Nội chiến Syria và sứ mệnh giải giáp vũ khí hóa học
Gần 3 năm rơi vào khủng hoảng, cuộc nội chiến tại Syria bước sang một trang mới khi báo cáo về tấn công bằng khí sarin ở ngoại ô Damascus được phát đi vào ngày 21/8/2013. Các thước phim về phụ nữ và trẻ em nằm la liệt vì bị nhiễm độc đã khiến thế giới phẫn nộ, thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra Nghị quyết giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria. Lần đầu tiên trong hai năm qua, không ai trong Hội đồng Bản an phủ quyết, không ai rời khỏi phòng họp để thông qua Nghị quyết này. Nó cũng chấm dứt nỗ lực muốn "hạ knock-out" chính quyền của Tổng thống al-Assad mà Mỹ và phương Tây theo đuổi.
Sau Nghị quyết lịch sử trên, chính quyền của Tổng thống Assad đã hợp tác tích cực với thanh tra của Liên Hợp quốc để loại bỏ kho vũ khí này. Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện sứ mệnh giải giáp kho vũ khí đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình danh giá. Tuy nhiên, lửa vẫn cháy, bom vẫn nổ trên các đường phố của Syria, hàng triệu người dân nước này vẫn đang cố tìm cách để rời khỏi đất nước.
Iran và chương mới trong đàm phán hạt nhân
Chỉ vài tháng sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã dùng những chiến thuật mới để chuyển bầu không khí xung quanh Iran một nước vốn bị coi là bị quốc tế ghẻ lạnh vì chính sách cứng rắn của cựu Tổng thống Ahmadinejad. Trong tháng 9, ông Rouhani đã có cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 Tổng thống Mỹ - Iran sau ba thập kỷ. Tháng 11, Iran đã đạt được thỏa thuận bước đầu với Mỹ và các cường quốc khác về kiểm soát chương trình hạt nhân của họ đổi lấy bỏ một số cấm vận trị giá hàng tỷ USD.
Dấu chấm hết của “Cách mạng hoa nhài”
Sau nhiều ngày xuống đường, thủ lĩnh quân đội Abdul Fatah el-Sisi hôm 3/7 thông báo quân đội đã loại bỏ Tổng thống được bầu cử dân chủ Mohamed Morsi. Hành động này được hàng triệu người Ai Cập tán thưởng. Chỉ có điều, trong khi những người phản đối ông Morsi lợi dụng quyền lực để củng cố vị thế cho tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất cũng tổ chức các cuộc xuống đường quy mô lớn. Xung đột giữa hai phe ủng hộ và chống đối đã làm chia đôi đất nước Kim Tự tháp, buộc Chính phủ lâm thời do quân đội hỗ trợ phải áp dụng các biện pháp mạnh tay trấn áp người biểu tình, bắt giữ lãnh đạo đảng Anh em Hồi giáo, dẫn tới vụ giải tán trại biểu tình hôm 14/8 khiến hàng trăm người thiệt mạng. Sự đàn áp mạnh mẽ đó đặt dấu chấm hết của cuộc "cách mạng hoa nhài" lật đổ chế độc độc tài Hosni Mubarak hồi tháng 2/2011.
“Người lộ mật” làm rung chuyển thế giới
Khối tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden tiết lộ cho thế giới đã phần nào tiết lộ phần còn trong bóng tối của hoạt động tình báo Mỹ. Chẳng những gây phẫn nộ trong nội bộ nước Mỹ, khiến các tập đoàn công nghệ hàng đầu bất bình vì bị lợi dụng, bê bối khủng khiếp nhất trong lịch sử tình báo nước Mỹ còn làm hư hại quan hệ giữa Washington với một số cường quốc. Ngay cả những đồng minh lâu đời nhất như Đức, Anh, Pháp cũng cảm thấy bị phản bội, niềm tin bị sứt mẻ đến mức Tổng thống Brazil Rousseff còn hủy chuyến thăm Mỹ và Liên Hợp quốc phải thông qua một Nghị quyết mang tính pháp lý về quyền riêng tư.
Dư âm của vụ việc còn lan rộng ra bên ngoài cộng đồng tình báo. Quan hệ vốn đã "cơm không lành canh chẳng ngọt" giữa Washington và Moscow cũng một phen gặp sóng gió mới khi Nga cho phép Snowden tị nạn tạm thời. Trong khi đó, những lời đe dọa sẽ tiết lộ thêm những bí mật có thể khiến thế giới điêu đứng, Snowden đã và sẽ "gieo rắc" nỗi sợ hãi bị niềm tin chiến lược từ các đồng minh, đối tác cho Washington.
