Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo đột phá về chính quyền điện tử

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan hành chính và cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, là những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Hà Nội.

TP đang hướng đến mục tiêu Từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4...
Liên thông trên môi trường mạng
Ngay sau khi Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025” được ban hành, cùng với việc đổi mới phương thức phục vụ, Hà Nội tập trung gắn ứng dụng CNTT với cải cách hành chính.
 Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại UBND huyện Sóc Sơn. Ảnh:  Công Hùng
Trong thời gian qua, TP đã xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công TP, hệ thống một cửa dùng chung ba cấp giúp cho người dân tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuận tiện, tiết kiệm, đồng thời giúp cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát TTHC tốt hơn. Cổng giao tiếp điện tử TP được nâng cấp, mở rộng trên nền tảng mới, cung cấp kịp thời thông tin chỉ đạo điều hành của UBND TP, tích hợp kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng theo quy định.
Cùng với đó, theo thống kê, đến hết năm 2019, TP đã có 1.448/1.818 TTHC (đạt 81%) đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4. Trong đó có 297 dịch vụ công trực tuyến mức 4, là mức độ dịch vụ công trực tuyến cao nhất hiện nay, cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện. Qua đó, TP Hà Nội đã tạo ra sự đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, mang lại sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp. TP cũng tiếp tục quan tâm, đề ra những giải pháp tháo gỡ vướng mắc, bất cập với mục tiểu công tác cải cách TTHC được triển khai theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, lấy đó làm trung tâm phục vụ.
TP cũng quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, đưa tổng số TTHC của toàn TP còn 1.818 thủ tục (cấp sở là 1.508; cấp huyện là 220; cấp xã là 90). Đồng thời, thái độ, tinh thần, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được giám sát chặt chẽ hơn trước, nâng hiệu quả công việc.
Nâng chất lượng dịch vụ công
Trong năm nay, TP đang từng bước xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; bảo đảm kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Phấn đấu 50% các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi của TP được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia hiện có theo quy định. Cùng với đó, bảo đảm hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng TP ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính.
Rút ngắn từ 30 đến 50% thời gian họp, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng tài liệu giấy thông qua Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử. 90% các cuộc họp của UBND TP với các sở, ban, ngành, quận, huyện và cấp xã thực hiện trực tuyến; 80% các cuộc họp giữa các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đến cấp xã thực hiện trực tuyến.
Đồng thời, TP cũng từng bước phấn đấu hoàn thiện, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trong đó tối thiểu 35% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4... Phấn đấu tích hợp toàn bộ các thông tin TTHC, dịch vụ công vào một cổng thông tin để người dân sử dụng mọi lúc, mọi nơi.
Cùng với đó, để thúc đẩy người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tốt hơn, TP cũng đang tiếp tục khắc phục những bất cập để tránh tình trạng người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhưng vẫn phải đến bộ phận “một cửa” UBND các cấp, sở, ngành để trực tiếp thực hiện một công đoạn nào đó.