Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 1

Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ mới sẽ quan tâm vấn đề thâm hụt thương mại nên soi rất kỹ xuất xứ hàng hóa trước khi thực thi các biện pháp nhằm bảo vệ lợi ích nước Mỹ. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, Việt Nam cần xem xét nghiêm túc về vấn đề chọn lọc thu hút đầu tư nước ngoài và điều chỉnh cán cân thương mại với Mỹ.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 2

Giới chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo chính sách kinh tế Mỹ sẽ thay đổi dưới thời tân Tổng thống Donald Trump và sẽ có tác động đến xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chắc chắn khi ông Donald Trump lên nắm quyền thì chủ trương “Nước Mỹ trên hết - America First” sẽ được thực hiện thông qua nhiều quyết sách mới. Chẳng hạn như thuế quan, hiện nay Việt Nam đã vươn lên vị trí nhà nhập khẩu thứ 3 của Mỹ cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ rõ rệt khi nhiều năm liên Việt Nam xuất siêu sang Mỹ. Chính quyền Donald Trump không có thù ghét gì với những quốc gia gây thâm hụt thương mại mà chỉ đơn giản là họ sẽ thực hiện các biện pháp để không ảnh hưởng đến lợi ích của nước Mỹ.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 3

Theo tôi, Việt Nam cần kiểm điểm lại vấn đề này, phân tích rõ việc gây thâm hụt thương mại của Mỹ có lĩnh vực gì của Việt Nam mà chính quyền Donald Trump có thể áp “đòn” trừng phạt trở lại. Điều này có lợi cho cả Mỹ và Việt Nam. Thâm hụt thương mại là do nước Mỹ chưa có nhiều hàng bán cho Việt Nam hoặc là Việt Nam đang ưu tiên mua hàng của nước khác, để từ đó chúng ta có sự điều chỉnh về chính sách thương mại với Mỹ. Ông Donald Trump sẽ cố gắng bằng mọi cách để giảm thâm hụt thương mại, một là giảm bớt bán hàng đi, đánh thuế tăng lên. Điều này khiến Việt Nam phải cân nhắc việc tăng mua hàng của Mỹ lên. Nói tóm lại, Việt Nam sẽ có cách làm phù hợp chứ không thể nói chung chung được. Vấn đề này phải được bàn cụ thể và có những nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng chứ đề xuất giải pháp chung chung sẽ trở lên vô ích.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 4

Việt Nam cần làm gì để điều chỉnh tương quan tăng thâm hụt thương mại của Mỹ và tăng thặng dư thương mại của Việt Nam hiện nay, thưa ông?

- Việt Nam cần phân tích rõ nguồn gốc, nguyên nhân làm tăng thặng dư thương mại của Việt Nam, tăng thâm hụt thương mại của Mỹ là gì để có giải pháp cụ thể. Vấn đề này đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành liên quan cần bàn ngay vì không còn nhiều thời gian nữa. Tôi tin tưởng Việt Nam đủ kinh nghiệm, đủ linh hoạt để xử lý vấn đề này. Tôi xin nhắc lại, quan trọng nhất là cách ứng xử của Việt Nam về thu hút đầu tư.

Riêng lĩnh vực thương mại, tôi thấy Việt Nam hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ cấu thương mại theo hướng tốt cho Việt Nam và tốt cho cả Mỹ chứ không đáng lo ngại. Đơn cử như, Mỹ đang phát triển mạnh và mở ra hướng xuất khẩu chip bán dẫn công nghệ cao, thì Việt Nam nên tăng nhập khẩu nhóm hàng này từ Mỹ. Đó là hướng mà Việt Nam nên cân nhắc, chú ý để tạo cân bằng cán cân thương mại với Mỹ.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 5

Ông có cảnh báo nào đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam?

