Hơn 7 tháng sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Chính phủ làm ít nhất 28 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hôm 22/5, quân đội Thái Lan chính thức tuyên bố quay lại nắm quyền. Động thái này đặt Thái Lan đứng trước những kịch bản khó khăn để ổn định đất nước, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, khôi phục hình ảnh của quốc gia “nụ cười”.
![]() Người đứng đầu lực lượng quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, cuộc đảo chính là bước đi cần thiết để ổn định tình hình đất nước. Ảnh: AFP
|
Lý giải cho lần đảo chính quân sự thứ 12 kể từ khi Thái Lan chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932, các tướng lĩnh quân đội cấp cao của nước này cho rằng, đây là lựa chọn duy nhất để ổn định tình hình đất nước và bắt đầu cải cách chính trị. Hiện còn quá sớm để xác định xem cuộc đảo chính sẽ tác động như thế nào tới chính trường Thái Lan thời gian tới nhưng trong lần đảo chính gần đây nhất là lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006, chính quyền quân đội đã không thể dàn xếp được mâu thuẫn giữa các bên. Thậm chí, năm 2010, quân đội đã buộc phải tiến hành tham gia một cuộc trấn áp đẫm máu lực lượng "áo đỏ" chống Chính phủ. Sau khi ông Thaksin bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, việc em gái ông - bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan những tưởng sẽ mở ra một thời kỳ mới cho đất nước. Tuy nhiên, hơn 1.000 ngày cầm quyền đầy sóng gió, bà Yingluck đã bị bãi nhiệm sau một phán quyết gây tranh cãi của Tòa án Hiến pháp hồi đầu tháng 5.
Vì thế, các nhà quan sát cho rằng, cuộc đảo chính diễn ra tuần trước cho thấy sự bất lực của toàn bộ giới lãnh đạo quân đội cấp cao Thái Lan trong việc tìm ra cách để các phe phái chung sống hòa bình với nhau. Không những thế, việc quân đội chần chừ hành động trong giai đoạn Thái Lan rơi vào bất ổn kéo dài khiến không ít người dân phẫn nộ. Theo họ, chính vì quân đội không đưa ra một thông điệp rõ ràng nào đã tạo điều kiện để các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ kéo dài, khiến 28 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương. Do đó, đa số người dân Thái Lan có cái nhìn nghi ngại về cuộc chính biến tuần qua và rất có thể nó sẽ khơi mào cho những cuộc nổi dậy mới khi phe "áo đỏ" tuyên bố sẽ không chấp nhận bất cứ cuộc đảo chính hay hình thức phi dân chủ nào.
Tình trạng bất ổn về chính trị đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Thái Lan, khi lần đầu tiên kể từ quý I/2011, nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong quý I/2014, đồng thời làm giảm lòng tin của người tiêu dùng cũng như lượng du khách đến nước này. Theo số liệu thống kê, GDP trong 3 tháng đầu năm nay của Thái Lan đã giảm tới 2,1% so với 3 tháng trước đó và giảm 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái, yếu kém hơn đáng kể so với dự báo, trong bối cảnh xuất khẩu vẫn yếu và hoạt động kinh tế trong nước chững lại do tác động của bất ổn chính trị. Thậm chí, Ngân hàng T.Ư Thái Lan còn dự báo kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 2,7% trong năm 2014, thấp hơn so với mức tăng 2,9% của năm 2013 và 6,5% năm 2012.