Đề làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Thưa PGS.TS Vũ Văn Phúc chủ đề của cuộc trao đổi hôm nay chúng ta sẽ trao đổi sâu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, đặc biệt phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua trong bối cảnh những tiêu cực của ngành y tế đang gây bức xúc cho người dân. Năm 2021, tham nhũng, tiêu cực đã xuất hiện hình thái mới, tinh vi hơn...
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Trước hết xin cám ơn Báo Kinh tế và Đô thị đã mạnh dạn đi thẳng vào vấn đề dư luận đang dậy sóng sau khi cơ quan Công an điều tra và Tổng cục Hải quan vừa công bố các số liệu nóng. Một đề tài khó, cho cả người tham gia lẫn chính tờ báo đăng tải.
Tôi còn nhớ năm 2015, TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương là người có nhiều trăn trở. Ông đã có bài viết “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu - cảnh báo một nguy cơ” đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 872 (6-2015) và được nhận Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm đó. Ông cảnh báo trước “lợi ích nhóm” kìm hãm sự phát triển của đất nước, làm mất niềm tin của dân chúng, làm chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính sang “chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu”.
Trước đó anh Lê Hồng Liêm, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương đã cảnh báo về những “…mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với các doanh nghiệp để trục lợi ở nước ta” (sách do NXB CTQG ST xuất bản năm 2014). Đến nay, các phát hiện, cảnh báo đó vẫn còn nguyên giá trị...
Như vậy cách đây 7 năm về mặt lý luận chúng ta đã đưa ra các khái niệm “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đề cập đến “mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và doanh nghiệp để trục lợi”?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Trước hết phải khẳng định những cảnh báo “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” hay đề cập đến “mối quan hệ không bình thường giữa quan chức và doanh nghiệp để trục lợi” nay đã thành hiện thực. Đó là vụ nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị can trong vụ án "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; nhiều vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ mua bán thiết bị tại Bệnh viện Tim Hà Nội, CDC Hà Nội, Nhật Cường, vụ đất đai Bình Dương, Khánh Hòa; rồi mới đây là vụ Việt Á mà báo đài đã từng đề cập rất nhiều và còn nhiều vụ án nghiêm trọng khác...
Quan sát, theo dõi các vụ án kinh tế lớn gần đây, chúng ta thấy “nhóm lợi ích” ngày càng tinh vi hơn, nếu trước đây chỉ là “công ty sân sau” thì nay đã xuất hiện “công ty gia đình” của vợ con, có sự kết nối nhiều quan chức với các tập đoàn, doanh nghiệp. Xuất hiện tham nhũng chính sách, hướng chính sách có lợi cho chính mình, cho gia đình mình, nhóm mình, nếu các đại biểu quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước không sáng suốt và kịp thời phát hiện thì hậu quả khó lường...
Có một thực tế mà rất nhiều người dân boăn khoăn: Tại sao chúng ta chậm phát hiện các sai phạm của cán bộ? Phần lớn chỉ mới xử lý cán bộ đã “hạ cánh”…
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Đúng là có sự chậm trễ, ví dụ khi xử lý vụ Đinh La Thăng với các sai phạm lại ở thời kỳ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia, vụ cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam gây thiệt hại hơn ngàn tỉ xảy ra từ năm 2010 khi ông Nam được bổ nhiệm giữ chức phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, phụ trách lĩnh vực giao thông, đất đai...
Điều này nói lên 3 vấn đề nổi cộm: đầu tiên là chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt chưa làm tốt công tác quản lý, giám sát đảng viên, đấu tranh, phê bình; thứ hai, đằng sau sự chậm trễ cho thấy việc phát hiện, điều tra quan chức có biểu hiện “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không dễ, thì cũng phần nào phản ánh, công tác thanh tra, kiểm tra của chính quyền và của tổ chức Đảng làm chưa thật tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; thứ ba là công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ của chúng ta có vấn đề. Điều này khiến cho các sai phạm, vi phạm không được phát hiện sớm để cán bộ vi phạm có điều kiện để leo cao, mất lòng tin của nhân dân. Đây là vòng xoáy mà TS Vũ Ngọc Hoàng đã cảnh báo: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền”...
