Ả Rập Saudi xác nhận nhà báo Khashoggi bị đánh chết trong lãnh sự quán
Ả Rập Saudi vừa lên tiếng thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết sau vụ ẩu đả trong lãnh sự quán tại thủ đô Istabul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một thông báo về kết quả điều tra sơ bộ công bố hôm 20/10, nhà chức trách Ả Rập Saudi thừa nhận nhà báo Jamal Khashoggi đã chết trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tranh cãi giữa Khashoggi và những người ông ấy gặp trong lãnh sự quán đã biến thành một cuộc ẩu đả, dẫn tới cái chết của ông", thông báo của cơ quan công tố Ả Rập Saudi nêu rõ.
Theo giới chức Ả Rập Saudi, cuộc điều tra đang tiếp tục được tiến hành. Thông báo của cơ quan công tố cũng xác nhận trợ lý hoàng gia Ả Rập Saudi Saud al-Qahtani, và Phó giám đốc tình báo Ahmed Asiri đã bị cách chức trong ngày 20/10.
Trong khi đó, truyền thông Ả Rập Saudi đưa tin Quốc vương nước này đã yêu cầu thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng, do Thái tử Mohammed Bin Salman dẫn đầu, để cải tổ cơ quan tình báo trung ương.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho hay đang mở rộng phạm vi tìm kiếm thi thể của nhà báo Khashoggi.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nhà báo Jamal Khashoggi, một cây viết bình luận của tờ Washington Post, người từng lên tiếng chỉ trích Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, đã bị sát hại và phi tang tại Lãnh sự quán nước này tại Istanbul hôm 2/10 vừa qua.
Đây là lần đầu tiên chính quyền Ả Rập Saudi xác nhận cái chết của ông Khashoggi. Trước đó, Riyadh nhiều lần khẳng định nhà báo này đã rời khỏi lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul, đồng thời bác bỏ liên quan đến vụ việc này.
Tổng thống Putin tiết lộ IS bắt giữ 700 con tin tại Syria
Phát biểu tại Diễn đàn thảo luận Valdai tổ chức ở TP Sochi nằm bên bờ biển Đen ngày 18/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết lực lượng IS đã bắt giữ gần 700 con tin tại khu vực ở Syria do các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.
Theo nhà lãnh đạo Nga, những con tin này gồm một số công dân Mỹ và châu Âu. Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng, IS đang mở rộng phần lãnh thổ chiếm đóng về khu vực còn lại của sông Euphrates do Mỹ và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát.
Cũng theo ông Putin, IS đã ra tối hậu thư đi kèm theo nhiều yêu sách cụ thể, đồng thời cảnh báo rằng, nếu như những yêu cầu trên không được đáp ứng thì nhóm khủng bố này sẽ hành quyết 10 con tin mỗi ngày.
Trước đó, ngày 17/10, hãng TASS của Nga dẫn một nguồn tin ngoại giao quân sự cho biết, IS đang bắt giữ 700 con tin tại tỉnh Deir ez-Zor của Syria. Trong số này có các công dân một số nước châu Âu và các nước khác.
Theo nguồn tin trên, hôm 13/10, lực lượng IS đã thực hiện một vụ tấn công nhằm vào trại lánh nạn gần khu vực al-Bahra và bắt giữ các thành viên trong khoảng 130 gia đình người Ả Rập làm con tin. Những người này đã được đưa tới TP Hajin thuộc tỉnh Deir ez-Zor đang nằm trong tầm kiểm soát của IS.
Trước đó, Moscow đã cáo buộc Mỹ và các lực lượng được Mỹ hậu thuẫn "nhắm mắt làm ngơ" để mặc IS bắt cóc dân thường vô tội.
Trong khi đó, tại Washington, giới chức quân sự Mỹ lại tỏ rõ sự hoài nghi về những thông tin này.
Phát ngôn viên Lầu Năm góc, Đô đốc hải quân Sean Robertson cho biết tính đến nay Mỹ xác nhận thông tin đã xảy ra một vụ tấn công nhằm vào trại lánh nạn gần tỉnh Deir ez-Zor của Syria vào tuần trước. Tuy nhiên, ông Robertson nói rằng Washington không có thông tin gì liên quan tới việc một số lượng lớn con tin đã bị IS bắt giữ theo như tuyên bố của Tổng thống Putin và giữ quan điểm thận trọng về độ chính xác của thông tin này.
Ấn Độ: Đoàn tàu lao vào đám đông dự lễ hội, ít nhất 59 người thiệt mạng
Một lễ hội tôn giáo ở Ấn Độ đã trở thành thảm kịch sau khi một đoàn tàu chở khách lao vào đám đông tham gia lễ hội, khiến 59 người thiệt mạng tối 19/10.
Cảnh sát địa phương cho biết, vụ tai nạn xảy ra tối qua tại khu vực tổ chức lễ hội Dusshera gần Amritsar, bang Punjab, miền bắc Ấn Độ, gần biên giới Pakistan.
Vụ tai nạn khiến gần 60 người thiệt mạng và khoảng 200 người bị thương. Nhiều người lo ngại, con số thương vong có thể còn tăng tiếp.
Nạn nhân là những người dân địa phương đứng trên đường ray để xem lễ hội Dusshera - một lễ hội Hindu. Những người dự lễ hội không nghe thấy tiếng tàu hỏa khi nó tiến lại gần bởi lúc đó họ đang xem bắn pháo hoa và đốt cháy hình nộm. Trong số những người thiệt mạng có cả trẻ em.
“Chúng tôi xác nhận đã có 59 người chết. Số người thiệt mạng có thể sẽ tăng thêm”, Cảnh sát trưởng Suresh Arora nói với Reuters, đồng thời cho biết lực lượng cứu hộ vẫn đang cố gắng xác định mức độ thiệt hại trong thảm kịch ở ngoại ô Amritsar, bang Punjab.
Một nhân chứng nói rằng tại hiện trường thấy các thi thể nạn nhân nằm la liệt quanh đường ray.
Trong khi đó ANI, một cơ quan thông tấn trong nước, đã báo cáo rằng giám đốc y khoa của Bệnh viện Dân sự ở Amritsar cho biết 60 người đã thiệt mạng và ít nhất 51 người bị thương.
Một số nguồn tin nói rằng, ban tổ chức đã nhắc nhở người dân tránh xa nơi bắn pháo hoa, trong khi đó một số nguồn tin nói rằng những người tham dự lễ hội đã chạy về phía đường ray vì họ sợ các hình nộm đốt cháy có thể bị sập xuống bất cứ lúc nào.
Cảnh sát cho biết, tiếng pháo hoa và tiếng ồn ào của đám đông có thể đã khiến các nạn nhân không nghe thấy tiếng tàu hỏa. Đoàn tàu lao vào đám đông khi đó đang di chuyển từ Jalandhar đến Amritsar.
Thủ hiến bang Punjab, ông Amarinder Singh, mô tả vụ việc là một "thảm kịch" và cho biết đã chỉ đạo các lực lượng chức năng hỗ trợ tốt nhất có thể cho các nạn nhân, đồng thời tiến hành điều tra toàn diện vụ việc.
Thủ hiến Singh cũng thông báo tất cả các văn phòng và cơ sở giáo dục trên toàn tiểu bang sẽ vẫn đóng cửa trong ngày 20/10.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter rằng ông rất buồn vì vụ tai nạn và đã yêu cầu các cơ quan quan chức năng cung cấp hỗ trợ ngay lập tức.
Chính quyền liên bang và bang Punjab đang gấp rút tiến hành điều tra vụ việc, khi người dân nước này tỏ ra “giận dữ”, quy trách nhiệm cho giới chức giao thông lẫn các nhà tổ chức lễ hội tại quốc gia Nam Á này.
Ngành đường sắt Ấn Độ, phần lớn được xây dựng từ thời kỳ đô hộ, đã có mức độ an toàn rất đáng báo động, sau hàng chục năm không được đầu tư nâng cấp thỏa đáng. Ấn Độ vẫn ưu tiên giữ giá vé rẻ để duy trì 23 triệu hành khách có thể sử dụng đi lại hàng ngày.
Thỏa thuận Brexit tiếp tục gặp bế tắc
Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu (EU) đã diễn ra trong hai ngày 17 và 18/10 tại Brussels, Bỉ. Đây được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để hai bên đi tới một thỏa thuận trước khi Anh rời khỏi EU vào cuối tháng 3/2019.
Brexit là chủ đề trọng tâm của Hội nghị lần này khi trước và trong ngày đầu của Hội nghị, tất cả mọi sự quan tâm của chính giới, truyền thông lẫn dư luận châu Âu đều dồn vào việc liệu EU và Anh có đạt được một thoả thuận Brexit vào phút chót hay không. Tuy nhiên, câu trả lời đã được các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra là “không”.
Ngoài việc không đạt được thoả thuận Brexit, một điểm kém tích cực khác, đó là việc nguyên thủ 27 nước EU cũng đưa ra tuyên bố là họ chưa nhận thấy các tiến triển đủ lớn trong các đàm phán Brexit để có thể tổ chức một cuộc họp Thượng đỉnh bất thường khác của EU trong tháng 11/2018.
Các nước châu Âu cũng bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho kịch bản không đạt thỏa thuận, với việc làm thế nào nhanh chóng thông qua luật khẩn cấp của EU để đối phó với việc gián đoạn trong vận chuyển và các liên kết thương mại.
Trước đó, cuộc đàm phán "nước rút" giữa London và Brussels ngày 14/10 về một thỏa thuận Brexit đã không đạt được kết quả, tiếp tục vướng mắc trong vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.
Mỹ - Hàn hủy thêm cuộc tập trận thường niên để “lấy lòng” Triều Tiên
Washington và Seoul vừa thông báo hủy cuộc tập trận không quân chung nhằm tạo điều kiện tiếp tục các nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên trong vấn đề giải giáp vũ khí hạt nhân.
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 19/10 cho biết Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định hủy thêm một cuộc tập trận thường niên để “tạo cơ hội” cho tiến trình ngoại giao với Triều Tiên được tiếp tục.
“Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đã quyết định hoãn kế hoạch tập trận Vigilant Ace nhằm tạo mọi cơ hội cho tiến trình ngoại giao được tiếp tục”, người phát ngôn Nhà Trắng Dana White thông báo.
Quyết định được thông qua khi hai ông Mattis và Jeong và cả Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya gặp nhau tại một diễn đàn an ninh ở Singapore ngày 19/10.
Quyết định này được Bộ trưởng James Mattis và người đồng cấp phía Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo thống nhất tại cuộc gặp tại một diễn đàn an ninh ở Singapore ngày 19/10.
Đây là một trong nhiều cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được hủy nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Theo kế hoạch, cuộc tập trận Vigilant Ace năm 2018 nếu không bị hủy sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Cuộc tập trận Vigilant Ace năm ngoái diễn ra với sự tham gia của 12.000 binh sĩ Mỹ và khoảng 230 máy bay của Mỹ và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng chỉ trích các cuộc tập trận của Mỹ ở Hàn Quốc, nói rằng vừa tốn kém vừa không đạt hiệu quả.
Trước quyết định hủy cuộc tập trận Vigilant Ace năm nay, Mỹ và Hàn Quốc đã hủy một số cuộc tập trận chung lớn sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, trong đó có cuộc tập trận Người bảo vệ tự do UIchi thường diễn ra vào tháng 8.
“Tổng thống tin quan hệ giữa ông với ông Kim Jong Un đang rất tốt và ấm áp, và lúc này không có lý do gì phải chi một khoản tiền lớn vào các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Bên cạnh đó, Tổng thống vẫn có thể ngay lập tức bắt đầu tập trận chung trở lại với Hàn Quốc và Nhật, nếu ông ấy quyết định” - tuyên bố của Nhà Trắng hồi tháng 8 nêu rõ.