- Thực tế tại Việt Nam đang bị Mỹ nghi ngờ khi nhiều DN Trung Quốc chuyển dịch sản xuất (một vài công đoạn) và chuyển hàng sang Việt Nam rồi xuất khẩu đi nước khác. Mặc dù điều này là logic rất bình thường vì Việt Nam duy trì mức thuế thấp, song điều này khiến kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ ở một số ngành hàng tăng vọt lên.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 6

Điều tôi muốn cảnh báo là Việt Nam không được hưởng lợi bao nhiêu, song lại vướng phải sự nghi ngại từ Mỹ. Do đó, Việt Nam cần thay đổi thái độ thu hút đầu tư của mình, bởi Trung Quốc “né đòn” của Mỹ để họ có lợi và nếu không cẩn thận mình lại bị vạ lây. Như vậy quan trọng nhất là cách ứng xử của Việt Nam đừng để Mỹ ra đòn trừng phạt nói chung thì DN Việt Nam sẽ thiệt thòi. Đây là mối lo mà ngành hàng nào cũng phải lưu ý.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 7

Ông có đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ trong thời gian tới?

- Ở nhiệm kỳ thứ nhất của ông Donald Trump (2017 - 2020), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khá thuận lợi, một số ngành hàng như dệt may, da giày… đã vươn lên nằm trong tốp đầu xuất vào Mỹ. Tôi tin rằng, khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi và tăng lên, nhất là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) sẽ ngày càng lớn mạnh. Sở dĩ nhận định như vậy vì việc giảm phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc là mục tiêu chiến lược trong chính sách của Mỹ thời gian qua. Do đó, xu hướng FDI từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 8

Các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì có thị trường mở, ổn định, vị trí chiến lược và môi trường đầu tư thuận lợi. Họ đầu tư sản xuất thường hướng đến xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ tiêu dùng lớn là một trong những đích đến. Theo đó, khu vực FDI đang chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước, khi vốn ngoại vào sản xuất tăng lên thì sẽ tiếp tục đẩy tỷ trọng xuất khẩu của khu vực này tăng theo. Ở chiều hướng ngược lại, khu vực sản xuất trong nước ngày càng yếu thế bởi trình độ quản trị còn yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rất ít thương hiệu được thế giới biết đến bởi xuất khẩu nhiều qua trung gian hoặc làm gia công. Mặt khác, việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao, ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng là thách thức lớn với DN Việt.

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 9

Theo ông, đâu là việc Việt Nam nên làm trong thời gian tới?

- Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ dòng đầu tư. Đơn cử như, kiểm soát dòng đầu tư của DN gỗ nước ngoài chuyển đến Việt Nam sản xuất rồi xuất sang Mỹ. Khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng mạnh thì Mỹ sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ với đồ gỗ Việt Nam, dẫn đến khó khăn cho DN trong nước. Tương tự, đối với ngành dệt may, cần kiểm soát dòng FDI rót vào may mặc chuyển từ Trung Quốc sang nhằm né thuế áp cao của Mỹ. Cùng với đó là chọn lọc vốn FDI đến cạnh tranh trực tiếp với sản xuất trong nước và nên thu hút các dự án mang lại giá trị gia tăng cho ngành hoặc đang bị thiếu hụt phải nhập khẩu nhiều (vải sợi, nguyên phụ liệu).

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 10

Ông có khuyến nghị gì đối với DN xuất khẩu Việt Nam?

- Như tôi đã nói ở trên, nếu Việt Nam bị coi là cửa ngõ để hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, chính quyền Mỹ có thể cố gắng ngăn chặn lỗ hổng này và áp thuế lên hàng từ Việt Nam. Do đó, các DN xuất khẩu Việt Nam nên chú ý đến các chính sách định giá để tránh vi phạm quy tắc chống bán phá giá của Mỹ; đồng thời tránh kinh doanh những sản phẩm bị áp đặt lệnh trừng phạt. Cần phải nhắc lại, ông Donald Trump quan tâm vấn đề thâm hụt thương mại nên soi rất kỹ xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu thương mại, tăng tương tác và thắt chặt quan hệ giao thương để hai bên hiểu nhau hơn là biện pháp giảm rủi ro cho Việt Nam trước chính quyền mới.

Bộ Công Thương và các hiệp hội, ngành hàng cần tổ chức hội thảo nhằm giúp các DN nâng cao khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, để tránh bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh khi xuất khẩu vào Mỹ; nâng cao khả năng tự chủ trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Cùng với đó, hỗ trợ DN trong việc linh hoạt tìm kiếm, khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia không nằm trong danh sách hạn chế của Mỹ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 11
Thái độ ứng xử trong quan hệ thương mại là quan trọng nhất - Ảnh 12

05:02 17/11/2024