Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thay đổi gì khi WHO tuyên bố Covid-19 là "đại dịch"?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 tuyên bố dịch bệnh Covid-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu, sau khi căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng 12/2019, hiện đã lan rộng ra 114 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 118.000 ca nhiễm, 4.291 ca tử vong.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (giữa) tuyên bố đại dịch Covid-19 trong một cuộc họp báo hôm 11/3.
"Chúng tôi vô cùng lo ngại cả về mức độ lây lan, mức độ nghiêm trọng và sự thiếu sót trong phản ứng rất đáng báo động. Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được coi là một đại dịch", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ.
Các chuyên gia WHO đã xác định, "đại dịch" là sự lây lan của một loại bệnh mới trên phạm vi toàn thế giới. Nhưng hiện chưa có quy định cụ thể nào về mức độ nghiêm trọng của một dịch bệnh khi được xác định trở thành đại dịch, bao gồm cả tỷ lệ tử vong.
Cúm H1N1 năm 2009 được xác định là đại dịch, khi cứ 5 người trên thế giới lại có 1 người nhiễm, với tỷ lệ tử vong ước tính là 0,02%. Trong khi dịch SARS năm 2002 - 2003, có tỷ lệ tử vong khoảng 10%, không phải là đại dịch vì căn bệnh này chủ yếu xuất hiện tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đã được dập tắt hoàn toàn vào năm 2004.
Dịch MERS sau đó thậm chí còn nguy hiểm hơn, với tỷ lệ tử vong xấp xỉ 35%, cũng không được xem là đại dịch, khi được cho là khó lây lan, mặc dù 1 du khách từ tâm dịch Trung Đông đã dẫn đến 1 đợt bùng phát tại Hàn Quốc vào năm 2015.
Tuy nhiên, lịch sử cũng từng ghi nhận đại dịch cúm năm 1918 - 1919, với tỷ lệ tử vong cao và khả năng lây nhiễm nhanh chóng trong Thế chiến I, ước tính đã giết chết khoảng nửa tỷ người trên toàn thế giới.
Vậy có gì khác, khiến dịch Covid-19 trở thành đại dịch?
"Mô tả tình huống như một đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus chủng corona này gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và cũng không thay đổi những gì các quốc gia nên làm", ông Tedros nói hôm 11/3.
Lãnh đạo WHO sau đó nhắc lại khuyến cáo đối với các chính phủ về công tác chuẩn bị và ứng phó với căn bệnh tại quốc gia mình, đồng thời khẳng định thế giới vẫn còn cơ hội để đẩy lùi đại dịch Covid-19 nếu "cùng nhau hành động đúng".
Như vậy có thể hiểu, thay vì cảnh báo bất cứ diễn biến nguy hiểm mới nào, sự thay đổi trong thuật ngữ được WHO sử dụng nhằm nhấn mạnh hơn nữa phản ứng của các nước, ở cấp độ quốc tế, trong phòng chống Covid-19.
Đây cũng chính là điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa dịch bệnh và đại dịch - "dịch bệnh không còn biên giới". Các quan chức y tế từ đó sẽ phải chú trọng vào công tác làm giảm sự lây lan ngay trong nước mình, thay vì chỉ nỗ lực sàng lọc để ngăn chặn virus ngoại nhập như trước. Khi thế giới chiến đấu với đại dịch thì việc giảm thiểu tác hại tại nhà cũng chính là sự hỗ trợ đắc lực đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.