Thực trạng phát triển
Những năm gần đây, thiên tai mang tính cực đoan hơn, gia tăng về cường độ, tần suất, loại hình, xảy ra ở hầu khắp khu vực trên cả nước, gây thiệt hại nhiều hơn về người, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường, sự phát triển bền vững của đất nước. Thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra những tác động khó lường đến hệ thống đô thị Việt Nam, làm gia tăng mức độ khắc nghiệt của các vấn đề môi trường đô thị.
Nhưng một thách thức lớn khác đang đe dọa đến toàn nhân loại là đại dịch Covid-19. Những gì đã trải qua buộc các nhà lãnh đạo, nhà khoa học phải xem xét một cách nghiêm túc về yếu tố liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, cho thấy bài toán cân bằng nhu cầu sử dụng đất đai khi phải có không gian dự trữ, sử dụng linh hoạt trong trường hợp xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh với quy mô lớn là điều cần phải quan tâm. Trên thế giới những lần xảy ra dịch bệnh như dịch tả, dịch lao, dịch Sars cũng đã làm thay đổi trong quy hoạch đô thị nói chung, hạ tầng cơ sở nói riêng.
Sự phát triển nhanh chóng mang lại nhiều lợi ích song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro đang diễn ra với tần xuất ngày càng gia tăng như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi về môi trường. Cùng với xu hướng kinh tế, môi trường toàn cầu làm xuất hiện thách thức mới, đòi hỏi phải có cách tư duy mới, thay đổi mang tính dẫn hướng trong quy hoạch, mô hình cư trú, làm giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường khả năng thích ứng trong cả hai quá trình ứng phó với BĐKH và đại dịch.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016, khu vực tiềm ẩn chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu lại là khu vực có tốc độ đô thị hóa, phát triển đô thị cao, như: Hải Phòng (5 - 10% diện tích bị ngập), Thái Bình (50 - 60%), Nam Định (30 - 40%), TP Hồ Chí Minh (20%), Kiên Giang (80%), Hậu Giang (80%), Cần Thơ (5 - 10%), Bạc Liêu (40 - 50%), Cà Mau (40 - 50%). Còn theo Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), hiện nay khoảng 300 đô thị ven biển chịu sự tác động rất lớn của BĐKH như: ngập lụt, xâm nhập mặn, triều cường. 140 - 150 đô thị ở miền núi chịu sự ảnh hưởng sạt lở đất, lũ quét, hạn hán.
Trong quá trình lập quy hoạch, việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, tầm nhìn dài hạn còn hạn chế; hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, tình trạng ô nhiễm môi trường, khả năng kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu… dẫn đến quá trình phát triển đô, tăng trưởng đô thị thiếu bền vững. Quy chuẩn, tiêu chuẩn quy hoạch, thiết kế nhà ở, công trình công cộng, trường học, bệnh viện, công sở, hệ thống đê điều, cửa xả… không còn phù hợp với quy mô, tần xuất thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó dự báo.
Quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép, đánh giá, phân tích tác động của BĐKH. Tồn tại quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đồ án quy hoạch chung xây dựng chủ yếu mới chú trọng về kỹ thuật, tổ chức không gian, chưa quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường, hiệu quả kinh tế đô thị để hỗ trợ giải pháp ứng phó BĐKH.
Về quy hoạch ứng phó với dịch bệnh, đại dịch Covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 đến nay, ảnh hưởng đến hầu hết các đô thị ở Việt Nam, bộc lộ một số hạn chế, như: Quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất chưa chú trọng quan tâm đến việc tách biệt hoạt động nguy cơ cao, dự trữ đất cho dự án xây dựng liên quan đến phòng, chống dịch như bệnh viện dã chiến, nơi cách ly tập trung... Đồng thời quy định về không gian công cộng, không gian xanh, công viên, khu vui chơi giải trí được coi là “nơi trú ẩn” an toàn trong trường hợp khẩn cấp của người dân chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch, quản lý chất thải y tế, rác thải sinh hoạt cũng chưa tính đến khả năng đáp ứng khi xảy ra đại dịch...
Việc nhận diện một số vấn đề đang tồn tại từ thực trạng phát triển đô thị trong ứng phó với BĐKH, dịch bệnh là những bài học quý cho nhà quản lý, nhà quy hoạch, kiến trúc sư trong việc đưa ra giải pháp về khả năng chống chịu, thích ứng từ thách thức kép của thiên tai, dịch bệnh. Đã đến lúc quy hoạch, kiến trúc cần phải đáp ứng yêu cầu về an toàn, tính linh hoạt, tạo lập khả năng ứng phó kịp thời để có thể sớm phục hồi, thiết lập trạng thái sống chung với biến đổi của thiên tai, dịch bệnh trong tương lai.
Giải pháp nào?
“Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng thông qua khung thực hiện chương trình phát triển đô thị nhằm tạo hỗ trợ pháp lý để tăng tốc phát triển. Song chưa có một chính sách nào đề cập sức chống chịu đô thị, đối phó thảm họa, bao gồm thiên tai, dịch bệnh. Trong khi đô thị vừa là nguyên nhân nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH.
Vì vậy, để phát triển bền vững, giảm thiểu thảm họa thiên tai, dịch bệnh, công tác quy hoạch, tổ chức không gian đô thị đòi hỏi cách nhìn tổng thể, lồng ghép yêu cầu mới trong quy hoạch, phát triển trên cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường. Nguyên tắc chung là phải nâng cao năng lực thích ứng, bằng cách định hướng phát triển hài hòa, phù hợp với điều kiện tự nhiên trong mọi lĩnh vực.
Xuất phát từ yêu cầu về “giãn cách xã hội”, mô hình đô thị mới không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp, tổ chức lại không gian đô thị mà còn phải thay đổi về vai trò của chính quyền, kinh tế đô thị, thói quen đi lại, sử dụng phương tiện giao thông… tạo thành mối liên kết mạnh mẽ giữa các địa phương, cùng nhau giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nhau khi có thiên tai, dịch bệnh hoặc thảm họa toàn cầu.
Khoảng trống trong khung pháp lý và chính sách về sức khỏe, môi trường, hạ tầng kỹ thuật cần thiết phải được bổ sung. Tăng cường sự kết nối giữa các bộ, ngành trong quá trình lập quy hoạch, thực hiện những giải pháp xây dựng đô thị có khả năng thích ứng. Cần nhấn mạnh tầm quan trọng của chức năng đô thị thiết yếu, tạo điều kiện để tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ, tiện ích công cộng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), in 3D, công nghệ mô phỏng, dữ liệu lớn và thực tế ảo… đang đặt ra cho những nhà quy hoạch, kiến trúc sư, kỹ sư phải thay đổi trong xây dựng ý tưởng, lựa chọn giải pháp phù hợp, vận dụng linh hoạt, hợp lý công cụ công nghệ giúp dự báo, mô phỏng kịch bản ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, trên cơ sở dữ liệu về đô thị.
Phát triển đô thị thông minh cũng là cách để điều chỉnh cách tiếp cận linh hoạt, tương thích, tăng khả năng chống chịu với thiên tai, dịch bệnh. Việc lồng ghép giá trị của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cấu trúc đô thị, phù hợp xu thế phát triển.
Cuối cùng, chính quyền đô thị, nguồn lực đô thị cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cần có một đội ngũ, hành động một cách đồng bộ, quản lý, cung cấp dịch vụ cho người dân một cách hiệu quả, trực tiếp, chú ý đến đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng như dịch bệnh vừa qua.