Thế giới gấp rút hành động trước khủng hoảng nợ toàn cầu

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Hiện mọi con mắt đổ dồn vào Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất thế giới, trông đợi giải pháp ít gây tổn hại nhất cho các nước nghèo.

Vào qua, bộ trưởng tài chính và giám đốc ngân hàng trung ương của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G-20) đã kết thúc các cuộc đàm phán về giảm nợ cho các quốc gia đang phát triển, với việc chủ tịch G-20 Ấn Độ cho biết những thành viên Nhóm đã đồng ý về việc phải lập tức bắt tay vào hành động.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman cho biết những người tham gia hội nghị đã nhất trí rằng việc tái cấu trúc nợ phải nhanh chóng thực hiện.

Tuy nhiên, vẫn cần phải xem xét Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất - sẽ đưa ra cam kết gì trong thời điểm lãi suất tăng cao ở Mỹ và châu Âu khiến gánh nặng nợ ngày càng đè nặng các nước nghèo vay bằng ngoại tệ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết 15% các quốc gia có thu nhập thấp đã rơi vào khủng hoảng nợ và 45% dễ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi biết rằng các quốc gia có thu nhập thấp dễ bị tổn thương nhất do nợ nần chồng chất" - Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.

Từ lâu, các quốc gia giàu có đã thực hiện hàng loạt biện pháp tái cơ cấu nợ đối cho những nước nghèo hơn. Trong đó, Nhật Bản hiện đang dẫn đầu một cuộc họp quốc tế của các chủ nợ nhằm cơ cấu lại nhiều khoản nợ của Sri Lanka.

Nếu Trung Quốc - chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka với 52% cổ phần, tương đương 7,3 tỷ USD - quyết định tham gia thì vấn đề sẽ có thể được giải quyết.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết: “Chúng tôi mong muốn càng nhiều quốc gia tham gia càng tốt".

Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất trên toàn cầu. Trong số các quốc gia tham gia Hiệp hội Phát triển Quốc tế, Trung Quốc chiếm 49% nợ song phương vào năm 2021, tăng từ 18% vào năm 2010.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết: “ Mặc dù Trung Quốc là một đối tác rất khó để trao đổi nhưng chúng tôi cần quốc gia này phải ngồi vào bàn đàm phán ngay lập tức để giải quyết các vấn đề về nợ, bởi nếu không sẽ không có bất kỳ tiến triển nào diễn ra”.

Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng tài chính G-20 và quan chức ngân hàng trung ương gặp nhau kể từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature ở Mỹ vào tháng 3/2023 và cuộc khủng hoảng của Credit Suisse, Thụy Sỹ trong cùng tháng.