với Reuters, đề cập đến báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến công bố vào ngày thứ Ba và chỉ số giá sản xuất (PPI) vào ngày thứ Tư tuần này.

Tuy nhiên, thị trường cũng dự báo rằng vào cuối năm nay, Fed sẽ cắt giảm 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất xuống mức mục tiêu 4%-4.25%. Dự báo hiện tại cho thấy lãi suất cuối cùng ở mức 4,75% vào tháng 5/2023.