Điều đáng nói, cả 2 vụ tai nạn này đều do lái xe cố tình vượt đường ngang ngay trước mũi đoàn tàu đang lao tới. Điều đó cho thấy ý thức tham gia giao thông của một bộ phận tài xế chưa cao.
Cụ thể, hồi 15 giờ 20 phút, tại đường ngang dân sinh (phòng vệ bằng biển báo) tại Km98 + 812 trên đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn huyện Vụ Bản (Nam Định), tàu TN1 va vào một chiếc ô tô 16 chỗ ngồi, hậu quả lái xe chết tại chỗ, 5 hành khách trên xe bị thương nặng. Hồi 16 giờ cùng ngày, tại Km21 + 500 trên đường sắt Hà Nội - Hải Phòng thuộc địa bàn Lạc Đạo, Văn Lâm (Hưng Yên) tàu LP5 va vào xe ô tô 4 chỗ ngồi làm 3 người bị thương. Trước đó, sáng 1/2 (Mùng 5 Tết ), ô tô 16 chỗ biển số 60M trên đường từ Đồng Nai về Vũng Tàu du Xuân, khi xe chạy qua đường ray đoạn cầu Ghềnh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị tàu Goldtrain SQN1 đang trên hành trình từ ga Quy Nhơn về ga Sài Gòn tông phải, khiến 2 người tử vong. Theo thống kê, trong 7 ngày nghỉ Tết Đinh Dậu 2017 đã xảy ra 8 vụ tai nạn giao thông trên đường sắt, làm 6 người thiệt mạng, 11 người bị thương. Số vụ tai nạn đường sắt dịp Tết năm nay đã tăng 60% về số vụ, 100% về số người chết, 175% số người bị thương so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất phát từ thực tế cuộc sống quần cư quanh các tuyến đường sắt và sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức chấp hành luật giao thông, bất chấp nguy hiểm, người dân đã tự ý mở hàng nghìn đường ngang để băng qua đường sắt mà không biết đang tự tạo ra những nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh. Đau xót hơn là rất nhiều trường hợp, người lái xe được đào tạo chuyên nghiệp, biết rõ nguy hiểm khi cố tình vượt qua đường sắt nhưng trong những phút giây tối hậu lại liều lao ra trước mũi tàu để rồi chính mình và người thân, hành khách phải gánh chịu thương đau.
Cũng cần phải nói, hồi chuông cảnh báo về tai nạn giao thông tại các đường ngang giao cắt trên đường sắt đã gióng lên gấp gáp từ rất lâu, nhưng đến nay, vẫn chưa có một biện pháp hữu hiệu được thực thi triệt để. Đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng cần xác định trách nhiệm của UBND một số tỉnh, TP có đường sắt đi qua và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vì chưa quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, ATGT tại các đường ngang dân sinh trên đường sắt.
Tối ngày 4/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình đã có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp với các tỉnh, TP có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến... Nhưng có lẽ, những cố gắng của Chính phủ và cơ quan chức năng, các địa phương sẽ không thể mang lại hiệu quả tích cực trong phòng, chống tai nạn giao thông đường sắt trong tương lai nếu vẫn chưa xây dựng được văn hóa giao thông; khi chưa quy hoạch được hệ thống đường ngang dân sinh khoa học; khi ý thức của đại bộ phận người dân nói chung và của người điều khiển phương tiện nói riêng còn chưa được nâng cao, thì đường sắt sẽ vẫn còn hàng nghìn miệng “tử thần”. Ấy là những nỗi lo không chỉ riêng ngành đường sắt trên con đường mang đến sự bình yên trên mỗi con tàu.