Hà Nội dẫn đầu cả nước
Tại huyện Gia Lâm, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh là đơn vị đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP chất lượng cao. DN này có 4 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của Hà Nội.
Cụ thể là: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen. Đáng khích lệ khi cả 4/4 sản phẩm gốm sứ cao cấp của công ty đều được Hội đồng OCOP T.Ư đánh giá rất cao, phân hạng và công nhận đạt 5 sao. Đây cũng là 4 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên và duy nhất của Hà Nội tính cho đến thời điểm hiện tại.
Điều đáng nói, với 4 sản phẩm OCOP 5 sao, Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về số lượng, khi cả nước hiện mới chỉ có tổng số 20 sản phẩm đạt cấp độ cao nhất trong thang đánh giá của Hội đồng OCOP T.Ư. Tiếp sau Hà Nội là Quảng Ninh với 3 sản phẩm OCOP được chứng nhận 5 sao.
Hà Giang, Lâm Đồng, An Giang, Thái Nguyên - mỗi địa phương có 2 sản phẩm OCOP được Hội đồng T.Ư đánh giá, phân hạng đạt 5 sao. 4 tỉnh khác có 1 sản phẩm được công nhận 5 sao OCOP gồm: Thanh Hóa, Sơn La, Sóc Trăng và Kon Tum.
Nâng chất lượng, hoàn thiện bộ nhận diện
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, cả nước hiện đã có 8.478 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Dù vậy, mới chỉ có 20 sản phẩm (chiếm 0,2% tổng số sản phẩm) đạt đến thứ hạng cao nhất trong thang đánh giá của Hội đồng OCOP T.Ư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công đánh giá sản phẩm OCOP hiện nay nhìn chung có mức độ tinh xảo chưa cao. Bên cạnh chất lượng thì mẫu mã, bao bì, bộ nhận diện sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế là nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm OCOP chưa thể đạt đến đẳng cấp 5 sao.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ hiện nay, việc phát triển các sản phẩm OCOP 5 sao để cạnh tranh với hàng hóa quốc tế sẽ còn khó khăn. Để phát triển được những sản phẩm 5 sao, điều trước nhất là cần thay đổi tư duy, từ chú trọng sản xuất thiên về số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng, bộ nhận diện.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, sản phẩm OCOP muốn tạo dựng được giá trị vượt trội, đạt đến đẳng cấp 5 sao, thì điều quan trọng là cần tạo dựng được sự khác biệt; phải mang đến những trải nghiệm thú vị và mang đến cảm xúc cho người tiêu dùng khi quyết định lựa chọn sản phẩm.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng cho biết, hiện nay Bộ NN&PTNT đang dự thảo kế hoạch tổ chức triển khai Chương trình OCOP từ nay đến năm 2025 trên tinh thần linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu của từng địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, đẩy mạnh chế biến sâu để tạo ra nhiều sản phẩm tiêu chuẩn 5 sao, có sức cạnh tranh khi bước ra thị trường quốc tế.
Được triển khai từ năm 2018, Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia của 4.351 chủ thể. Riêng tại Hà Nội, đến nay đã có 1.649 sản phẩm được UBND TP đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên; trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 15 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang chờ Bộ NN&PTNT thẩm định. Hà Nội cũng là địa phương đang dẫn đầu cả nước trong phát triển sản phẩm OCOP.