Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao?

Vu Tinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vì Covid-19, thế giới được tin sẽ không bao giờ giống như trước nữa. Những thay đổi vĩnh viễn đó rõ ràng là một cuộc khủng hoảng, nhưng cũng được tin đang chứa đựng các cơ hội để tái tạo những nền kinh tế - xã hội bền vững hơn. Nhiều chuyên gia và lãnh đạo quốc tế đã thẳng thắn dự báo loạt xu hướng, phác họa phần nào bức tranh thế giới hậu đại dịch một cách đa chiều.

Cuộc sống không còn như cũ
 Haruaki Deguchi - Hiệu trưởng Trường ĐH châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan
Trước câu hỏi “Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao?”, ông Haruaki Deguchi - Hiệu trưởng Trường ĐH châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan, nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải phân định rõ ràng thời kỳ dịch bệnh bùng phát với hậu quả mà dịch bệnh này để lại về sau. Giả sử rằng hai giai đoạn này được phân tách nhờ quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành công vaccine ngừa Covid-19, thì trong thời kỳ hậu Covid-19, virus sẽ ít nguy hiểm hơn, và cuối cùng trở nên phổ biến như bệnh cúm mùa thông thường.

Vì vậy, về lý thuyết, các khái niệm như “ở nguyên tại chỗ” sẽ không còn cần thiết nữa, và diện mạo bình thường sẽ trở lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống hoàn toàn sẽ trở lại như cũ. Kể từ khi đại dịch bùng phát, làm việc từ xa và họp trực tuyến đã trở nên phổ biến.
Làm việc từ xa đã giải phóng con người khỏi các phương thức làm việc trên giấy tờ, và khả năng làm việc tại bất cứ đâu đã giải phóng con người khỏi những hạn chế về mặt không gian… Khó có thể tưởng tượng mọi người sẽ bỏ qua những thay đổi tích cực này”.

Đồng tình với quan điểm này, ông James Manyika - Chủ tịch Viện Toàn cầu McKinsey, tin rằng: “Sau Covid-19, thế giới khó có thể trở lại như trước đây. Nền kinh tế số đang được đẩy mạnh với sự gia tăng của các hoạt động số như làm việc từ, học từ xa, khám bệnh từ xa và dịch vụ giao hàng.
 Ông James Manyika - Chủ tịch Viện Toàn cầu McKinsey.
Xu hướng công việc trong tương lai cũng đang diễn ra nhanh hơn cùng với những thách thức của nó, trong đó nhiều thách thức đang tăng lên theo cấp số nhân như sự phân cực về thu nhập, tính dễ bị tổn thương của người lao động, hay nhu cầu thích ứng với việc chuyển đổi nghề nghiệp… Sự tăng tốc này không chỉ là kết quả của những tiến bộ công nghệ, mà còn là của sự cân nhắc về sức khỏe và sự an toàn”.

Giải thích rõ hơn về vấn đề này, Giáo sư tài chính quốc tế Sergio Rebelo tại Trường Quản lý Kellogg, ĐH Northwestern, nói: “Tương tự như các biện pháp an ninh đã trở nên phổ biến sau sự kiện khủng bố 11/9, việc sàng lọc virus có thể trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Covid-19 sẽ để lại dấu ấn lâu dài đối với nền kinh tế thế giới, gây ra những thay đổi vĩnh viễn, nhưng quan trọng là nó dạy chúng ta nhiều bài học, nhằm chuẩn bị cho bất kỳ đợt bùng phát dịch bệnh nào trong tương lai.

  Giáo sư tài chính quốc tế Sergio Rebelo tại Trường Quản lý Kellogg, ĐH Northwestern.
Chẳng hạn, nhiều nền kinh tế đã áp dụng các phiên bản trợ cấp “Kurzarbeit” của Đức trong thời kỳ Covid-19. Chính sách này giúp người lao động được giảm giờ làm và được trả lương, với việc chính phủ bù đắp phần nào sự thiếu hụt tiền lương.
Bằng cách giữ nguyên sự phù hợp giữa doanh nghiệp và người lao động, nền kinh tế được chuẩn bị tốt hơn để phục hồi nhanh chóng. Điều quan trọng là phải cải thiện việc thực hiện các chính sách này, biến chúng thành một phần vĩnh viễn trong bộ công cụ phục hồi kinh tế”.

