Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay “áo mới” để hàng Việt đủ sức cạnh tranh

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước có mặt trong hệ thống phân phối tăng cao và được người tiêu dùng lựa chọn, tin tưởng. Tuy nhiên để hàng Việt đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập cần nhà sản xuất thay “áo mới” cho sản phẩm thông qua việc nâng cấp mẫu mã, bao bì.

Người tiêu dùng tin tưởng, ưu tiên sử dụng

Những năm gần đây, việc lựa chọn các mặt hàng “Made in Viet Nam” trở thành thói quen mua sắm của chị Trần Thanh Trang ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa). Theo chị Trang, mua hàng sản xuất trong nước có thể yên tâm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng không hề thua kém sản phẩm ngoại nhập mà giá cả lại vô cùng cạnh tranh.

Người tiêu dùng mua hàng thủ công mỹ nghệ do làng nghề Hà Nội sản suất  tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng thủ công mỹ nghệ do làng nghề Hà Nội sản suất  tại Hội chợ Thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Ảnh: Hoài Nam

Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như BigC Thăng Long, Hapro Mart, Winmart… cho thấy, các gian bày bán hàng Việt rất đa dạng, bắt mắt tới từ nhiều thương hiệu, doanh nghiệp sản xuất khác nhau.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ trên 90% tại các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; chiếm 60-96% tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt Nam tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống bán lẻ của Central Retail (siêu thị GO!, Big C và siêu thị Tops Market) là trên 90%.

Sản xuất bánh ngọt tại Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam
Sản xuất bánh ngọt tại Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Hoài Nam

Chia sẻ về thành công đưa hàng Việt chiếm được lòng tin người tiêu dùng Tổng Giám đốc Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà Trương Quang Luyến nêu rõ, doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường mục tiêu, khách hàng mục tiêu, từ đó có các giải pháp căn cơ cho chiến lược kinh doanh. “Muốn tiếp tục giữ được lợi thế, doanh nghiệp sản xuất cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để tăng sức cạnh tranh trên thị trường”-ông Luyến nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm này Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, việc nghiên cứu thị trường thường xuyên có thể giúp doanh nghiệp Việt hướng tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau thông qua nhiều phân khúc giá để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Bên cạnh đó để chinh phục người Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam chúng ta nên tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm qua đó để quảng bá, giới thiệu  sản phẩm, đồng thời có nhiều chương trình khuyến mãi để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn sản phẩm.

Nâng cấp, cải tiến mẫu mã theo chuẩn quốc tế

Thực tế cho thấy, dù hàng Việt đã chiếm được lòng tin người tiêu dùng nhưng bao bì nhiều sản phẩm còn đơn điệu, khó tạo được sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm Việt tại hội chợ hàng Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm Việt tại hội chợ hàng Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Hoài Nam

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tâm lý của người tiêu dùng hiện nay là chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp phù hợp với văn hóa tiêu dùng. Thế nhưng một trong những điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt khi mẫu mã bao bì chưa sang trọng, tinh tế, khiến sản kém lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa nước ngoài.

Còn theo Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung, nhiều mặt hàng nhập khẩu bầy bán ở siêu thị dù chất lượng không cao hơn hàng Việt nhưng lại vượt hẳn về kiểu dáng, mẫu mã. Sự bắt mắt, nổi trội về mẫu mã, kiểu dáng bao bì đã giúp hàng nhập khẩu được khách hàng đón nhận mua sắm.

Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) Đỗ Xuân Lập thừa nhận, trước đây các doanh nghiệp gỗ Việt Nam chủ yếu sản xuất phục vụ cho xuất khẩu nên không chú trọng vào khâu thiết kế, chỉ làm theo hợp đồng. Giờ muốn chiếm lĩnh tại thị trường nội địa thì không đủ lực kinh tế đầu tư cho thiết kế, phân phối nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ.

Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do HPA tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại Tuần lễ hàng Việt do HPA tổ chức tại AEON Long Biên. Ảnh: Hoài Nam

Nhiều doanh nghiệp sản xuất phản ánh, để “mặc áo mới” cho hàng Việt quả thực không dễ bởi đa phần doanh nghiệp Việt quy mô vừa và nhỏ nên vừa thiếu vốn lại thiếu cả cách làm chuyên nghiệp. Giám đốc Công ty TNHH Trang Minh (quận Hoàng Mai) Trần Thị Thúy than phiền, là đơn vị chuyên sản xuất các loại quần áo thời trang dành cho tuổi mới lớn nên việc thay đổi mẫu mã là cần thiết. Thế những mỗi năm doanh nghiệp chỉ dảm bỏ ra 300-400 triệu đồng để nhờ thiết kế mẫu mã mới.

Nguyên nhân là do, đơn vị là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên không có nhiều kinh phí đầu tư mẫu mã mới, việc tiếp cận nguồn vốn vay cũng rất khó khăn khi mức lãi suất lên đến 8-9%/năm, trong khi ở nước ngoài chỉ phải trả lãi 2%/năm. “Sản phẩm của nước ngoài thường đẹp, tinh tế là do họ có nguồn vốn vay lãi suất thấp,  trong khi doanh nghiệp Việt vừa nghèo vốn lại phải chịu mức lãi suất cao gấp 4 lần thì lấy đâu ra sức lực để “may cho hàng Việt chiếc áo mới” - bà Thúy nói.

Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại  siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt tại  siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Hoài Nam

Để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, cải tiến mẫu mã sản phẩm, thời gian qua UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới. Riêng năm 2022 các ngành của TP Hà Nội đã tổ chức 20 lớp tập huấn cho 2.000 lượt cán bộ các cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Đặc biệt 35 cơ sở công nghiệp nông thôn đã được hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, trong quá trình thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”, HPA đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì…“Cụ thể TP Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí thiết kế một bộ sản phẩm, mỗi đơn vị được hỗ trợ từ 2 – 5 sản phẩm mẫu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” - bà Mai Anh nêu rõ.

Có thể thấy, thành công của thiết kế bao bì, mẫu mã sẽ mang lại hiệu quả cho sản phẩm, thương hiệu hàng Việt thu hút sự quan tâm nhiều hơn của người tiêu dùng. Bởi vậy, doanh nghiệp cần nắm bắt những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về thị trường, nâng cao năng lực thiết kế, tạo dựng bao bì, mẫu mã riêng biệt, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập