Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành tựu từ “công việc gốc”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Đảng đã chỉ rõ, trong 90 năm qua, nhờ thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” đã tạo nên một trong những nhân tố quyết định sự lãnh đạo thành công của Đảng.

Đảng đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để đội ngũ cán bộ đó đảm đương được trách nhiệm lịch sử của mỗi thời kỳ, biến đường lối của Đảng thành hiện thực và đưa đến thắng lợi của cách mạng.
Thực hiện lời dạy của Bác
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng), để đi tới việc thành lập Đảng vào năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về các điều kiện. Trong đó có ba điều kiện cơ bản: Chuẩn bị về lý luận cho phong trào công nhân, phong trào yêu nước; chuẩn bị về chính trị, tức là đường hướng, mục tiêu đấu tranh chính trị; chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Ngay từ năm 1924, thấy được tầm quan trọng của công tác cán bộ, đặc biệt là đào tạo, huấn luyện cán bộ, Người đã mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho các thanh niên Việt Nam, với tổng số 75 người tại Quảng Châu. Đây là lớp cán bộ nòng cốt của Đảng trong thời kỳ đầu. Sau này Bác đã rút ra một kết luận rất quan trọng, đó là “cán bộ là cái gốc của của mọi công việc, đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Lớp đào tạo cán bộ nguồn của Hà Nội tại trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Ảnh: Công Hùng
Trong các tư liệu về lịch sử Đảng cũng đã chỉ rõ, nói đến đào tạo cán bộ, bao giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh song song hai yêu cầu “có đức, có tài”. Đến khi viết Di chúc, Bác lại nhấn mạnh việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa hồng, vừa chuyên”.
Năm 1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải trau dồi phẩm chất chính trị, tránh bị gục ngã bởi “viên đạn bọc đường”. Tới những ngày cuối đời, khi hình dung sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mối lo lớn của Người lại cũng vẫn là đạo đức, phẩm chất của mỗi cán bộ, đảng viên.
Tạo các bước đột phá
Thực tiễn cho thấy, xuyên suốt trong 90 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhiều hội nghị T.Ư trực tiếp bàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điển hình như Đại hội VI (tháng 12/1986) là một bước đột phá trong công tác cán bộ nói chung và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng. Đại hội đã xác định: “Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tuân theo một quy trình chặt chẽ. Đó là kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức ở các trường học với rèn luyện trong thực tiễn”, “Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát, mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu”.
Bên cạnh việc xác định chủ trương đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Đảng còn quan tâm trực tiếp đến việc kiện toàn hệ thống các trường đào tạo cùng nội dung và phương pháp đào tạo nhằm mục đích chuẩn hóa việc đào tạo cán bộ theo tinh thần đổi mới.
Đến Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng chủ trương: “Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch. Đào tạo gắn với tiêu chuẩn từng chức danh và yêu cầu sử dụng cán bộ. Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. Đầu tư thích đáng cho việc đào tạo cán bộ Đảng”. Tại Đại hội lần thứ IX, Đảng xác định: “Xây dựng, chỉnh đốn hệ thống các học viện, trường và trung tâm chính trị, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp”…
Không chỉ ở cấp T.Ư, trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở cơ sở luôn được cấp ủy Đảng các cấp quan tâm. Con số được chỉ ra tại cuộc tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 185-QĐ/TW của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trung tâm bồi dưỡng chính trị cho thấy, bình quân mỗi năm, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện trong cả nước mở được hơn 76,4 nghìn lớp với hơn 4,2 triệu lượt học viên; có 1,7 triệu lượt cán bộ, đảng viên ở cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về những vấn đề lý luận mới, những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ đã nêu rất rõ trong Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 7 (Khóa XII), đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Đảng ta khẳng định lại quan điểm Bác Hồ đã nêu, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nhận định, nhìn vào lịch sử Đảng có thể thấy, đúng như Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) đã đánh giá, chưa bao giờ chúng ta có cơ đồ và vị thế như hôm nay. Có được điều đó, do nhiều nguyên nhân, như sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, sáng tạo của các lĩnh vực; phát huy được nội lực; nhưng cái nổi bật là sự lãnh đạo của Đảng, quyết định cơ đồ, vị thế đất nước. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có được là nhờ xây dựng Đảng, và trong xây dựng Đảng lại lấy cán bộ là then chốt.
90 năm lãnh đạo đất nước và dân tộc, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ và công tác cán bộ đã giúp Đảng ta lựa chọn được đội ngũ cán bộ tốt, lãnh đạo và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Trong chiến tranh dân tộc bảo vệ Tổ quốc cũng như vậy và bây giờ trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước cũng như vậy. Thắng lợi của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 tới nay đã làm biến đổi sâu sắc diện mạo đất nước, tiềm lực đất nước.