Đánh dấu mốc 2 năm với biến thể khó lường
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận trong tuần đầu tiên của của tháng 12, biến thể Omicron đã lây lan tới 57 quốc gia và con số này cho đến nay lên đến gần 90, sau khi được xác định lần đầu tiên ở Nam Phi vào tháng trước.
Trong hai năm qua, khoảng 270 triệu người trên toàn thế giới được xác định mắc Covid-19 và hơn 5 triệu người đã tử vong. Đây là những con số nằm ngoài sức tưởng tượng vào thời điểm cách đây 2 năm, hoặc ít nhất là đối với các nhà chức trách ở nhiều quốc gia.
Hiện tại, sự xuất hiện của biến thể Omicron với khả năng lây nhiễm nhanh chóng là một lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa thể kiềm chế và tương lai chúng ta có thể phải sống chung với bệnh dịch này, thay vì tiêu diệt nó hoàn toàn.
Một bước ngoặt tích cực hơn là việc các loại vaccine đã được nghiên cứu và sử dụng. Mức độ hợp tác toàn cầu cao và chia sẻ dữ liệu giữa các quốc gia trên thế giới, vaccine đã được đem vào sử dụng chỉ trong vòng 12 tháng kể từ khi dịch bệnh xuất hiện.
Mặt hạn chế của bước đột phá đó là vaccine đã được phổ biến rộng rãi nhất ở các nước giàu, trong khi các nước nghèo hơn đang phải vật lộn để triển khai tiêm chủng. Chương trình chia sẻ vaccine COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn vẫn chưa đạt được một nửa cam kết cung cấp 2 tỷ liều cho các quốc gia nghèo hơn vào cuối năm nay.
Mối đe dọa từ Omicron đã thúc đẩy các nước giàu triển khai liều vaccine tăng cường cho người dân, trong khi hàng triệu người ở các quốc gia đang phát triển vẫn đang chờ đợi mũi vaccine đầu tiên.
Đại dịch là điều "bình thường mới"
Dấu hiệu mới nhất cho thấy đại dịch kéo dài hai năm còn lâu mới kết thúc đặt ra câu hỏi về việc thế giới sẽ ở đâu trong 12 tháng kể từ bây giờ. Liệu các quốc gia trên thế giới sẽ đánh dấu kỷ niệm lần thứ ba nghiệt ngã, liệu Covid-19 sẽ được xóa sổ, hay chúng ta sẽ học cách thích nghi và sống chung với dịch bệnh này?
Nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc, Zhong Nanshan lưu ý, "đại dịch giờ đã trở thành một bình thường mới" cần phải được ứng phó một cách có hệ thống, khoa học và tiêu chuẩn hóa.
Một khu vực thương mại vốn đông đúc ở Rotterdam, Hà Lan trở nên vắng lặng trong ngày đầu quốc gia này tái phong tỏa vì biến thể Omicron. |
Sự xuất hiện của Omicron đặt ra một số câu hỏi về viễn cảnh dự kiến lạc quan này. Dữ liệu ban đầu cho thấy rằng chủng này có thể ít độc lực hơn các chủng trước đó của virus SARS-CoV2, nhưng mặt khác có khả năng lây lan cao hơn, ngay cả đối với những người đã tiêm liều vaccine thứ hai.
Biến thể mới đã gây ra những hạn chế mới trong nước và việc đi lại trên khắp thế giới, bao gồm cả ở những quốc gia giàu có hơn, nơi mọi người đã được hứa rằng tiêm chủng trên diện rộng sẽ là “viên đạn vàng” giải phóng họ.
Nhưng cho đến nay, các biện pháp hạn chế có thể sẽ vẫn tồn tại; thậm chí là lâu dài, trong một thời gian. Điều đó sẽ làm tăng thêm gánh nặng kinh tế, xã hội và sức khỏe tâm thần mà Covid-19 đã gây ra cho nhiều nơi trên thế giới.
Với việc tiêm chủng vẫn là vũ khí mạnh nhất trong kho y tế công cộng, một số chính phủ ở châu Âu bắt đầu quy định việc tiêm chủng là bắt buộc. Đã có một số phản ứng dữ dội đối với các hạn chế ở châu Âu và thậm chí ở Mỹ, nơi khẩu trang đã trở thành một vấn đề chính trị.
Hai năm với đại dịch Covid-19, điều quan trọng hơn bao giờ hết là người dân và các cơ quan chức năng trên toàn thế giới phải giữ vững tinh thần. Khoa học đã phản ứng nhanh chóng và hiệu quả với mối đe dọa Covid-19, dù một số chính phủ vẫn bị đánh giá là chậm trễ.