Đối mặt “cơn bão hoàn hảo”
Từ cuối năm ngoái, thời điểm trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, châu Âu đã phải đối mặt với giá khí đốt, than đá và dầu mỏ ở mức cao.
Khi cuộc xung đột quân sự ở Ukraine mới bùng phát, các nước phương Tây vẫn tránh áp đặt biện pháp trừng phạt nhắm trực tiếp vào ngành năng lượng Nga bởi đây là nguồn cung quan trọng đối với thị trường toàn cầu. Nga không chỉ là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới mà còn là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và là nhà cung cấp than hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, kể từ tháng 3 - thời điểm Mỹ, Anh và một số nước bắt đầu cấm nhập khẩu năng lượng của Nga, Moscow đã trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách hạn chế hoặc thậm chí ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên sang nhiều nước châu Âu.
Chia sẻ với đài CNN gần đây, một số quan chức năng lượng đương nhiệm và cựu quan chức của Mỹ lo ngại, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ 4 mà chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, thế giới đang cận kề một cuộc khủng hoảng có thể sánh ngang, thậm chí vượt qua khủng hoảng dầu mỏ vào những năm 1970 và đầu những năm 1980, đặc biệt sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.
Ông Fatih Birol, người đứng đầu nhóm giám sát Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chia sẻ với tờ Der Spiegel của Đức hôm 1/6: “Chúng ta hiện đang đối mặt một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt và một cuộc khủng hoảng điện năng cùng lúc. Cuộc khủng hoảng năng lượng này có thể sẽ nghiêm trọng hơn so với các cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và 1980. Nó có thể sẽ còn kéo dài trong dài hạn".
Về cơ bản, nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đủ sức chống chọi với giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng cao hơn khi châu Âu nỗ lực cấm vận hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt Nga. Châu Âu sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các nhà cung cấp năng lượng thay thế nguồn cung của Nga.
Joe McMonigle - Tổng thư ký của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, cũng nhất trí với nhận định từ IEA. "Chúng ta đang gặp một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới mà tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách chỉ vừa mới nhận ra, đó là một dạng cơn bão hoàn hảo" - ông McMonigle cảnh báo khi trả lời phỏng vấn đài CNN.
Mức độ của “cơn bão hoàn hảo” đó, bao gồm việc thiếu đầu tư, tình trạng gián đoạn cung-cầu do chiến sự, sẽ gây ra những hậu quả rộng lớn, có khả năng đe dọa đà phục hồi kinh tế hậu Covid-19, làm trầm trọng thêm lạm phát, thúc đẩy bất ổn xã hội và phá hoại nỗ lực cứu Trái đất khỏi nóng lên toàn cầu.
Trong khi đó, chuyên gia Birol cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn nguồn cung xăng và dầu diesel, đặc biệt là ở châu Âu, cũng như việc phân bổ lượng khí đốt vào mùa đông tới ở Châu Âu.
“Đó là một cuộc khủng hoảng mà thế giới không được chuẩn bị trước" - Robert McNally, cựu cố vấn năng lượng hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cho hay.
Trước đó, cựu cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống Obama, Jason Bordoff và giáo sư Đại học Harvard Meghan O'Sullivan cảnh báo trên tờ Economist vào cuối tháng 3 rằng thế giới đang ở đỉnh điểm của "cuộc khủng hoảng năng lượng có thể trở thành tồi tệ nhất kể từ những năm 1970". “Kể từ khi chúng tôi đề cập đến rủi ro trên, nỗi sợ hãi của chúng tôi đã hình thành," giáo sư Bordoff nói với CNN.
Tất nhiên, có những khác biệt chính giữa thời điểm hiện tại và những năm 1970. Giá năng lượng không tăng đột biến như thời điểm đó và các nhà hoạch định chính sách đã không sử dụng các biện pháp khắc nghiệt như kiểm soát giá cả.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đặc trưng là các đoàn xe xếp hàng dài nhiều giờ tại các trạm xăng, thiếu nhiên liệu và sự hoảng loạn.
“Chúng ta vẫn chưa thấy cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ tồi tệ như thế nào," ông Bordoff cảnh báo.
Tại Mỹ, giá xăng đã leo dốc 52% trong năm qua và thiết lập mức cao kỷ lục, trong khi giá khí đốt cũng tăng gần gấp 3 lần. Giá khí đốt tại châu Âu cũng ghi nhận mức tăng sốc vào cuối năm ngoái.
Đảo lộn dòng chảy dầu thô toàn cầu
Tại hội nghị thượng đỉnh bất thường hôm 31/5, các lãnh đạo EU đạt thỏa thuận về lệnh cấm phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đặt mục tiêu cấm 90% dầu Nga trước năm 2023, sớm hướng đến chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu dầu Nga vào EU.
Theo CNBC, động thái này đã làm đảo lộn dòng chảy năng lượng toàn cầu trên thế giới. Các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga của châu Âu đang chuyển dòng chảy năng lượng sang những quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Đối phó với lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Mỹ và các biện pháp trừng phạt “phủ đầu” của một số thành viên EU, dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy Nga đã tăng tốc xuất khẩu dầu mỏ bằng đường biển đến các thị trường châu Á.
Theo số liệu của Kpler, lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đã tăng lên gần 80 triệu thùng trong tháng 5. Trong khi đó, con số này chưa đầy 30 triệu thùng trước thời điểm xảy ra chiến sự ở Ukraine.
“Khối lượng dầu thô xuất khẩu bằng đường biển ngày càng tăng do hướng tới những quốc gia xa hơn, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc. Trước khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, dầu thô của Nga chủ yếu được xuất khẩu sang các quốc gia lân cận khu vực Tây Bắc Âu," nhà phân tích dầu mỏ Matt Smith khu vực châu Mỹ tại Kpler, cho biết.
Việc bùng phát chiến sự ở Ukaine vào cuối tháng 2, tròn 100 ngày hôm 6/3, đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh. Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu và sản phẩm liên quan lớn nhất thế giới, chủ yếu cung cấp cho các đối tác tại châu Âu.
Vào tháng 3 vừa qua, giá “vàng đen” thế giới đã nhảy vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008 khi chiến sự ở Ukraine làm gia tăng lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Nhu cầu đối với dầu mỏ phục hồi mạnh sau đại dịch. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, chỉ thực hiện kế hoạch tăng dần sản lượng, khiến giá dầu liên tục leo dốc trước thời điểm diễn ra xung đột Nga-Ukrain.
“Chiến sự tại Ukraine đã làm sáng tỏ dần cách thị trường toàn cầu vận hành thông qua những thùng dầu thô," ngân hàng RBC đánh giá hồi đầu tuần này.
Theo tờ New York Times, EU kỳ vọng lệnh cấm dầu sẽ đánh vào kinh tế Nga, nhưng động thái sẽ đe dọa đẩy giá dầu lên cao và thay đổi trật tự năng lượng toàn cầu.
Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ buộc EU phải tìm mua dầu thay thế ở những nơi xa hơn. Họ còn phải cạnh tranh tìm mua nguồn dầu thô có tính chất tương tự dầu Nga, vì phần lớn hạ tầng lọc dầu của EU vốn được thiết kế cho nguồn cung mà họ đang từng bước từ bỏ.
Theo Clifford Krauss, bình luận viên về năng lượng quốc gia của NY Times, với lệnh cấm dầu Nga, EU đang chấp nhận đánh đổi một nhà cung cấp "khó đoán" để tìm tới những nhà xuất khẩu nhiên liệu cũng thiếu ổn định không kém tại Trung Đông.
Các chuyên gia cảnh báo nỗ lực tìm nguồn cung dầu mới của châu Âu sẽ thay đổi trật tự năng lượng thế giới với mức độ khó lường.
"Nhiều hệ lụy địa chính trị sẽ diễn ra. Lệnh cấm dầu Nga sẽ giúp Mỹ mở rộng thị trường tiêu thụ, nhưng đồng thời củng cố quan hệ năng lượng giữa Moscow và Bắc Kinh,” Meghan L. O'Sullivan, giám đốc dự án địa chính trị năng lượng, Trường Kennedy thuộc Đại học Havard của Mỹ, đánh giá.
Trung Quốc có thể giảm phần nào gánh nặng giá nhiên liệu nhờ nguồn dầu giá rẻ từ Nga. Nhờ sức hút của thị trường lớn nhất châu Á, xuất khẩu dầu bằng đường ống từ Nga tới Trung Quốc đã gần chạm ngưỡng tối đa công suất. Trung Quốc đã mở rộng quy mô nhập khẩu dầu từ Nga bằng tàu hàng trong những tháng gần đây.
Sự thay đổi này khiến mối liên kết năng lượng Trung Đông - Trung Quốc thay đổi. Ả Rập Saudi cùng Iran đứng trước nguy cơ bị Nga thay thế trong danh sách đối tác nhiên liệu hàng đầu của Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu dầu Trung Đông buộc phải lựa chọn giảm giá hoặc “nhường” lại thị trường cho Nga. Cuộc cạnh tranh mới sẽ đẩy liên minh năng lượng Nga, Ả Rập Saudi cùng các thành viên còn lại trong nhóm OPEC+ vào tương lai nhiều biến động, theo chuyên gia O'Sullivan.