Ông có nhận xét, đánh giá gì về các vi phạm của quan chức y tế gần đây? Trước khi xảy ra vụ án Việt Á thì cơ quan điều tra đã khởi tố CDC Hà Nội nhưng chưa đủ sức răn đe các giám đốc CDC khác?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Giáo dục và y tế chính là những lĩnh vực ảnh hưởng đến người dân, để điều trị bệnh, người dân buộc phải chi tiền túi, điều này khiến cho “nhóm lợi ích” nghĩ cách làm giàu bất hợp pháp. Từ đó, khiến cho nhiều quan chức Bộ Y tế bị kỷ luật hay ngồi tù, nguyên hai thứ trưởng lĩnh vực dược liên tiếp dính vào pháp luật. Rõ ràng ngoài việc thanh tra công tác đấu thầu mua kít xét nghiệm tại các thành phố lớn thì lĩnh vực này cần được thường xuyên thanh tra, giám sát. Tất cả những người công tác ngành y trước khi ra trường đều thực hiện "Lời thề Hippocrates" nhưng không phải ai cũng nhớ đến điều mình đã thề...
Như tôi đã nói trên, những quan chức nằm trong “nhóm lợi ích” theo“chủ nghĩa tư bản thân hữu” đều là những người có trình độ, am hiểu luật pháp, không phải khi các quan chức tham nhũng, có những sai phạm bị kỷ luật hay khởi tố họ không biết, thậm chí ngược lại còn biết rất rõ các mức án sẽ giành cho mình. Nhưng rõ ràng họ tự tin rằng với những lợi nhuận, siêu lợi nhuận có được, họ có thể chia chác, cấu kết được với nhiều quan chức tại các bộ ngành khác nhau để “che, chắn và tự bảo vệ”. Việc bố trí “quân xanh, quanh đỏ” cho thấy mức độ tinh vi hơn. Bên cạnh đó, các bản án hiện nay chưa đủ sức làm chùn tay các quan tham, đó cũng là sự thật. Thậm chí khi bị bại lộ vẫn nhiều giám đốc CDC mạnh miệng tuyên bố “tôi không hề nhận tiền hối lộ”...
Trở lại vụ án Việt Á, điều gì khiến ông quan tâm nhiều nhất?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Đây có thể là vụ điển hình về “lợi ích nhóm” trong thời gian gần đây. Với tư cách là công dân, tôi có thể đặt ra nhiều câu hỏi cho các cơ quan chức năng. Với một đề tài NCKH cấp quốc gia trị giá 19 tỷ đồng, vì sao Học viện Quân Y chỉ tiến hành trong 1 thời gian ngắn như thế? Kết quả nghiên cứu sao không được Bộ KH&CN thành lập một hội đồng đủ trình độ đánh giá, thẩm định? Năng lực con người, năng lực cơ sở vật chất, năng lực công nghệ của Việt Á kém như thế tại sao lại được chỉ định thầu? Nếu Việt Á được chuyển giao kết quả nghiên cứu đề tài NCKH cấp quốc gia với giá 0 đồng thì Việt Á sản xuất ở đâu? Giá thành như thế nào? Liệu những cán bộ cấp nào của Bộ Y tế và Bộ KH&CN có quyền thông báo giá kít xét nghiệm là 470.000 đồng/kít hay đã được WHO công nhận đạt chuẩn, rồi có mặt 62/63 tỉnh, thành và nhiều bệnh viện bằng hình thức chỉ định thầu? v.v…
Đã đến lúc dư luận cần được biết các thành viên của Hội đồng quốc gia đánh giá, thẩm định kết quả nghiên cứu đề tài này là ai? Câu hỏi lớn nhất mà cơ quan điều tra cần làm rõ: Việt Á có thật sản xuất ra kít xét nghiệm không? Chất lượng và giá thành như thế nào, hay là nhập của nước ngoài? Nếu nhập thì của nước nào thì có đảm bảo chất lượng không? Giá nhập là bao nhiêu/1 kít v.v…Và trên hết, ai đứng đằng sau “chống lưng” cho Việt Á…
Đây là vụ án điểm nằm trong sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khi làm đúng sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ lấy lại lòng tin của Nhân dân và khiến cho bất cứ quan chức, các công ty, doanh nghiệp, “nhóm lợi ích” nào nhìn vào bài học nhỡn tiền sẽ chùn ý chí kiếm chác bất hợp pháp...