Giáo hoàng Francis - nhân vật quyền lực nhất của năm
Giáo hoàng Benedict 15 từ nhiệm không rõ vì tuổi tác hay vì những bí mật sau tấm màn nhiếp chính của ông và cộng sự. Động thái lần đầu tiên diễn ra trong gần 600 năm lịch sử của Giáo hội đã mở đường để Giáo hoàng Jorge Bergoglio (Giáo hoàng Francis) từ Argentina kế nhiệm.
Ngay từ khi bắt đầu sứ mệnh của mình, Giáo hoàng đã không giấu giếm tham vọng muốn cải cách Nhà thờ và cổ vũ cho người nghèo. Nhờ những bước đi dũng cảm, Giáo hoàng Francis đã vượt qua nhiều chính trị gia nổi tiếng và lão luyện khác để trở thành Nhân vật quyền lực nhất của năm 2013
Khủng bố ở châu Phi
Vụ can thiệp tháng Giêng vào Mali của Pháp đã đẩy lùi các lực lượng Hồi giáo được cho là đòn đánh nhanh chống quân nổi dậy ly khai nhưng ít ai ngờ nó lại tiếp tục kéo dài trong suốt cả năm 2013. Ngoài các đợt khủng hoảng con tin ở giếng dầu Algeria khiến 39 người nước ngoài chết, còn xảy ra nhiều vụ tấn công tàn nhẫn của nhóm Boko Haram ở Nigeria và vụ tấn công vào siêu thị Nairobi của ak-Shabab giết ít nhất 68 người. Bạo lực gia tăng đã thu hút chú ý và tạo điều kiện để các cường quốc phương Tây quay lại "thuộc địa cũ" khi cả Mỹ và Pháp đều tăng cường lực lượng có mặt ở Cộng hòa Trung Phi, một nước thuộc địa cũ của họ.
Thảm họa lao động tại Bangladesh
Sự sụp đổ tòa nhà Rana Plaza ở ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh hôm 24/4 là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sự nhân loại với hơn 1.100 công nhân thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương nặng. Nó là lời nhắc nhở kinh hoàng về điều kiện làm việc tồi tàn của gần 4 triệu công nhân Bangladesh để tạo nên ánh hào quang cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu.
Căng thẳng về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước
Một trong những thách thức lớn nhất cho việc tiến lên thành siêu cường của Trung Quốc là khả năng sống hòa thuận với các nước láng giềng. Bài kiểm tra rõ ràng nhất nằm ở vùng biển xung quanh Trung Quốc và Bắc Kinh đã không trả bài thành công. Ở cả biển Hoa Đông và Biển Đông, các cuộc tranh chấp dai dẳng về lãnh hải, thường chỉ có các dải đá ngầm và đảo không người, đã đe dọa bùng lên thành khủng hoảng khu vực trong năm nay. Tháng Giêng 2013, Philippines tuyên bố sẽ đưa Trung Quốc ra tòa án Liên Hợp quốc để phân xử. Tình hình trở nên căng thẳng hơn giữa các đối thủ cạnh tranh trực tiếp tại Đông Bắc Á là Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng định dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông hồi tháng 11. Những tuyên bố và hành động của các bên khiến nhiều người nhận định còn lâu nữa vùng biển này mới tìm được sự bình yên thực sự.
“Khủng hoảng hành” và bất công xã hội tại Ấn Độ
Hành - thực phẩm chính trong các bữa ăn hàng ngày của người dân Ấn Độ đã tăng giá theo cấp số nhân, phản sánh tình trạng lạm phát phi mã và tốc độ tăng trưởng còn bấp bênh của nền kinh tế mới nổi này. Ngoài ra, cơn phẫn nộ về vụ hiếp dâm tập thể ở Delhi cuối năm 2012 đã tràn sang 2013 với các cuộc biểu tình rầm rộ đã yêu cầu tăng mức bảo vệ phụ nữ lên và công lý.
Siêu bão Haiyan
Haiyan - cơn bão chết chóc nhất từng tấn công vào Philippines trong 22 năm qua, tính từ siêu bão Tehlma 1991 và lớn hơn cả siêu bão Katrina từng đánh vào Mỹ. Dù đã có chuẩn bị bao gồm cả việc di tản gần 800.000 người, hơn 5.000 người đã chết khi bão tàn phá miền Trung Philippines. Nhiều phần của TP bờ biển Tacloban đã bị san phẳng, gần 2 triệu người mất nhà cửa.
Năm 2013 đã khép lại. Những vở kịch chính trị đã khép màn, những bức tranh đang được vẽ dở cho thấy giữa các quốc gia vẫn còn nhiều bất đồng, những mâu thuẫn cần được hóa giải để kiến tạo hòa bình, ổn định cho thế giới.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã đạt được thỏa thuận về Syria và chương trình hạt nhân của Iran.
|
Giáo hoàng Francis - Nhân vật của năm 2013.
|