70 năm giải phóng Thủ đô

Tạo cầu nối tiêu thụ sản phẩm OCOP

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết nối giao thương để chủ thể có sản phẩm OCOP tiếp cận với đơn vị phân phối là một trong những giải pháp TP Hà Nội đang tập trung triển khai nhằm thúc đẩy phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Xác định việc kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm là giải pháp quan trọng để thúc đẩy Chương trình OCOP, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tổ chức 4 sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc; Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng; Các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ; Các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.
 Khách hàng chọn mua sản phẩm trong sự kiện kết nối giao thương tổ chức tháng 7/2020 tại Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
Cuối tháng 7/2020 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc. Sự kiện lần đầu được tổ chức đã quy tụ gần 600 sản phẩm OCOP, trên 2.000 sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP của 15 tỉnh miền núi phía Bắc và 12 tỉnh, thành khác trên cả nước.
Đáng chú ý, tại chương trình kết nối, đã có hàng trăm biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các đối tác. Trong đó, 11 biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ sản phẩm giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các tỉnh miền núi phía Bắc; 24 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, DN, siêu thị lớn với các tỉnh miền núi phía Bắc; 140 biên bản hợp tác ghi nhớ về tiêu thụ sản phẩm giữa các tập đoàn, DN, siêu thị lớn với các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia sự kiện.
Việc tạo cầu nối để nhà phân phối gặp gỡ trực tiếp với các chủ thể có sản phẩm OCOP mang lại lợi ích kép cho các bên tham gia. Đối với các chủ thể, đây là cơ hội để đưa sản phẩm OCOP đến với hệ thống phân phối lớn, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ. Sự kiện kết nối giao thương cũng là dịp để các đơn vị phân phối tiếp cận được với nguồn hàng bảo đảm uy tín, chất lượng…
Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, từ hiệu quả tích cực của sự kiện kết nối giao thương tổ chức tháng 7/2020, từ nay đến cuối năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch tổ chức 3 chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các vùng miền.
Mặc dù vậy, do dịch Covid-19 đang tiềm ẩn phức tạp nên ông Nguyễn Văn Chí cho biết, sẽ xin ý kiến TP quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho các chủ thể tham gia, cũng như du khách đến tham quan, mua sắm.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội, toàn TP hiện có 301 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Trong đó, có 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 207 sản phẩm đạt 4 sao và 88 sản phẩm được cấp 3 sao.