Thế giới trong tuần: Hơn 1.000 người mất tích trong thảm họa cháy rừng ở California

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số thương vong do cháy rừng ở California (Mỹ) tăng cao và sóng gió trên chính trường Anh vì dự thảo kế hoạch Brexit là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Khủng hoảng chính trị Anh vì Brexit
Dự thảo thỏa thuận Brexit mới đạt được tưởng chừng đã mở lối thoát cho quá trình đàm phán kéo dài suốt gần 2 năm qua giữa Anh và EU, nay lại tạo ra một đợt sóng mới trên chính trường Anh.
4 bộ trưởng Anh, gồm Bộ trưởng các vấn đề Bắc Ireland Shailesh Vara - Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Thứ trưởng Brexit Suella Braverman và Bộ trưởng Lao động và Hưu trí Esther McVey, tuyên bố từ chức không lâu sau khi Thủ tướng Theresa May nói đã thuyết phục thành công Nội các chấp nhận dự thảo thỏa thuận Brexit. Lý do từ chức họ viết trong đơn rằng thỏa thuận Brexit có nguy cơ làm chia rẽ nước Anh, cũng như họ không thể ủng hộ một thỏa thuận về kế hoạch dự phòng không có thời hạn kết thúc.
Thủ tướng Theresa May phản đối một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit.
Tuy nhiên, bất chấp một loạt Bộ trưởng từ chức, Thủ tướng May ngày 15/11 tuyên bố tại một cuộc họp báo thỏa thuận Brexit vẫn tiếp tục, và Anh sẽ rời EU từ ngày 29/3/2019. Bà May phản đối một cuộc trưng cầu dân ý lần 2.
Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các Anh, bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần phải được Quốc hội Anh thông qua, song giới quan sát dự báo đây sẽ là một tiến trình đặc biệt khó khăn, khi dự thảo kế hoạch Brexit của Thủ tướng May có thể sẽ phải đối mặt với nhiều chỉ trích trong nước.
Tương lai thỏa thuận Brexit không những “mù mịt” mà chức vị Thủ tướng của bà Theresa May cũng bị “lung lay”. Theo truyền thông Anh, Quốc hội nước này đã nhận được đủ 48 kiến nghị từ các nghị sĩ và cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Anh Theresa May sẽ sớm diễn ra. Nhà lãnh đạo Anh có nguy cơ phải từ chức nếu 158 trong số 315 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại bà. 
1.011 người mất tích trong thảm họa cháy rừng ở California
Tính đến ngày 17/11, số người mất tích trong thảm họa cháy rừng tại Bắc California (Mỹ) đã tăng lên tới 1.011, trong khi số người thiệt mạng được ghi nhận cũng đã tăng lên hơn 70 người.
Cảnh sát trưởng hạt Butte Kory Honea cho biết, số người mất tích tăng nhanh từ 631 người trong ngày 15/11 lên 1.011 người ngày 17/11 sau khi giới chức nhận thêm nhiều đơn trình báo mất tích và rà soát lại các cuộc gọi khẩn cấp kể từ khi hỏa hoạn bùng phát ngày 8/11.
Tính đến ngày 17/11, số người mất tích trong thảm họa cháy rừng tại Bắc California (Mỹ) đã tăng lên tới 1.011.
Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ lại phát hiện thêm các phần thi thể còn sót lại của 8 nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng Camp Fire, khiến số người thiệt mạng tăng lên con số 71 người.
Theo ông Honea, danh sách mất tích kể trên không cố định, đây chỉ là số liệu thô có thể biến động và không phải những người trong danh sách này đều được cho là đã tử vong.
Trong khi đó, một vụ cháy rừng khác ở Nam California có tên Woosley cũng đã khiến 3 người thiệt mạng.
Vụ cháy rừng Camp Fire tại phía Bắc chân dãy núi Sierra Nevada được cho là có quy mô phá hủy tương đương vụ cháy rừng Tunnel Fire hồi năm 1991, vốn được coi là vụ cháy rừng nghiêm trọng thứ 2 tại bang California. Lực lượng cứu hộ hiện vẫn đang tìm mọi cách để dập tắt đám cháy, song gió thổi mạnh lên tới 110km/h kèm theo độ ẩm thấp đã khiến đám cháy lan rộng nhanh chóng trong những ngày qua.
Ước tính, vụ cháy rừng Camp Fire đã thiêu hủy hơn 8.800 tòa nhà và cơ sở  hạ tầng. Do gió thổi mạnh, đám cháy rừng Camp Fire cho tới nay đã thiêu rụi hơn 56.000 ha rừng. Khoảng 5.500 lính cứu hỏa đã được huy động, song cơ quan này cũng dự báo phải mất 3 tuần mới có thể dập tắt đám cháy. Trong khi đó, vụ Woolsey Fire đã thiêu hủy 39.660 ha rừng.
