Thái độ lập lờ

Nguyên Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị vừa rồi ở Lào, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN tuy nhất trí được với nhau về tuyên bố chung, nhưng trong tuyên bố ấy không đề cập gì đến phán quyết của Toà trọng tài thường trực của LHQ (PCA) bác bỏ hoàn toàn mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông và cũng không đề cập đến đích danh Trung Quốc.

Hội nghị này không đến nỗi không thông qua được tuyên bố chung như hội nghị năm 2012 ở Campuchia nhưng không phản ánh được những diễn biến mới nhất ở khu vực Biển Đông và liên quan đến khu vực này. Rõ ràng là trong ASEAN hiện không có sự đồng thuận quan điểm về phán quyết mới đây của PCA và về ASEAN phải cùng nhau hành động như thế nào đối với Trung Quốc sau khi có phán quyết của PCA.

Trong bối cảnh tình hình ấy, rất đáng được chú ý là thái độ của Mỹ. Washington đã công khai tuyên bố ủng hộ phán quyết của PCA và coi phán quyết này có giá trị ràng buộc đối với tất cả các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc. Tuy nhiên ở Lào, Mỹ lại hoan nghênh việc ASEAN không đề cập đích danh phán quyết của PCA và nêu đích danh Trung Quốc. Sau khi tham dự những hội nghị ở Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đi thăm một số nước thành viên ASEAN cũng với mục đích tìm hiểu thái độ của các nước này về Trung Quốc và về phán quyết của PCA.

Thái độ hai mặt này của Mỹ có nguyên do ở chỗ Mỹ đối phó Trung Quốc nhưng tránh kích động Bắc Kinh. Mỹ muốn dùng phán quyết của PCA làm lợi thế mới cho đấu tranh với Trung Quốc về chính trị và pháp lý quốc tế trong khi không muốn Trung Quốc bất chấp tất cả tiếp tục dấn mạnh thêm trên thực địa. Trên thực địa, phản ứng và đối phó của Mỹ không thể chung chung mà phải cụ thể, liên tục và nhất quán. Trung Quốc càng kiềm chế trên thực địa thì Mỹ càng bớt khó xử. Sự kiềm chế của các nước thành viên ASEAN thể hiện trong tuyên bố chung vì thế cũng có lợi cho Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần