“Thế giới ngày càng khó tìm vàng”

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức cấp cao của Hội đồng Vàng Thế giới vừa đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh chỉ có khoảng 10% số mỏ phát hiện vàng trên toàn cầu chứa đủ kim loại để đảm bảo khai thác.

Khó khăn bủa vây ngành khai thác vàng toàn cầu

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ngành khai thác vàng đang phải vật lộn để duy trì tăng trưởng sản xuất trong bối cảnh trữ lượng kim loại quý ngày càng khó tìm.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trữ lượng vàng thế giới ngày càng khó tìm. Ảnh: Northern Miner
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trữ lượng vàng thế giới ngày càng khó tìm. Ảnh: Northern Miner

“Thế giới đã chứng kiến ​​sản lượng khai thác mỏ kỷ lục trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xét ở quy mô rộng hơn, tôi nghĩ sản lượng khai thác mỏ vàng đã ổn định vào khoảng năm 2016, 2018 và chúng tôi không thấy tăng trưởng kể từ thời điểm đó” -  Giám đốc chiến lược thị trường của WGC John Reade nói với đài CNBC hôm 10/6.

Theo dữ liệu từ hiệp hội thương mại quốc tế, sản lượng khai thác vàng trên toàn cầu chỉ nhích lên 0,5% vào năm 2023 so với năm trước đó.

Trong năm 2022, mức tăng trưởng là 1,35% so với năm 2021. Sản lượng khai thác vàng thế giới trong năm 2021 ghi nhận mức tăng 2,7 so với năm trước đó. Trong khi đó, vào năm 2020, sản lượng vàng toàn cầu ghi nhận mức giảm đầu tiên trong một thập kỷ khi sụt 1%.

Chuyên gia Reade nêu rõ: “Điều đáng quan tâm là sau 10 năm tăng trưởng nhanh chóng kể từ năm 2008, ngành khai thác vàng toàn cầu đang phải vật lộn để đạt mức tăng trưởng bền vững trong sản xuất”.

Ông giải thích thêm, các mỏ vàng mới đang trở nên khó tìm hơn trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm vàng, cấp phép, cấp vốn và vận hành nó ngày càng khó khăn hơn.

Theo WGC, việc khai thác vàng quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian tìm kiếm thăm dò kéo dài, trung bình mất từ 10 đến 20 năm để đưa vào hoạt động sản xuất một mỏ vàng mới.

Ngay cả trong quá trình thăm dò, khả năng phát hiện và phát triển mỏ mới cũng rất thấp. Hiện chỉ có khoảng 10% số mỏ phát hiện vàng trên toàn cầu chứa đủ kim loại để đảm bảo hoạt động khai thác.

Ngoài ra, nhiều dự án khai thác được lên kế hoạch cho các khu vực vùng sâu vùng xa đòi hỏi cơ sở hạ tầng như đường, điện và nước, dẫn đến tăng thêm chi phí trong việc xây dựng các mỏ và hoạt động tài chính này, ông Reade cho hay.

Cho đến nay, khoảng 187.000 tấn vàng đã được khai thác, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Nam Phi và Australia.

Theo tính toán của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trữ lượng vàng trên thế giới có thể khai thác được ước tính khoảng 57.000 tấn.

Giá vàng tăng nhẹ sau phiên bán tháo lớn nhất hơn 3 năm

Giá vàng thế giới giữ ổn định trong phiên 10/6 sau đợt bán tháo mạnh nhất trong phiên trước đó do dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến và giới đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,1% ở mức 2.295,29 USD/ounce, còn giá vàng  của Mỹ giảm 0,5% xuống 2.312,20 USD.

Trước đó, giá vàng lao dốc 3,5% trong phiên giao dịch ngày 7/6, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2020 sau khi đón nhận báo cáo việc làm của Mỹ khả quan hơn dự báo, làm giảm kỳ vọng về việc Fed sớm giảm lãi suất.

Giá kim loại quý cũng chịu áp lực từ dữ liệu mới nhất của Trung Quốc cho thấy quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới đã ngừng mua vàng trong tháng 5 sau 18 tháng mua liên tiếp.

Chuyên gia thị trường cấp cao Kelvin Wong tại OANDA nhận định với Reuters: “Xu hướng tăng trung hạn đã hình thành kể từ tuần trước hoặc lâu hơn hiện đối mặt nguy cơ bị tổn hại từ góc độ kỹ thuật”.

Giá vàng thế giới giữ ổn định trong phiên 10/6. Ảnh: Reuters
Giá vàng thế giới giữ ổn định trong phiên 10/6. Ảnh: Reuters

Báo cáo việc làm của Mỹ tốt hơn dự báo khiến các nhà giao dịch một lần nữa thay đổi kỳ vọng về thời điểm Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách và số lần cắt giảm lãi suất.

Tuần này thị trường quan tâm tới một số thông tin đáng chú ý như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 và thông báo về chính sách tiền tệ của Fed.

Fed dự kiến ​​​​sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách từ ngày 11-12/6, nhưng thị trường quan tâm đặc biệt đến tuyên bố từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và những thay đổi đối với dự báo kinh tế từ các nhà hoạch định chính sách.

Theo kết quả cuộc khảo sát vàng hàng tuần mới nhất của Kitco News, phần lớn chuyên gia dự báo tiêu cực về giá vàng trong ngắn hạn. Theo đó, chỉ 11% cho rằng giá vàng sẽ tăng, 61% dự báo giảm, 28% nhận định giá vàng đi ngang.

Chuyên gia Marc Chandler, Giám đốc điều hành Bannockburn Global Forex, nói báo cáo việc làm Mỹ tốt hơn kỳ vọng và Trung Quốc dừng mua dự trữ vàng khiến kim loại quý xuống mức thấp nhất trong 1 tháng.

Sau khi rời mốc 2.300 USD/ounce, giá vàng giao ngay giảm xuống gần 2.277 USD/ounce. Nếu dưới mốc 2.270 USD, giá vàng còn có thể về mức 2.220 USD/ounce.

Trong khi đó,  nhà phân tích thị trường cấp cao Darin Newsom tại Barchart, cho biết giá vàng có thể sẽ giảm trong những ngày tới.