Nguyên nhân để xuất hiện “nhóm lợi ích” thì nhiều, nhưng người dân cho rằng công tác cán bộ chính là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân, ông có đồng ý với nhận định này không?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Chính xác. Công tác cán bộ chính là nguyên nhân của nhiều nguyên nhân “nhóm lợi ích”. Về vấn đề này, theo nghiên cứu của tôi, Đảng đã có nhiều thay đổi lớn về công tác cán bộ, tại Đại hội XIII quy trình giới thiệu, bổ nhiệm đã nâng từ 3 bước lên 5 bước, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực và điều này đã giúp cho chất lượng cán bộ được nâng cao. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được Bộ Chính trị bổ sung chức năng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nay chỉ cần có dấu hiệu vi phạm thì Ủy ban kiểm tra các cấp đã có thể vào cuộc, không đợi đến khi cơ quan chức năng điều tra, kết luận...
Nhưng thực tế vụ Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị pháp hiện sai phạm lớn sau ngay sau Đại hội XIII cho thấy việc triển khai công tác cán bộ trong tình hình mới vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện...
Theo PGS. TS, chúng ta cần phải điều chỉnh, bổ sung những vấn đề gì?
PGS.TS. Vũ Văn Phúc: Theo tôi có 3 vấn đề cần phải nghiên cứu, điều chỉnh. Đầu tiên là với những cán bộ có sai phạm, chi bộ, người dân đều biết, nhưng chính ta chưa có cơ chế để người dân tố cáo, phản ánh. Hiện nay, đơn thư tố cáo nặc danh dù có nội dung, địa chỉ cụ thể vẫn chưa được xem xét vô tình đã bỏ qua kênh thông tin quan trọng trong bối cảnh người dân còn ngại đối mặt với những người có quyền lực trong tay. Thứ hai, cần cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, quy định rõ những việc được làm, không được làm và có cơ chế giám sát, chế tài xử lý thật nghiêm người có sai phạm...; Thứ ba, phải tiêu diệt bằng được việc chạy chức, chạy quyền; phải công khai, minh bạch công tác giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ. Phải chấm dứt tình trạng cấp dưới sợ cấp trên, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh.
Thực hiện đúng Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đặc biệt Quy định số 37-QĐ/TW của BCH TƯ khóa XIII về những điều đảng viên không được làm...
Chúng ta sẽ nói thêm về Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, liệu đây có phải là một trong những "liều thuốc hiệu nghiệm" để bảo vệ những cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" trong các mặt công việc, đặc biệt là công cuộc chống tham nhũng tiêu cực, tiền đề để có đội ngũ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Hiện nay, khi xuất hiện “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì còn tồn tại một số cán bộ “không dám”. Không dám làm, sợ sai, trình độ kém, và xuất hiện tư tưởng “không ăn, không làm”, dĩ hòa vi quý để giữa ghế”. Bên cạnh đó, có nhiều đảng viên trung kiên "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung" không ngại đấu tranh, va chạm. Như vậy, cần có các quy định, chế tài để hạn chế đi đến loại bỏ“lợi ích nhóm”, “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, không để tồn tại cán bộ “không dám” và bảo vệ cán bộ "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung".
Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị chính là quy định quan trọng khơi nguồn sáng tạo cho người cán bộ trong mọi mặt công tác và cuộc sống, mà còn được coi như tấm khiên/lá chắn để bảo vệ họ, giúp họ phát huy sở trường, tài năng và ý chí quyết đoán của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao trước những khó khăn, thử thách của thực tiễn...
Trên tay PGS.TS. là “Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, ông có kỳ vọng gì sau khi nghiên cứu văn bản này?
PGS.TS Vũ Văn Phúc: Ngày 20/1/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo... Trưởng Ban Chỉ đạo nhận định “công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Nhưng vẫn xuất hiện nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực rất lớn, tinh vi hơn, vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn. Điều đó cho thấy, công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên của các tổ chức Đảng vẫn chưa tốt; cơ chế, chính sách của Nhà nước ta còn lỏng lẻo, tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực...
Các hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng tinh vi hơn, không chỉ ở trong một số người, trong một bộ phận nhỏ mà đã xuất hiện sự liên kết, liên thông ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương. Vẫn có một số cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, ngành tư pháp... (kể cả cán bộ cấp cao) bị xử lý...
Năm 2022, Ban Chỉ đạo đã yêu cầu sớm xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng"; cụ thể hoá, thể chế hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng...
Điều này thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dẹp bỏ “lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu”...
Xin cám ơn ông!
10:00 12/02/2022