Phát biểu trên Tokyo TV hôm 11/10, Thủ tướng Kishida cho biết ông sẽ thúc đẩy cơ chế nhằm khuyến khích DN tăng lương cho người lao động thông qua việc giảm sâu thuế thu nhập cho các DN này, mặc dù trước đó ông đã đưa ra ý tưởng tăng thuế lãi về vốn."Chúng ta nên ưu tiên các biện pháp nhằm nâng cao thu nhập của người dân" - ông Kishida nói, khẳng định Nhật Bản sẽ ưu tiên điều này cao hơn tăng thuế lãi về vốn.Sức ép đang dồn lên Thủ tướng Kishida khi Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng này. Chưa rõ các kế hoạch thúc đẩy kinh tế của ông sẽ mạnh mẽ đến đâu, nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng các chính sách mới sẽ giúp giải quyết nút thắt trong chính sách kinh tế Abenomics của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.
Theo đó, các chính sách thúc đẩy kinh tế dưới thời ông Abe đã giúp hình thành một tầng lớp trung lưu, trong khi chứng khoán tăng vọt. Bên cạnh đó, lợi nhuận DN tốt hơn được cho sẽ dẫn đến mức tiền lương cao hơn. Nhưng thực tế, lợi ích của thu nhập cao hơn chủ yếu được tích lũy cho các cổ đông chứ không thực sự mang lại lợi ích cho người lao động.
Lương thấp đã là một vấn đề trong nhiều thập kỷ ở Nhật Bản. Để khắc phục vấn đề này, Thủ tướng Kishida nói rằng ông muốn tăng cường ưu đãi thuế cho các công ty tăng lương cho nhân viên - một chính sách mà ông Abe đã đưa ra - mặc dù vẫn chưa có số liệu cụ thể nào trong kế hoạch của ông Kishida.Ông Kishida cũng đã cam kết tăng lương cho y tá, người chăm sóc và những người lao động công ích khác - những lĩnh vực mà Chính phủ có thể thể hiện vai trò lãnh đạo và cũng thúc đẩy sự thay đổi nơi thị trường lao động.Khi được hỏi làm cách nào để chi trả cho việc tăng lương, Thủ tướng Kishida cho biết tăng trưởng kinh tế tốt hơn sẽ cung cấp tiền chứ không phải tăng thuế thương vụ.Bloomberg dẫn lời nhà kinh tế học Yuki Masujima đánh giá: "Bất bình đẳng thu nhập trước thuế của Nhật Bản đã gia tăng trong hơn 3 thập kỷ, bắt kịp với Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, nhưng bất bình đẳng thu nhập sau thuế vẫn không thay đổi. Điều đó phản ánh sự gia tăng thuế chuyển nhượng".Mặc dù sự bất bình đẳng giàu nghèo của Nhật Bản vẫn chưa quá nghiêm trọng như ở Mỹ hay châu Âu, ông Kishida được cho đang phản ứng một cách chủ động rằng mức sống của tầng lớp trung lưu tại đất nước đã bị xói mòn nghiêm trọng.Nhật Bản có một số lượng lớn lao động bán thời gian, hợp đồng và lao động tạm thời, hiện chiếm khoảng 40% lực lượng lao động và được trả lương thấp hơn khoảng 1/3 so với nhân viên cố định.Đây là một lĩnh vực khác mà Thủ tướng Kishida muốn giải quyết, thông qua việc trợ cấp tiền mặt cho người lao động bán thời gian từ gói kích thích kinh tế mà ông đã hứa hẹn công bố sau cuộc bầu cử ngày 31/10.Tuy nhiên, những số liệu thăm dò thấp cho thấy các cử tri dường như vẫn chưa bị thuyết phục, trong khi các nhà kinh tế cũng tỏ ra thờ ơ với các chính sách mới đến nay của ông Kishida.Masaaki Kanno, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Sony Financial, nói với Bloomberg: "Ông ấy (Thủ tướng Kishida) đang kêu gọi một kiểu chủ nghĩa tư bản mới, nhưng tôi chưa thấy ông ấy thực hiện biện pháp và chính sách mới nào về tăng trưởng".