Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Giải mã vụ mất tích bí ẩn MH370

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Malaysia ra báo cáo cuối cùng về vụ MH 370; Đảng CPP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Campuchia là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội
Người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) ông Sok Eysan khẳng định đảng này giành chiến thắng áp đảo với gần 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI.
Người phát ngôn Đảng CPP Sok Eysan cho biết, Đảng CPP do Thủ tướng Hun Sen làm Chủ tịch đã giành chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VI tổ chức ngày 29/7.
Đảng cầm quyền Campuchia tuyên bố chiến thắng áp đảo trong bầu cử Quốc hội ngày 29/7.
“Chúng tôi đã giành chiến thắng với gần 80% số phiếu bầu”, ông Sok Eysan nói thêm. “Số lượng cử tri đi bầu cho Đảng Nhân dân Campuchia là 4.821.000 trên tổng số 82,71% tổng số cử tri đi bầu cử. Chúng tôi sẽ giành được hơn 100 ghế trong tổng số 125 ghế trong Quốc hội khóa mới”.
Tỷ lệ ủng hộ trên cao hơn nhiều so với số phiếu CPP thu được trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V năm 2013 (chỉ là 48,83%).
Trong một tuyên bố, Ủy ban bầu cử quốc gia (NEC) cho biết tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao lên tới 82,71%, cho thấy bầu không khí chính trị tại Vương quốc Campuchia thực sự dân chủ, tự do, bình đẳng. Trước đó,  NEC báo cáo tỷ lệ cử tri đi bầu ở mức 80,49%.
Trong cuộc tổng tuyển cử trong năm 2013, số lượng cử tri đi bầu cử chỉ ở mức 69,61%.
"Điều này cho thấy cuộc bầu cử thành công tốt đẹp"m Sik Bun Hok, Chủ tịch NEC phát biểu trong cuộc họp báo ngày 29/7,
Theo báo cáo của NEC, số lượng cử tri đủ điều kiện đi bầu cử là 8,3 triệu người. Cuộc bầu cử lần này có 20 đảng tham gia. Theo lịch trình, trong trường hợp không có khiếu kiện nào buộc phải tổ chức bầu cử lại, NEC sẽ công bố kết quả sơ bộ vào ngày 11/8 và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 15/8.
Malaysia công bố kết quả điều tra vụ máy bay MH370 mất tích
Chiều 30/7, các nhà điều tra Malaysia đã họp báo để công bố báo cáo kết quả điều tra về vụ mất tích bí ẩn máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines hơn 4 năm qua.
 “Nhóm các nhà điều tra không thể xác định nguyên nhân thực sự cho việc chiếc máy bay MH370 mất tích", Kok Soo Chon - trưởng nhóm điều tra vụ MH370 nói với các phóng viên tại buổi họp báo ngày 30/7.
"Câu trả lời chỉ có thể được kết luận nếu toàn bộ những mảnh vỡ của máy bay MH370 được tìm thấy", ông Kok Soo Chon trả lời khi được hỏi đến bao giờ có được lý do chính xác khiến máy bay gặp nạn.
Người thân của nạn nhân tại buổi công bố báo cáo.
Người thân của các hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines tỏ ra buồn phiền sau khi nhận báo cáo, có nhiều người khác và nói báo cáo không đưa ra "kết luận".
"Báo cáo của các nhà điều tra vụ máy bay MH370 mất tích chỉ nêu lên sai sót và các lệnh hướng dẫn không được phi hành đoàn tuân theo", các gia đình của những nạn nhân trên máy bay gặp nạn cho biết tại cuộc họp báo.
"Chúng tôi hy vọng rằng những sai lầm này sẽ không lặp lại và ngành hàng không Malaysia cần có các biện pháp để tránh những thảm họa khác trong tương lai", luật sư Grace Nathan, con của một nữ hành khách có tên Anne Daisy, trên chuyến bay mất tích.
Chiếc máy bay của Malaysia Airlines mang số hiệu MH370, chở 239 người, hầu hết là Trung Quốc, mất tích hồi tháng 3/2014 khi đang từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Không có thứ gì liên quan tới MH370 được tìm thấy tại khu vực tìm kiếm rộng 120.000 km2 ở Ấn Độ Dương. Cuộc tìm kiếm MH370, lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới, do Australia dẫn dắt đã dừng lại vào tháng 1 năm ngoái.
Công ty thám hiểm Mỹ là Ocean Infinity nối lại cuộc tìm kiếm MH370 vào đầu năm nay trên cơ sở "không tìm thấy, không tính phí", đã sử dụng công nghệ không người lái để dò tìm đáy biển. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm đã phải dừng lại sau khi họ không thể tìm thấy máy bay.
Tới giờ, chỉ có 3 mảnh vỡ được xác nhận thuộc về MH370 được tìm thấy. Tất cả các mảnh vỡ được tìm thấy sau khi nó dạt vào bờ biển tây Ấn Độ Dương.
Ông Trump bất ngờ dịu giọng, sẵn sàng gặp lãnh đạo Iran vô điều kiện
Ngày 30/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp Tổng thống Iran mà không cần điều kiện tiên quyết và có thể gặp bất kỳ lúc nào để cải thiện quan hệ song phương.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tại Nhà Trắng hôm 30/7, trả lời câu hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp Tổng thống Iran Hassan Rouhani hay không, Tổng thống Trump cho biết: "Tôi sẽ gặp bất kỳ ai. Tôi tin vào các cuộc họp. Tôi không biết họ đã sẵn sàng chưa.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo.
Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: "Tôi đã chấm dứt Thỏa thuận hạt nhân Iran. Đó là một thỏa thuận vô lý. Tôi tin rằng có lẽ họ muốn có cuộc họp và tôi sẵn sàng gặp bất cứ lúc nào họ muốn. Đây là một sự kiện không chỉ tốt cho Mỹ, cho Iran, cho chúng ta mà còn cho cả thế giới". 
Chưa có Tổng thống Mỹ nào gặp nhà lãnh đạo của Iran kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran một năm sau khi xảy ra cuộc Cách mạng Hồi giáo vào năm 1979. Năm 2013, Tổng thống Barack Obama đã "phá băng" trong quan hệ hai nước khi có cuộc điện đàm với người đồng cấp Hassan Rouhani. 
Đáp lại tuyên bố của Tổng thống Trump, phía Iran nói điều kiện để tiến hành đàm phán với Mỹ là Washington phải tiếp tục tham gia Thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Tổng thống Trump thông báo rút hồi tháng 5.
Ông Hamid Aboutalebi, cố vấn của Tổng thống Iran Rouhani, cho biết: “Việc Mỹ tôn trọng các quyền của Iran, giảm thiểu thù địch và quay lại thỏa thuận hạt nhân Iran là những bước quan trọng để tiến tới các cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ.
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho rằng mặc dù Tổng thống Trump để ngỏ khả năng đối thoại và đàm phán nhưng điều đó không có nghĩa là Washington sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hoặc tái lập quan hệ ngoại giao và thương mại.
Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ đã phản ứng giận dữ sau khi ông Rouhani cảnh báo Mỹ sẽ gánh chịu hậu quả nếu xung đột với Iran.
Ngày 22/7, trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã cảnh báo Iran không được đe dọa Mỹ, bằng không sẽ phải hứng chịu các hậu quả chưa từng có. Ngay lập tức, Tổng thống Iran Rouhani đã đáp trả bằng tuyên bố rằng các chính sách thù địch của Mỹ có thể sẽ dẫn tới các cuộc chiến tranh”.
Trả đũa Mỹ, Trung Quốc áp thuế hơn 5.000 mặt hàng
Trung Quốc đã công bố gói thuế mới lên 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, với mức thuế suất từ 5 - 25%.
Trung Quốc đã công bố gói thuế mới lên 5.207 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Trung Quốc hôm 3/8 đã tuyên bố đánh thuế  trả đũa lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ bao gồm khí hóa lỏng tự nhiên, máy bay...
Mỹ đã áp dụng mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Trung Quốc ngay lập tức trả lời với mức thuế quan của riêng mình đối với hàng hóa Mỹ trị giá 34 tỷ USD.
Lượt đánh thuế thứ hai lên các sản phẩm trị giá 16 tỷ USD có thể có hiệu lực ngay trong tuần này.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi đầu tháng này đã tăng cường căng thẳng khi ông đưa ra danh sách hàng ngàn sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD có thể phải chịu mức thuế 10% sau một thời gian bình luận công khai, bao gồm trái cây và rau quả, túi xách, tủ lạnh, áo mưa và găng tay bóng chày. Những mức thuế đó có thể có hiệu lực ngay sau tháng 9.
"Phía Mỹ đã nhiều lần leo thang tình hình, chống lại lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trung Quốc phải có biện pháp đối phó cần thiết để bảo vệ phẩm giá của mình và lợi ích của người dân", Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong tuyên bố.
Các sản phẩm của Mỹ bị Bắc Kinh nhắm mục tiêu đánh thuế là các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng như thịt bò và khí hóa lỏng.
Các hàng hóa khác của Mỹ được Trung Quốc nhắm đến bao gồm chất bán dẫn, một số máy bay trực thăng, máy bay cỡ nhỏ đến trung bình, bao cao su, thịt bò, sản phẩm thép và cà phê.