Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Đảo chính bất thành tại Venezuela

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều Tiên thực hiện cuộc "diễn tập tấn công" sử dụng nhiều bệ phóng tên lửa; Thủ lĩnh đối lập Venezuela tiến hành đảo chính... là 2 trong số những sự kiện nổi bật trong tuần.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp giám sát “diễn tập tấn công”
Lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu quân đội tăng cường khả năng chiến đấu khi giám sát vụ phóng, động thái được cho là gây áp lực với Mỹ.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 5/5 thông báo nước này đã thực hiện một cuộc "diễn tập tấn công" trước đó 1 ngày với mục tiêu trên Biển Nhật Bản (Hàn Quốc gọi là Biển Đông), dưới sự giám sát trực tiếp của lãnh đạo Kim Jong Un.
 Nhà lãnh đạo Triều Tiên thị sát vụ phóng hỏa tiễn hôm 4/5. Ảnh: KCNA
Mục đích của cuộc diễn tập là để các đơn vị quân đội thử nghiệm "khả năng vận hành và độ chính xác" của các giàn hoả tiễn đa nòng tầm xa cỡ lớn và vũ khí dẫn đường chiến thuật.
Thông tin này của KCNA xác nhận rằng vũ khí trong vụ thử mới nhất của Triều Tiên không phải là tên lửa đạn đạo tầm xa, vốn được coi là nguy cơ với Mỹ.
Lãnh đạo Kim Jong Un còn kiểm tra "năng lực tác chiến của các khí tài và thiết bị", đồng thời hối thúc các binh sĩ gần ghi nhớ "thực tế rằng hòa bình và an ninh thực sự chỉ được đảm bảo bằng sức mạnh". Ông Kim nhấn mạnh cần thiết phải "tăng cường khả năng chiến đấu, nhằm bảo vệ chủ quyền và sự tự chủ kinh tế" của Triều Tiên trước các mối đe doạ và ý đồ xâm lược.
Thông tin được công bố một ngày sau khi quân đội Hàn Quốc sáng 4/5 thông báo phát hiện Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn từ bãi thử tại thành phố Wonsan, phía đông nước này về phía Biển Nhật Bản. Các quả đạn đạt tầm bay 70 - 200km. 
Đảo chính bất thành tại Venezuela
Sáng 30/4, tại căn cứ quân sự La Carlota, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tuyên bố bắt đầu cuộc nổi dậy mang tên “Chiến dịch Tự do”, kêu gọi người dân và quân đội xuống đường biểu tình đòi chấm dứt sự “tiếm quyền” của chính quyền Maduro. Đụng độ đã xảy ra giữa người biểu tình ủng hộ “Tổng thống” tự phong Juan Guaido và lực lượng trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro bên trong căn cứ La Carlota.
Thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido kêu gọi người dân Venezuela tiến hành đảo chính hôm 30/4.
Với việc tấn công vào căn cứ quân sự La Carlota, phe đối lập hy vọng tạo tiếng vang, kích động người dân và binh sĩ quay lưng với chính quyền Maduro. Chính quyền đã điều xe bọc thép xuống phố và sử dụng đạn cao su cùng lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông biểu tình. Hơn 100 người đã bị thương trong cuộc đụng độ ngày 30/4, trong đó có một đại tá quân đội. Phe đối lập cáo buộc chính quyền đã sử dụng đạn thật bắn vào dân thường nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục.
Venezuela bắt đầu rơi vào khủng hoảng chính trị từ khi Tổng thống Maduro lên nắm quyền năm 2013. Quốc gia Nam Mỹ này đã lâm vào suy thoái kinh tế trầm trọng, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ tội phạm ngày càng gia tăng với tốc độ phi mã. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính trong năm nay “siêu lạm phát” tại Venezuela sẽ đạt con số kỷ lục: 10 triệu phần trăm. 
Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito lên ngôi Hoàng đế
Sáng 1/5, tại Tokyo, một ngày sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, Hoàng Thái tử Naruhito đã chính thức lên ngôi Hoàng đế Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa) sau khi tiếp nhận ba loại thần khí: Kiếm Kusanagi, Gương Yata và Viên đá quý Yasakani, tượng trưng cho lòng dũng cảm, sự sáng suốt và lòng nhân từ.
Sáng 1/5, tại Tokyo, một ngày sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị, Hoàng Thái tử Naruhito đã chính thức lên ngôi Hoàng đế Nhật Bản với niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).
Sinh năm 1960, Nhật hoàng Naruhito là con trai cả của Thượng hoàng Akihito. Được thụ phong Hoàng Thái tử năm 1991, 28 năm sau, ông chính thức trở thành Hoàng đế thứ 126 của Nhật Bản. Theo Hiến pháp Nhật Bản hiện hành, Nhật hoàng là “biểu tượng của quốc gia và hòa hợp dân tộc”.
Trong lễ đăng quang ngày 1/5, Nhật hoàng Naruhito đã có bài phát biểu trước toàn thể người dân Nhật Bản. Ông tuyên bố sẽ nối bước Thượng hoàng Akihito hành động theo Hiến pháp, suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. Đại diện cho người dân Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quyết tâm tạo ra một tương lai tươi sáng, đầy tự hào, hy vọng và hòa bình cho Nhật Bản.
Lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/10 với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia. Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng và mang tính chất biểu tượng trong đời sống văn hóa, chính trị, xã hội của Nhật Bản.
Vua Thái Lan Rama X đăng cơ
Lúc 10h09 sáng ngày 4/5, lễ đăng cơ của Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn chính thức bắt đầu bằng các nghi lễ tẩy trần.
Vua Vajiralongkorn được thanh tẩy bằng nước thu thập từ hơn 100 nguồn, trong đó có 5 con sông lớn, 4 hồ nước thiêng và đã được các nhà sư ban phước.
Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn chính thức đăng cơ.
Sau đó, ông được trao 5 vật phẩm biểu tượng cho vương quyền, trong đó có một vương miện đính vàng và đá quý nặng 7,3kg, cao 66cm. Khi ông nhận một tấm bảng vàng khắc họ tên và tước hiệu chính thức, các nhà sư ở 41.000 ngôi chùa khắp Thái Lan sẽ đồng loạt tụng kinh cầu an.
Tiếp đến, 4 khẩu đại bác từ thế kỷ XIX, chỉ được dùng cho lễ đăng quang, khai hỏa 40 loạt pháo để chào mừng.
Hơn 340 người sau đó rước kiệu đưa Nhà vua từ Cung điện Hoàng gia đến Chùa Phật ngọc để ông đảm nhận vai trò là Người Bảo trợ Hoàng gia cho Phật giáo Thái Lan, khép lại ngày đầu tiên của lễ đăng cơ.
Lễ đăng cơ của Vua Rama X sẽ kéo dài đến ngày 6/5. Sau đăng cơ, Vua Maha Vajiralongkorn sẽ tham dự diễu hành và tiếp xúc với các đoàn ngoại giao ở Bangkok.
Đây là lần đầu tiên trong gần 70 năm, người dân Thái Lan được chứng kiến một lễ đăng cơ mới, kể từ khi cố quốc vương Bhumibol Adulyadej lên ngôi năm 1950.
Màu vàng là màu chủ đạo trên khắp đất nước Thái Lan. Người dân được khuyến khích mặc áo vàng để thể hiện sự tôn kính và ủng hộ với Nhà vua.
Tổng thống Donald Trump khen nức nở cuộc điện đàm với ông Putin
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng khen ngợi cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và khẳng định liên minh Nga - Mỹ có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
“Tiềm năng lớn cho mối quan hệ tuyệt vời với Nga. Thế giới có thể trở nên an toàn và tốt đẹp hơn”, Tổng thống Trump viết trên Twitter một ngày sau khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin vào hôm 3/5.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng khen ngợi cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 3/5.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài hơn 1h đồng hồ, Tổng thống Trump cho biết, vấn đề khủng hoảng ở Venezuela cũng đã được thảo luận: “Ông ấy không muốn can thiệp vào Venezuela mà muốn nhìn thấy điều gì đó tốt đẹp với quốc gia này. Tôi cũng có ý nghĩ tương tự”.
Căng thẳng giữa Washington và Moscow đã leo thang trong thời gian qua về những diễn biến mới ở Venezuela. Chính quyền Washington đã cáo buộc giới chức Nga can thiệp để Tổng thống Nicolas Maduro không từ bỏ quyền lực và rời khỏi bỏ quốc gia này, tuy nhiên, Moscow đã phủ nhận lập luận trên.
Vào hôm 4/5, Tổng thống Trump cũng tiết lộ đã thảo luận với ông Putin về khả năng thiết lập một thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân mới không chỉ với Nga mà cả Trung Quốc. Ông khẳng định Trung Quốc đã cho thấy họ muốn tham gia vào thỏa thuận này nhằm giảm số lượng đầu đạn hạt nhân.