Thành viên EU tuyên bố châu Âu “ảo tưởng” khi từ chối vai trò của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ trưởng Ngoại giao Áo lên tiếng bảo vệ Raiffeisen - ngân hàng lớn thứ hai của nước này, trước chỉ trích về hoạt động kinh doanh tại Nga.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: Tass
Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg. Ảnh: Tass

Ngày 22/3, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cho biết Nga sẽ luôn giữ vai trò quan trọng đối với châu Âu, đồng thời cho rằng nghĩ khác đi là ảo tưởng.

"Nghĩ rằng sẽ không còn Nga nữa và chúng ta có thể tách rời nhau trong mọi lĩnh vực là ảo tưởng" - Ngoại trưởng Schallenberg nói với Reuters, đồng thời khẳng định rằng mặc dù Vienna sẽ nới lỏng quan hệ với Moscow, nhưng điều này "không thể xảy ra trong một sớm một chiều".

Ông Schallenberg nhấn mạnh: "Dostoyevsky và Tchaikovsky vẫn là một phần của văn hóa châu Âu, cho dù chúng ta có thích hay không. Nga sẽ tiếp tục là hàng xóm lớn nhất của chúng ta, và là cường quốc hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới".

Áo - quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tự coi mình là cầu nối giữa đông và tây - đã biến thủ đô Vienna thành một thỏi nam châm hút tiền của Nga. Tuy nhiên, Áo cũng tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế chống Nga của phương Tây vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Áo vẫn nhập khẩu khí đốt của Nga mặc dù nước này đang tìm cách giảm lượng khí đốt trong những năm tới.

Theo các nguồn thạo tin, một số quan chức Áo vẫn kỳ vọng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ nhanh chóng kết thúc và mối quan hệ bình thường hơn với Moscow sẽ quay trở lại.

Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Áo đưa ra sau khi chính phủ Mỹ mở cuộc điều tra đối với ngân hàng Raiffeisen của Áo về hoạt động kinh doanh của ngân hàng này có liên quan đến Nga, gia tăng giám sát Raiffeisen.

Raiffeisen gắn bó sâu sắc với Nga và là một trong 2 ngân hàng nước ngoài duy nhất trong danh sách 13 tổ chức tín dụng quan trọng trong hệ thống của Ngân hàng Trung ương Nga. Ngân hàng còn lại là ngân hàng thương mại toàn châu Âu UniCredit.

Ngân hàng Raiffeisen giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nga, vốn đang phải vật lộn với các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng có của phương Tây.

Kế hoạch của Nga cho phép các binh sĩ đang chiến đấu ở Ukraine được thanh toán tiền qua ngân hàng Raiffeisen cũng gây ra sự chỉ trích mạnh mẽ của các nhà đầu tư.

Bộ trưởng Schallenberg chỉ ra thực tế rằng các ngân hàng phương Tây khác cũng đang kinh doanh ở Nga. Ông dẫn chứng: "Hãy nhìn vào thực tế. 91% công ty phương Tây vẫn đang ở Nga. Có nhiều ngân hàng Mỹ, đặc biệt là ngân hàng lớn thứ hai của nước này Bank of America, đang hiện diện ở Nga. Danh sách này là của thế giới ngân hàng phương Tây".

Trong khi đó, người phát ngôn của Bank of America - một ngân hàng đa quốc gia và công ty dịch vụ tài chính Mỹ có trụ sở tại Charlotte, North Carolina, cho biết: "Các hoạt động của chúng tôi tập trung vào việc tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt".

Đề cập đến lệnh cấm vận Nga, Ngoại trưởng Schallenberg nói ông ủng hộ việc thực thi các biện pháp trừng phạt hiện có của châu Âu hơn là đưa ra các biện pháp tiếp theo. "Đó là một vũ khí rất cùn. Chúng ta đã có các gói trừng phạt lớn và hãy dành thời gian để các lệnh trừng phạt phát huy hiệu quả" - Ngoại trưởng Áo nói.