Hai xu hướng địa chính trị

Một câu hỏi khác, đã và đang gây nhiều tranh cãi về thế giới hậu Covid-19, rằng: “Điều gì sẽ xảy ra với toàn cầu hóa?”. Ian Bremmer - Chủ tịch, đồng thời là người sáng lập Eurasia Group, đưa ra nhận định: “Đại dịch đã thúc đẩy 2 trong số các xu hướng địa chính trị quan trọng sẽ định hình trật tự thế giới tiếp theo của chúng ta. Đầu tiên là xu hướng “khử toàn cầu hóa”.
Những khó khăn về hậu cần do cuộc khủng hoảng hiện nay đưa ra đã chỉ ra sự chuyển hướng khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu kịp thời. Tuy nhiên, khi khó khăn kinh tế gia tăng, sự phát triển không thể tránh khỏi của chủ nghĩa dân tộc và chính trị “quốc gia của tôi trên hết” sẽ thúc đẩy các công ty bản địa hóa các hoạt động kinh doanh có lợi cho các chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực.
 Ian Bremmer - Chủ tịch, đồng thời là người sáng lập Eurasia Group.
Xu hướng thứ hai là sự trỗi dậy địa chính trị của Trung Quốc - vốn đã hình thành hơn 3 thập kỷ qua. Trong khi Trung Quốc đã thành công trong việc chuyển mình thành siêu cường kinh tế và công nghệ, không ai mong đợi nước này trở thành siêu cường “quyền lực mềm”.
Và dịch bệnh lần này có thể thay đổi điều đó, nếu chính sách ngoại giao khủng hoảng của Trung Quốc tiếp tục và tạo nên được một nhận thức lâu dài rằng Bắc Kinh đã hành động hiệu quả hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới trong việc ứng phó với sự bùng phát.

Tất nhiên, chỉ vì Trung Quốc tỏ ra tốt hơn không có nghĩa là nó thực sự như vậy. Không phải vô cớ mà người ta coi thường các số liệu của Trung Quốc. Sự ngờ vực chung này càng được thúc đẩy bởi việc “che đậy” ban đầu ở Trung Quốc về việc bùng phát căn bệnh chết người, tạo điều kiện cho nó lan rộng ra toàn cầu. Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông đã dựa vào câu chuyện này như một chiến lược bầu cử và để làm chệch hướng sự chú ý khỏi việc xử lý đại dịch của Mỹ. Nhưng Bắc Kinh vẫn không chịu khuất phục vì điều này, khiến ngày càng có nhiều khả năng rằng một khi thế giới thoát khỏi đại dịch, chúng ta sẽ lại rơi vào một cuộc Chiến tranh lạnh mới, lần này là giữa Mỹ và Trung Quốc”.

 Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quốc tế (WFTU) Sharan Burrow
Liên quan đến vấn đề này, Jean Saldanha - Giám đốc Mạng lưới châu Âu về nợ và phát triển (Eurodad), chỉ ra rằng: “Đại dịch Covid-19 đã và đang kiểm tra các giới hạn của hợp tác toàn cầu. Việc hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển vẫn còn nhiều bất cập. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, các nền kinh tế này đang phải chịu áp lực chưa từng có về khả năng tài khóa, vốn đã hạn chế để giải quyết các nhu cầu cấp thiết về sức khỏe cộng đồng và xã hội. Do đó, một chủ nghĩa đa phương mới là cần thiết ngay bây giờ và phải được phát triển dựa trên việc đặt quyền con người, bình đẳng giới và khí hậu làm trung tâm”.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Quốc tế (WFTU) Sharan Burrow bày tỏ hy vọng: “Thế giới sau đại dịch phải hòa nhập hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn…
Nhớ lại, Hội nghị Bretton Woods từng diễn ra trong khi chiến tranh vẫn đang hoành hành, đã giúp hình thành nền tảng của một khế ước xã hội thời hậu chiến. Tương tự, chúng ta cần phải lập một kế hoạch tái thiết đầy tham vọng trong khi nỗ lực để chấm dứt đại dịch.
Hỗ trợ quốc tế là vấn đề tồn tại của tập thể và đầu tư vào tương lai của sức khỏe, nền kinh tế toàn cầu và chủ nghĩa đa phương sẽ là yếu tố quyết định… Sự thịnh vượng chung có thể sẽ là thành quả của một thế giới hậu Covid-19 đạt được, sau những tham vọng chung và sự đoàn kết toàn cầu”.

"Đại dịch đã thúc đẩy 2 trong số các xu hướng địa chính trị quan trọng sẽ định hình trật tự thế giới tiếp theo của chúng ta. Đầu tiên là xu hướng “khử toàn cầu hóa”." - Chủ tịch, đồng thời là người sáng lập Eurasia Group Ian Bremmer

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần