Thành phố Thượng Hải hiện vẫn duy trì hoạt động của khu vực cảng phía đông Trung Quốc và trung tâm tài chính, nhằm bảo đảm lợi ích của cả nền kinh tế quốc gia cũng như toàn cầu, tuy nhiên giới phân tích cho rằng quyết định này vẫn gây ảnh hưởng nhất định đến việc đảm bảo các mục tiêu phát triển của Bắc Kinh.
Phong tỏa Thượng Hải theo 2 giai đoạn
Chính quyền TP Thượng Hải của Trung Quốc mới đây thông báo sẽ đóng cửa thành phố theo hai giai đoạn để thực hiện xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng trong khoảng thời gian 9 ngày. Cụ thể, các nhà chức trách hôm 27/3 cho biết sẽ chia Thượng Hải thành hai khu vực để triển khai việc phong tỏa, sử dụng sông Hoàng Phố làm ranh giới. Các quận ở phía đông bờ sông và một số ở phía tây dòng sông sẽ bị phong tỏa và xét nghiệm trong khoảng thời gian từ 28/3 đến ngày 1/4. Các khu vực còn lại sẽ bị phong tỏa và xét nghiệm từ ngày 1-5/4.
Giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại những khu vực này sẽ bị ngừng hoạt động trong quá trình phong tỏa và các phương tiện không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép, chính quyền Thượng Hải thông báo trên mạng xã hội WeChat. Ngoài ra, tất cả các công ty và nhà máy cũng phải dừng sản xuất hoặc làm việc từ xa, trừ các công ty cung cấp dịch vụ công và thực phẩm.
Thượng Hải đang phải đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 mới trong gần một tháng qua. Hôm 26/3 TP ghi nhận số ca mắc theo ngày cao nhất kể từ khi đợt bùng phát ban đầu ở Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt. TP đã ghi nhận 2.631 trường hợp mắc mới không triệu chứng, chiếm gần 60% tổng số trường hợp mắc mới không triệu chứng mới của Trung Quốc vào cùng ngày, cộng với 47 ca mới có triệu chứng.
Lo ngại phát triển kinh tế
Wu Fan, một chuyên gia y tế của lực lượng đặc nhiệm y tế Trung Quốc cho biết, động thái này sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia và toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc thông qua các biện pháp không khoan nhượng nghiêm ngặt (zero-Covid-19) bao gồm việc phong tỏa hàng loạt bộ, tỉnh, thành dù chỉ một số lượng nhỏ số ca nhiễm xuất hiện.
Sự lây nhiễm của biến thể Omicron ở Trung Quốc đã đặt ra một tình thế khó xử cho các nhà chức trách khi phải vật lộn với phản ứng mạnh mẽ và cách tiếp cận không khoan nhượng - cách mà ngày càng bị nghi ngờ trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế và "sự mệt mỏi do đại dịch" của công chúng, đặc biệt là khi các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn của Omicron.
Bruce Pang, trưởng bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance, cho biết việc phong tỏa TP lớn nhất Trung Quốc, nơi là trung tâm giao thông trọng điểm và trung tâm tài chính, có nhiều khả năng làm gián đoạn hoạt động thương mại của thành phố. Theo ông Pang, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách zero-Covid với những biện pháp phòng tránh nghiêm ngặt bậc nhất thế giới.
Tập đoàn Tesla, có nhà máy ở Thượng Hải nằm trong khu vực đóng cửa giai đoạn đầu, được cho là đã tạm dừng sản xuất ít nhất một ngày kể từ hôm 28/3, theo Bloomberg. Làn sóng Omicron khiến việc kiểm soát các đợt bùng phát trở nên khó khăn hơn và đẩy các hoạt động kinh doanh vào sự không chắc chắn. Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc cho rằng biến thể phụ BA.2 của Omicron là nguyên nhân của đợt bùng phát mới nhất.
Trung Quốc hiện đang nỗ lực duy trì song song chiến lược phong tỏa diện rộng nhằm kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh và các biện pháp duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính sách này đã giúp Bắc Kinh phục hồi sau cú sốc ban đầu của đại dịch vào đầu năm 2020, với tương đối ít ca nhiễm và tử vong so với các khu vực khác trên thế giới.
Trong khoảng thời gian này, các nhà kinh tế cho rằng việc phong tỏa Thượng Hải có thể tác động lớn đến kết quả phát triển kinh tế trong cả năm. Các biện pháp hạn chế đi lại và lưu trú ảnh hưởng đến chi tiêu và dịch vụ của người tiêu dùng nhiều hơn so với hoạt động sản xuất của nhà máy, do công nhân có thể ở lại làm việc tại các khu công nghiệp.