Thế giới lại chia rẽ vì lệnh kiểm dịch với người đến từ Trung Quốc

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chính sách "zero-Covid" tại Trung Quốc bắt đầu được nới lỏng, nhiều chính phủ trên khắp thế giới lại tỏ ra bối rối về cách đối phó với dịch bệnh trước làn sóng du khách từ quốc gia tỷ dân.

Khung cảnh tại sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ngày 27/12. Ảnh: Reuters
Khung cảnh tại sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh ngày 27/12. Ảnh: Reuters

Sau 3 năm đại dịch tưởng chừng thế giới đã trở lại bình thường, mối lo ngại về sự lây lan Covid-19 xuyên biên giới một lần nữa tăng lên khi Tết Nguyên đán - kỳ nghỉ lễ lớn nhất của Trung Quốc - sắp diễn ra vào cuối tháng 1 này.

Ngày 30/12 vừa qua chứng kiến loạt quốc gia công bố các yêu cầu kiểm tra và kiểm dịch nghiêm ngặt: Chính phủ Hàn Quốc yêu cầu xét nghiệp bắt buộc các du khách từ Trung Quốc và cách ly những người có kết quả dương tính. Việc cấp thị thực ngắn hạn vào nước này, như thị thực du lịch, cũng sẽ bị hạn chế từ ngày mai (2/1) đến cuối tháng Giêng. Hàn Quốc cũng sẽ không cho phép tăng chuyến bay từ Trung Quốc.

Cùng ngày, Nhật Bản đưa ra yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với những người nhập cảnh từ Trung Quốc, yêu cầu cách ly 7 ngày với trường hợp dương tính và có triệu chứng nhiễm virus. Malaysia cũng công bố kích hoạt trở lại loạt biện pháp kiểm dịch, bao gồm kiểm tra thân nhiệt tất cả khách nước ngoài, xét nghiệm những người nghi ngờ mắc Covid-19 và có triệu chứng. Thậm chí, nước thải nhà vệ sinh từ các chuyến bay từ Trung Quốc cũng sẽ được kiểm tra và phân tích.

Tại châu Mỹ, Chính phủ Washington sẽ yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi lên các chuyến bay từ Trung Quốc đến Mỹ kể từ ngày 5/1. Hành khách đi máy bay từ Trung Quốc đến Canada cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 không quá 2 ngày trước khi khởi hành. Chính phủ Ottawa hôm 31/12 cho biết biện pháp tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, và sẽ được đánh giá lại khi có thêm dữ liệu.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha hôm 30/12 thông báo sẽ yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã tiêm phòng. Vương quốc Anh cũng có quyết định tương tự, bắt đầu từ ngày 5/1. Italia sẽ xét nghiệm khách du lịch đến từ Trung Quốc và cách ly những người có kết quả xét nghiệm dương tính. Truyền thông Pháp đưa tin Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang xem xét các biện pháp đối phó thích hợp.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) - nơi mà Tây Ban Nha, Italia và Pháp đang là thành viên - hôm 29/12 nói rằng khối này không cần thực hiện các bước đặc biệt như hạn chế đi lại. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu đã dẫn chứng mức độ miễn dịch cao của công dân EU vào thời điểm này.

Singapore - quốc gia từng là một trong những nước đi đầu về chính sách "sống chung với Covid" - cũng thông báo không có biện pháp kiểm dịch đặc biệt nào, một phần được cho là bởi sự vận động từ ngành du lịch. Indonesia cũng không áp các hạn chế bổ sung.

Trong cuộc họp báo hôm 30/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh rằng các chuyên gia y tế từ nhiều quốc gia khác nhau đều nhất trí không cần thiết phải hạn chế nhập cảnh từ Trung Quốc. Bác bỏ những chỉ trích về số liệu thống kê dịch bệnh trong nước, ông Uông cũng chỉ trích các biện pháp hạn chế biên giới mới của các quốc gia "không nên cản trở việc trao đổi bình thường giữa người với người".

Bản thân Trung Quốc gần như đã đóng cửa biên giới của mình trong suốt 3 năm qua, áp đặt một chế độ phong tỏa nghiêm ngặt và xét nghiệm không ngừng. Nước này đã đảo ngược chính sách vào hôm 7/12 để bắt đầu sống chung với virus. Chính phủ Bắc Kinh sẽ ngừng yêu cầu khách du lịch trong nước phải cách ly kể từ ngày 8/1 tới, nhưng vẫn yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành.