Thay đổi chiến lược phát triển ngành gỗ

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của ngành gỗ những tháng đầu năm và có thể là cả năm 2020. Giải pháp nào để vực dậy ngành gỗ, hướng tới phát triển bền vững trong tương lai là bài toán đang được đặt ra cấp thiết.

Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty CP Nhất Nam. Ảnh: Việt Dũng
Tăng trưởng xuất khẩu có thể bằng 0%
Từ trung tuần tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam bao gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. 5 thị trường trên chiếm đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Điều này dẫn đến các đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng đồ gỗ, gãy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của các DN trong nước. Kết quả khảo sát 124 DN trong ngành gỗ mới đây của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho thấy, 100% DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, tổng thiệt hại ban đầu do dịch của 75% số DN được hỏi ước khoảng 3.066 tỷ đồng. Có đến 51% số DN đã phải thu hẹp quy mô sản xuất. Hơn 7% số DN hiện đang ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, khoảng 35% DN mặc dù vẫn đang sản xuất, kinh doanh bình thường, nhưng cho biết sẽ phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian tới.
“Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 12 tỷ USD. Mặc dù vậy, dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu trên. Không loại trừ khả năng tăng trưởng xuất khẩu của ngành trong năm nay có thể bằng 0%” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST Ngô Sỹ Hoài dự báo.
Thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh
Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Forest Trends: “Ngành gỗ cần có thay đổi căn bản trong việc xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, bởi cơ cấu dòng sản phẩm của ngành gỗ hiện chưa hợp lý. Ngành đang sản xuất nhiều sản phẩm không có nhu cầu lớn và không có tiềm năng tăng cao trong tương lai” – ông Tô Xuân Phúc nêu quan điểm.
Thực tế, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Đây là dòng sản phẩm chiến lược. Khi dịch Covid-19 xảy ra, chuỗi cung cho các loại đồ gỗ chiến lược không bị biến động quá lớn, do nhu cầu về các sản phẩm thuộc nhóm vẫn còn, trong khi nhu cầu về các nhóm đồ gỗ khác gần như mất hẳn. Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho rằng, ngành cần phải có chuyển dịch về phương thức bán hàng, từ offline truyền thống sang online.
Tác động của dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy các chuỗi cung ứng xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam rất mong manh, phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Chính vì vậy, về lâu dài, Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập cho rằng, cần hình thành và đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong ngành, xây dựng chuỗi cung ứng trong nước và phát triển mạnh hơn lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đây sẽ là nhóm giải pháp quan trọng thúc đẩy ngành gỗ phát triển bền vững trong tương lai.
Đại dịch Covid-19 cho thấy sức chống chịu của thị trường nội địa cao hơn rất nhiều so với thị trường xuất khẩu. Do đó, ưu tiên phát triển thị trường nội địa sẽ là một trong những chiến lược giúp ngành gỗ bứt phá, phát triển bền vững…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần