70 năm giải phóng Thủ đô

Thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội là bước đi tất yếu

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Việc thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội được triển khai trên cơ sở kế thừa kết quả đã đạt được từ “Bộ phận Một cửa”, khắc phục hạn chế của mô hình truyền thống, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khắc phục bất cập của mô hình truyền thống

Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công theo Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ: “Giao trách nhiệm cho UBND các tỉnh, thành phố: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh là cơ quan hành chính”.

Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội là cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Đặc điểm nổi trội của mô hình này là Trung tâm sẽ tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính; giảm đầu mối bộ phận "một cửa"; đổi mới cách thức tiếp nhận thủ tục hành chính.

Cụ thể, mô hình giải quyết thủ tục hành chính này bảo đảm mỗi người dân có thể tiếp cận với các dịch vụ công trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5km, tiếp nhận và giải quyết 24/7 (tính từ địa điểm của người dân và doanh nghiệp đến điểm thực hiện thủ tục hành chính). 

Như vậy, với những đặc thù trên, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình Bộ phận Một cửa “truyền thống” như: thiếu tính độc lập; chưa có cơ quan chuyên trách cấp Thành phố với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công cụ để điều phối, giám sát, kiểm soát việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính công khai, minh bạch; chưa thực sự chú trọng đến cải thiện mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân; chưa chủ động tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong khi chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến “tỷ lệ thấp, còn hình thức”, tỷ lệ số hóa hồ sơ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn hạn chế, mức độ hài lòng của tổ chức và cá nhân chưa cao;…

Phù hợp với xu thế quốc tế và trong nước

Việc thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Hà Nội là cơ quan chuyên trách về tiếp nhận, trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính còn phù hợp với xu hướng quốc tế, khu vực, trong nước.

Đây là sự cải tiến toàn diện xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trên cơ sở kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của việc thí điểm thành lập Trung tâm Hành chính công tại một số phường thuộc Thành phố và trên nền tảng khắc phục những tồn tại, hạn chế từ các mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công đang được triển khai tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Tại Hà Nội, từ ngày 10/10/2023 đến nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã thí điểm thành lập 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp phường (Trung tâm Phục vụ hành chính công số 01 tại phường Trần Hưng Đạo là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường: Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Hàng Trống; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 02 tại phường Hàng Mã là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường: Hàng Mã, Hàng Bồ, Cửa Đông; Trung tâm Phục vụ hành chính công số 03 tại phường Chương Dương là điểm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của các UBND phường Chương Dương, Phúc Tân.

Sau một thời gian hoạt động, 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công của quận Hoàn Kiếm đã đạt nhiều kết quả nổi bật, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của việc thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bắc Ninh và mô hình Trung tâm Hành chính công thuộc các sở, ngành của UBND 56 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội được xây dựng là một mô hình cải tiến toàn diện, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của các mô hình đã triển khai tại các địa phương trên cả nước.

Với tính độc lập trong tổ chức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và quy trình số hóa, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đây không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho “Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh” của Thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định “Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội” trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt.

 

Dự kiến, HĐND TP Hà Nội sẽ thông qua đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội tại kỳ họp chuyên đề (kỳ họp thứ 18), khai mạc ngày 30/9/2024.