Sáng kiến tham vọng
BRI trở thành một trong những chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tạo dựng liên kết về cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư.
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), BRI được thiết kế nhắm tới 3 mục tiêu kinh tế, ngoại giao và an ninh chiến lược của Trung Quốc. Về kinh tế, BRI thúc đẩy đầu tư ra bên ngoài, giảm áp lực từ dự trữ ngoại tệ, giúp doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Về ngoại giao, BRI được kỳ vọng sẽ thực hiện làn sóng mở cửa lần 2 của Trung Quốc và hướng tới hình thành các luật chơi cũng như trật tự quốc tế mới mà Bắc Kinh có vai trò lớn hơn.
Đặc biệt, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giảm ảnh hưởng của Washington tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây được coi như là cơ hội tuyệt vời để Bắc Kinh “tranh sân” và có thể tiếp tục thúc đẩy ảnh hưởng của mình đối với khu vực
PGS. TS Đặng Hoàng Linh, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Ngoại giao cũng đánh giá, BRI là một trong những chiến lược quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Hoạt động thương mại của nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ tập trung chính vào khu vực ven biển phía Đông và phía Nam, với khoảng 80% lượng xuất khẩu và nhập khẩu, dẫn đến việc phụ thuộc quá nhiều vào đường biển. Chính vì vậy, Trung Quốc ngày càng hình thành nhu cầu xây dựng một hệ thống thương mại của riêng mình.
Về kinh tế, Trung Quốc trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung dầu ngoại ngày càng tăng. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sự phụ thuộc từ nguồn cung dầu ngoại của Trung Quốc có thể sẽ tăng tới 68% vào năm 2020. Trong khi đó, nguồn cung dầu của Trung Quốc lại chỉ đến từ một vài khu vực cố định, với 70% từ Trung Đông và châu Phi và chủ yếu qua bờ biển Ấn Độ và eo biển Malacca. Thực tế này khiến Trung Quốc cần thiết phải mở một con đường bộ qua lục địa Á - Âu, kết nối với Trung Đông nhằm giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca.
Hành xử của Trung Quốc làm khó chính mình
Châu Âu gần đây đang gặp phải nhiều vấn đề bất ổn về cả kinh tế lẫn chính trị, bao gồm vấn đề nợ công và tị nạn. Với tình hình như vậy, Lục địa già thực sự cần sự giúp đỡ và hợp tác từ Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế. Các quốc gia phương Tây hy vọng rằng, việc có một con đường xuyên suốt lục địa Âu - Á - Phi sang Trung Quốc sẽ mở ra những cơ hội kinh tế và thị trường mới cho châu Âu.
Tuy nhiên, các quốc gia Tây Âu đồng minh với Mỹ vẫn còn nhiều ngờ vực nhất định đối với mục tiêu và phương thức thực hiện của Trung Quốc trong BRI. Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh Con đường tơ lụa thế kỷ 21 tổ chức ở Bắc Kinh hồi tháng 5, đại diện Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã từ chối ký vào thông cáo kết thúc hội nghị. 6 thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các văn bản này có những nội dung không đảm bảo tính minh bạch về chuẩn mực môi trường và xã hội.
Trong khi đó, ông Quách Quang Hồng, Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao cũng cho rằng, sự cạnh tranh và va chạm giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng gia tăng đã hạn chế phần nào liên kết khu vực. Ngoài ra, những hành động cứng rắn của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến nhiều quốc gia lo ngại, không tin tưởng và mất đi động lực tham dự. Để phát huy vai trò chủ chốt và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng BRI, Trung Quốc cần phải xử lý tốt mối quan hệ với các nước lớn và láng giềng, ông Hồng nhấn mạnh.
Cơ hội và thách thức cho Việt Nam
Tham gia “Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường” hồi tháng 5/2017 tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến kinh tế, kết nối khu vực, trong đó có BRI, theo đó “sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững”. Tuy nhiên, những lợi ích và thách thức Việt Nam có thể đối mặt một khi tham gia BRI vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng.
Theo TS. Phạm Sỹ Thành, thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á. Việc tham gia BRI cũng có thể mang lại những tiềm năng du lịch lớn hơn cho Việt Nam và Trung Quốc. Đặc biệt, Việt Nam vốn chỉ tập trung phát triển kinh tế và kết nối Bắc - Nam nhưng chưa tập trung kết nối vào Đông - Tây và các quốc gia láng giềng. Do đó, sáng kiến này có thể hỗ trợ Việt Nam khắc phục điểm yếu trên và tận dụng lợi thế sẵn có.
PGS. TS Đặng Hoàng Linh lại đề cập tới ba thách thức khi Việt Nam là một trong những thành viên của BRI. Thứ nhất, là vấn đề nợ công: “Theo báo cáo của World Bank, dư nợ công đến cuối năm 2015 của Việt Nam là 117 tỷ USD, tăng gấp đôi năm 2011 và dự báo con số này có thể lên chiếm 64,9% GDP vào năm 2018”. Các rủi ro về nợ công có thể trở thành khủng hoảng có nguy cơ khiến Việt Nam dễ dàng rơi vào tình huống phụ thuộc các quốc gia khác. Thứ hai, theo dõi các dự án BRI từ các quốc gia khác, có thể thấy khoảng 70% các dự án rơi vào tay các công ty, nhà thầu hoặc nhân công Trung Quốc - vấn đề không thể xem nhẹ. Thứ ba, Việt Nam cũng cần chú tâm tới vấn đề chất lượng các dự án được Trung Quốc đầu tư. Việc sử dụng vốn của Trung Quốc để đầu tư cho các dự án tại Việt Nam đặt ra các thách thức trong việc quản lý chất lượng, chi phí, xử lý các vấn đề môi trường xã hội, tiêu biểu là dự án nhà máy nhiệt điện Ninh Thuận hay tuyến đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh.
Sáng kiến Vành đai và Con đường là sáng kiến đầy tham vọng nhằm phát triển giao thông vận tải, kết nối giữa các quốc gia và khu vực. Một khi thành công, đây có thể trở thành “Vạn Lý Trường Thành của Thế kỷ 21”. Tuy nhiên, tôi cũng kỳ vọng đây là một con đường hai chiều, đem lại lợi ích chung cho các bên tham gia TS Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế |
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển. Trong khuôn khổ BRI, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, vốn là nút thắt cổ chai kiềm chế sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân. Việc triển khai sáng kiến góp phần thúc đẩy hành lang Đông - Tây, kéo theo hỗ trợ kết nối vành đai các nước ASEAN như Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Lăng Đức Quyền, Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Thế giới, Tân Hoa Xã |