Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo giá trị mới cho biểu tượng cũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện chỉ có 10% trong số vài ngàn buồng điện thoại công cộng đó ở khắp nước Anh được sử dụng trung bình 1 lần trong một tháng.

KTĐT - Hiện chỉ có 10% trong số vài ngàn buồng điện thoại công cộng đó ở khắp nước Anh được sử dụng trung bình 1 lần trong một tháng.

Vốn nổi tiếng bảo thủ, người Anh khó có thể hình dung và lại càng khó có thể chấp nhận bị dần mất đi những biểu tượng cho đảo quốc.

Đó là xe buýt hai tầng, taxi ở London, món ăn cá và khoai tây chiên...
 
Những buồng điện thoại công cộng cũng thuộc diện đó. Chúng có kích thước rộng 90 cm, dài 90 cm và cao 251 cm, màu đỏ. Hình hài hiện tại của chúng là thiết kế của Giles Gilbert Scott vào năm 1936. Điện thoại di động đã làm chúng gần như mất hết vai trò.
 
Hiện chỉ có 10% trong số vài ngàn buồng điện thoại công cộng đó ở khắp nước Anh được sử dụng trung bình 1 lần trong một tháng. Nhưng tập đoàn BT hàng năm vẫn phải bỏ ra gần 100 triệu bảng để bảo dưỡng những biểu tượng màu đỏ ấy cho nước Anh. Lỗ nhiều hơn lãi cho nên BT đã buộc phải tháo bỏ dần.

Để đấy thì chẳng ai sử dụng, nhưng tháo bỏ thì người dân lại không đồng ý. Hình thức phản đối của họ rất đa dạng, mức độ phản đối của họ rất quyết liệt, từ biểu tình công khai đến kháng nghị lên chính phủ và nghị viện, từ ngăn cản việc tháo dỡ đến khuấy động dư luận thành phong trào phản đối hẳn hoi.
 
Thay vì dỡ bỏ, BT đã cho người dân ở một số nơi thuê lại với giá rẻ với điều kiện họ phải tự duy tu bảo dưỡng buồng điện thoại, hoặc mua lại với giá tượng trưng chỉ 1 bảng, nhưng không còn kết nối với mạng lưới điện thoại công cộng.
 
Người dân đã có nhiều ý tưởng để duy trì sự tồn tại của buồng điện thoại công cộng truyền thống này. Họ biến chúng thành nơi trưng bày hoa và bán sách báo hướng dẫn làm vườn, trồng rau và trồng hoa. Họ biến chúng thành những thư viện công cộng, mắc đèn thắp sáng đọc sách đến khuya và làm thành nơi trao đổi sách cho những người quan tâm, đặc biệt là trẻ em và học sinh.
 
Vậy là những buồng điện thoại công cộng này trở thành “con nuôi” của người dân. Họ thổi hồn vào những gì tưởng đã bị khai tử bằng cách tạo giá trị mới cho biểu tượng cũ.