Thấy nước Mỹ "hậu Trump" từ cuộc tranh luận Pence - Harris

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tờ Politico đánh giá, cuộc tranh luận giữa Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence và đối thủ Dân chủ Kamala Harris tối 7/10 tại Utah, diễn ra an toàn đến mức nhàm chán, nhưng lại là cái nhìn chân thực về tương lai nền chính trị Mỹ một khi "kỷ nguyên Donald Trump" kết thúc.

Một số khoảnh khác của ông Pence và bà Harris trong cuộc tranh luận phó tổng thống tối 7/10 (giờ địa phương).
Trong một tình huống diễn ra vào cuộc tranh luận đêm thứ 4, ông Pence đã trả lời một câu hỏi về luật phá thai ở Indiana bằng cách thảo luận về vụ Mỹ không kích giết chết lão tướng Iran Qassem Soleimani. Tương tự, bà Harris đã có lúc trả lời câu hỏi về việc liệu một chính quyền Joe Biden có mở rộng Tòa án Tối cao hay không bằng câu trả lời về cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln.

Nói như vậy để thấy, đây là một cuộc tranh luận rất thiếu tập trung của 2 ứng viên vốn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và trau chuốt. Những người tham gia ít quan tâm đến việc trả lời các câu hỏi mà người điều hành hay đối thủ đặt ra cho họ.

Theo Politico, đó là kiểu tranh luận thường thấy của giới chính Mỹ trước đây: Các chính khách chuyên nghiệp trao đổi, nhưng chủ yếu vẫn là lịch sự đưa ra quan điểm của cá nhân, đôi khi bỏ qua logic và thường xuyên chuyển hướng. Đã từng có nhiều phản đối dành cho kiểu tranh luận này.

Cho đến khi nước Mỹ chứng kiến sự xuất hiện của một "chính trị gia" Donald Trump, với phong cách diễn thuyết và tranh luận khác thường. Tương tự những gì đã diễn ra trong cuộc đối đầu Trump - Biden hôm 29/9, các cuộc tranh luận có sự tham gia của vị Tổng thống 45 nước Mỹ thường mang đậm "tính chiến đấu", dẫn đến những màn trả treo bất chấp mọi nguyên tắc.

Vì vậy, chứng kiến cuộc đối đầu Pence - Harris, giới quan sát tự hỏi phải chăng đây là cái nhìn về tương lai nền chính trị Mỹ khi kỷ nguyên "Donald Trump" kết thúc?

Ông Pence và bà Harris đều trẻ hơn, được cho có khả năng ăn nói tốt hơn và gần gũi hơn với công chúng, so với các lãnh đạo Trump và Biden. Và kiểu tranh luận an toàn này được coi là chiến thắng cho cả 2 phó tướng Cộng hòa và Dân chủ. Bởi đối với một bộ phận nhỏ những cử tri chưa quyết định hoặc đang dao động, có rất ít thông tin mới từ buổi truyền hình trực tiếp này thúc đẩy họ đưa ra quyết định.

Đề cập đến khả năng các vị phó tướng đang hành động cho mục đích tranh cử trong tương lai, hơn là làm "chó săn" hiện tại, Politico cho rằng cả bà Harris hay ông Pence rất khó có cơ hội bứt phá - cũng là điều ít chính trị gia làm được trong "thời đại Trump".

Một dẫn chứng được chỉ ra là việc, dù ầm ĩ đến đâu, cuộc tranh luận giữa các phó tổng thống vẫn không thể vượt qua các tít báo về từng hơi thở của vị Tổng thống đang nhiễm Covid-19 ở Cánh Tây Nhà Trắng. Hay những câu phản biện đắt giá của ông Pence trước đối thủ vẫn không thể khiến truyền thông chú ý bằng các tweet cập nhật của ông Trump.

Tóm lại, Mike Pence và Kamala Harris được tin đều có thể là những đại diện điển hình cho 2 đảng lớn nước Mỹ trong thế giới "hậu Trump" và "hậu Biden": Một đảng Cộng hòa vẫn bảo thủ nhưng ít thu hút truyền thông hơn, cùng một đảng Dân chủ trẻ và đa dạng hơn.

Và cũng trái ngược với "kỷ nguyên Donald Trump", đó hẳn nhiên là một nền chính trị Mỹ nhàm chán hơn lúc này không ít.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần