Thay đổi để thích ứng

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp những tuần qua, Hà Nội là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới cao nhất cả nước, dao động mức 2.800 - 2.900 ca/ngày.

Toàn TP hiện có hơn 60.000 F0 đang điều trị, trong đó hơn 50.000 F0 được điều trị tại nhà. TP có 7 quận, huyện là “vùng cam”, còn lại đều là “vùng vàng”, không có quận, huyện nào thuộc “vùng xanh”.

Phát thuốc và hỗ trợ thực phẩm cho gia đình có trường hợp F0 tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Ảnh: Vũ Lê  
Phát thuốc và hỗ trợ thực phẩm cho gia đình có trường hợp F0 tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Ảnh: Vũ Lê  

Nhìn vào số ca mắc mới hàng ngày cũng như đánh giá cấp độ dịch được phân màu, nhiều người lo sợ về tình hình dịch ở Thủ đô hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh giá cấp độ dịch dựa theo tiêu chí số ca mắc cộng đồng hiện không còn phù hợp với tình hình thực tế. Tăng một cấp độ dịch, từ "vùng vàng" lên "vùng cam" sẽ tác động không nhỏ tới đời sống người dân, đến sự phát triển kinh tế - xã hội bởi nhiều hoạt động tại các địa bàn “vùng cam” đều phải tạm dừng.

Rất có thể trong thời gian tới, biến chủng Omicron lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm hàng ngày sẽ tăng vọt trên cả nước. Nếu vẫn giữ tiêu chí ca nhiễm cộng đồng để đánh giá cấp độ dịch, rất nhiều địa phương sẽ chuyển thành vùng cam, vùng đỏ, gây cản trở sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Chúng ta không được chủ quan khi số F0 đang tăng cao mỗi ngày ở Hà Nội, cần tuân thủ tuyệt đối biện pháp 5K cũng như khuyến cáo của Bộ Y tế.

Thế nhưng, so với số ca mắc, thì số bệnh nhân nặng ở Hà Nội rất ít. Hầu hết F0 đều không có triệu chứng, đặc biệt là tỷ lệ tử vong lại rất thấp, chỉ chiếm 0,4%, thấp hơn nhiều lần so với tỷ lệ 1,8% của cả nước. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngừa Covid-19 ở Hà Nội rất cao với 99,3% người trên 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản (2 mũi), 99,7% trẻ trên 12 tuổi cũng đã tiêm 2 liều vaccine. Hiện toàn TP đang tiếp tục tiêm mũi bổ sung tại 30 quận, huyện trên địa bàn.

Do vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, nên đánh giá cấp độ dịch dựa trên độ bao phủ vaccine, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong và năng lực ngành Y tế. Nhà nước đã chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho chiến dịch tiêm vaccine để đưa đất nước thành “bình thường mới”. Và thực tế, khi bao phủ vaccine, hầu hết bệnh nhân mắc đều không có triệu chứng, số bệnh nhân nặng và tử vong trên cả nước giảm hẳn. Trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi, cùng lúc mắc nhiều bệnh nền, nhiều người chưa tiêm vaccine.

Vì vậy, để Hà Nội và cả nước thích ứng với dịch, cách đánh giá cấp độ dịch cần linh hoạt hơn, theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ nhằm tạo điều kiện để đời sống kinh tế - xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới trong khi vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhân dân đang mong chờ Bộ Y tế sớm ban hành Bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh Covid-19 để ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội thay vì "nay mở, mai đóng" theo cấp độ dịch như hiện nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần