Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảm kịch trên bầu trời Hàn Quốc: khi nỗi đau chồng chất khủng hoảng

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng Jeju Air đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và những hệ lụy mà nó gây ra.

Trong một buổi sáng Chủ nhật định mệnh, bầu trời Hàn Quốc chứng kiến một trong những thảm kịch hàng không đau thương nhất lịch sử nước này. Chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air, chở 181 người từ Bangkok (Thái Lan), đã gặp nạn khi hạ cánh tại Sân bay Quốc tế Muan, để lại sau lưng một vết thương sâu sắc trong trái tim người dân xứ kim chi.

Những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay số hiệu 7C2216, được ống kính máy quay truyền hình ghi lại, sẽ còn khiến ngành hàng không thế giới phải ám ảnh suốt từ nay về sau: Một chiếc máy bay màu trắng và cam lao vút trên đường băng, trước khi bùng cháy thành quả cầu lửa khổng lồ sau khi va chạm với rào chắn. Theo ông Lee Jeong Hyeon, một quan chức phụ trách tìm kiếm và cứu hộ tại hiện trường, máy bay vỡ vụn thành nhiều mảnh đến mức chỉ có phần đuôi là nhận diện được ngay lập tức.

Thân nhân các nạn nhân trên chuyến bay 7C2216 của Jeju Air tuyệt vọng chờ tin tức tại Sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc). Ảnh: New York Times
Thân nhân các nạn nhân trên chuyến bay 7C2216 của Jeju Air tuyệt vọng chờ tin tức tại Sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc). Ảnh: New York Times

Sân bay Muan những ngày qua vang vọng tiếng than khóc và lời cầu nguyện từ thân nhân của 179 người thiệt mạng trên chuyến bay của Jeju Air. Jang Gu-ho, 68 tuổi, có lẽ là người chịu bi kịch lớn nhất. Năm người thân của ông - chị vợ, con gái vợ, con rể và hai đứa cháu - đều có mặt trên chuyến bay định mệnh đó.

"Chúng tôi như bị sét đánh", ông Jang nghẹn ngào chia sẻ, ngồi bên cạnh người vợ với nước mắt lưng tròng. Hai người đều tức tốc đi thẳng từ nhà riêng tại thành phố Mokpo đến sân bay Muan ngay khi nhận được hung tin.

Đến tối 29/12, chỉ có 65 nạn nhân đã được xác định danh tính thông qua dấu vân tay và các phương tiện khác. Nhiều thi thể bị hư hại nặng đến mức không thể xác định ngay được giới tính, các gia đình phải cung cấp mẫu ADN để giúp nhận dạng người thân.

Thử thách mới cho một chính phủ bất ổn

Vụ tai nạn máy bay của Jeju Air là một cú sốc thật sự đối với Hàn Quốc, nước chưa từng chứng kiến bất kỳ thảm họa hàng không nghiêm trọng nào suốt gần 3 thập kỷ qua. Vụ tai nạn máy bay lớn cuối cùng liên quan đến một hãng hàng không của Hàn Quốc xảy ra từ năm 1997, khi một chiếc máy bay của Korean Air đâm vào một ngọn đồi ở đảo Guam, một vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương, làm 229 trong tổng số 254 người trên máy bay thiệt mạng.

Thảm họa này càng trở nên nhạy cảm hơn khi nó diễn ra trong thời điểm bối cảnh chính trị của Hàn Quốc đang bất ổn chưa từng có. Tổng thống Yoon Suk Yeol đã bị đình chỉ chức vụ sau nỗ lực áp đặt thiết quân luật vào đầu tháng 12, trong khi người kế nhiệm Han Duck Soo vừa bị luận tội vì từ chối bổ nhiệm thẩm phán vào tòa án hiến pháp.

Song giữa những xáo trộn chính trị, các đảng phái đã tạm gác tranh chấp để chung tay khắc phục thảm họa với những sáng kiến khác nhau. Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Lee Jae Myung đã đến sân bay Muan, nơi ông dự định ở lại vô thời hạn để hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ, Trong khi đó, đảng Sức mạnh Quốc dân cầm quyền đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm tập trung vào việc điều tra vụ tai nạn và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.

Lực lượng ứng cứu khẩn cấp tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Jeju Air. Ảnh: New York Times
Lực lượng ứng cứu khẩn cấp tại hiện trường vụ tai nạn máy bay của Jeju Air. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, không thiếu những chỉ trích về phản ứng bị cho là chậm chạp của chính phủ Hàn Quốc và Jeju Air. Gia quyến các nạn nhân đã phải chờ đợi trong tuyệt vọng để nhận tin tức về người thân. Nhiều người còn bày tỏ bức xúc khi bị từ chối tiếp cận hiện trường vì lý do an ninh sân bay.

Thảm kịch hàng không ở sân bay Muan còn làm dày thêm bảng danh sách những thử thách “cực đại” đối với quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang Mok, người mới nhậm chức chưa đầy 48 giờ. Không chỉ tìm cách khắc phục hậu quả vụ tai nạn, ông Choi còn phải xử lý nhiều thách thức khác: đồng won giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2009, và những lo ngại về an ninh sau vụ bắt giữ một số chỉ huy quân đội liên quan đến kế hoạch thiết quân luật.

Nối dài "vệt đen" trong "năm hạn" của Boeing

Vụ tai nạn máy bay 737-800 ở Hàn Quốc tiếp tục là một đòn giáng mạnh khác trong một năm 2024 đầy sóng gió đối với Boeing. Trước đó, một cuộc đình công kéo dài 7 tuần của 33.000 thợ máy làm việc sản xuất các mẫu máy bay chủ lực của hãng bị gián đoạn. Hay trong giai đoạn đầu năm, hàng loạt sự cố liên quan đến các máy bay 737 MAX làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn đối với dòng máy bay được Boeing xem như “át chủ bài”.

Những rắc rối trên chỉ là phần tiếp nối của chuỗi sự kiện tai tiếng liên quan đến máy bay 737 MAX, khởi đầu từ các vụ tai nạn thảm khốc vào năm 2018 ở Indonesia và 2019 ở Ethiopia, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Kể từ đó, Boeing đã lỗ hơn 23 tỷ USD và dần mất vị thế trước đối thủ Airbus trong lĩnh vực sản xuất và bán máy bay mới.

Dù 737-800 được đánh giá là một dòng máy bay an toàn, khác biệt với những vấn đề của dòng 737 MAX, vụ tai nạn mới đây vẫn góp phần làm suy giảm thêm niềm tin vào gã khổng lồ máy bay dân dụng của Mỹ. Tính riêng trong năm 2024, giá cổ phiếu của Boeing đã giảm hơn 30%.

Để đối phó với khủng hoảng, Boeing đã có những thay đổi đáng kể. Giám đốc điều hành David Calhoun từ chức vào tháng 8, và hãng đã tổ chức các cuộc họp về cải thiện an toàn với sự tham gia của 70.000 nhân viên. Boeing cũng đạt được thỏa thuận với công đoàn về việc đồng ý tăng lương 38% cho người lao động trong vòng 4 năm.

Mặc dù vậy, hãng vẫn phải đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý, đặc biệt là sau khi nhận tội âm mưu gian lận liên quan đến việc phê duyệt 737 MAX. Những thách thức này đặt ra câu hỏi lớn về khả năng phục hồi và duy trì vị thế của Boeing trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.

Vụ tai nạn máy bay 737-800 ở Hàn Quốc tiếp tục là một đòn giáng mạnh khác trong một năm 2024 đầy sóng gió đối với Boeing. Ảnh: The Manufacturer
Vụ tai nạn máy bay 737-800 ở Hàn Quốc tiếp tục là một đòn giáng mạnh khác trong một năm 2024 đầy sóng gió đối với Boeing. Ảnh: The Manufacturer

Thảm kịch máy bay tại Hàn Quốc không chỉ là một vụ tai nạn đơn thuần, mà còn là một lời nhắc nhở đau xót về tầm quan trọng hàng đầu của những quy tắc an toàn đối với ngành hàng không thế giới.

Giữa những đau thương mất mát, câu hỏi lớn nhất vẫn còn đó: Làm thế nào để đảm bảo rằng những thảm kịch như thế này sẽ không bao giờ lặp lại?