CIA kết luận "sốc" Thái tử Ả Rập Saudi ra lệnh giết, phân xác nhà báo Khashoggi
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa xác định, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman đã đích thân ra lệnh sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Trích dẫn một số nguồn tin mật, tờ Washington Post hôm 16/11 tuyên bố CIA đưa ra kết luận nói trên sau khi xem xét nhiều nguồn tin tình báo. Cũng theo tờ báo này, giới chức Mỹ rất tin kết luận của CIA.
CIA xác định Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman dính líu đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Người phát ngôn của CIA từ chối bình luận về thông tin của tờ Washington Post. Trong khi đó, chính phủ Ả Rập Saudi vẫn khẳng định Thái tử Mohammed bin Salman không liên quan đến vụ sát hại nhà báo Ả Rập Saudi Khashoggi.
Theo Washington Post, trong các bằng chứng tình báo được CIA phân tích có cả bản sao cuộc gọi của Khalid bin Salman, em trai Thái tử Ả Rập Saudi cho ông Khashoggi, với nội dung kêu gọi nhà báo đến lãnh sự quán để lấy giấy tờ. Các nguồn thạo tin cho biết, ông Khalid, người đang giữ chức Đại sứ Ả Rập Saudi tại Mỹ đã gọi điện theo lệnh của anh trai. Ông Khashoggi, cây bút bình luận sống lưu vong ở Mỹ và thường xuyên chỉ trích các chính sách của Thái tử Mohammed bin Salman, mất tích sau khi đến lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để lấy giấy tờ chiều 2/10. Chính phủ Ả Rập Saudi đã nhiều lần thay đổi lời giải thích về sự mất tích bí ẩn của nhà báo này. Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ kết luận, nhà báo Khashoggi đã bị "đội ám sát" đến từ Riyadh siết cổ đến chết tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi, sau đó phân xác phi tang.
Tuy nhiên, ông Khalid đã bác bỏ thông tin trên. Ông nói, lần cuối cùng mình liên lạc với nhà báo Khashoggi là bằng tin nhắn, vào tháng 10/2017.
Ngoài cuộc gọi này, CIA còn kiểm tra đoạn ghi âm trước, trong lúc và sau khi nhà báo Khashoggi bị sát hại trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul.
Theo đó, ở đoạn ghi âm thứ nhất, 15 "sát thủ" đã bàn bạc với nhau về cách thực hiện kế hoạch sát hại nhà báo Khashoggi. Ở đoạn ghi âm thứ hai, dài 7 phút, cho thấy nhà báo Khashoggi dường như bị tra tấn và siết cổ. Đoạn ghi âm thứ ba cho thấy Maher Mutreb, nghi phạm trong nhóm "sát thủ" giết nhà báo Khashoggi đã gọi điện cho một trợ lý cấp cao của Thái tử Mohammed bin Salman để thông báo rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ, tờ Washington Post khẳng định.
Theo tin từ Washington Post, CIA hiện không biết vị trí thi thể nhà báo Khashoggi.
Liên quan vụ sát hại nhà báo Khashoggi, Bộ Tài chính Mỹ ngày 15/11 cũng công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 17 công dân Ả Rập Saudi, bao gồm cả cựu trợ lý của Thái tử và Tổng lãnh sự Ả Rập Saudi tại Istanbul.
Trước đó cùng ngày, Văn phòng Công tố Ả Rập Saudi tuyên bố 11 cá nhân đã bị xử phạt vì liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi và 5 trong số này đối mặt với án tử.
Tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích được tìm thấy ở Đại Tây Dương
Tàu lặn thăm dò Ocean Infinity của Mỹ do Argentina thuê đã phát hiện ARA San Juan nằm ở độ sâu 800 mét ngoài khơi bán đảo Valdes (Đại Tây Dương).
Sáng 17/11, Hải quân Argentina tuyên bố tàu ngầm ARA San Juan mất tích trước đó 1 năm đã được tàu lặn thăm dò Ocean Infinity của Mỹ tìm thấy ngoài khơi bán đảo Valdes (Đại Tây Dương), nằm cách mặt biển 800m. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin gì về số phận 44 thủy thủ trên tàu.
Tàu lặn thăm dò Ocean Infinity của Mỹ vừa phát hiện xác tàu ngầm ARA San Juan ở độ sâu 800 mét ngoài khơi bán đảo Valdes.
Phát biểu với truyền hình Todo Noticias TV, người phát ngôn Hải quân Argentina Rodolfo Ramallo cho biết: "Hiện chúng tôi sẽ bắt tay vào việc tìm cách trục vớt con tàu bằng cách xem xét kỹ vị trí và tình trạng xác tàu đã được tìm thấy”.
Thông tin phát  hiện xác tàu ngầm ARA San Juan xấu số được đưa ra 2 ngày sau khi gia đình 44 thủy thủ mất tích cùng con tàu tổ chức lễ tưởng niệm 1 năm con tàu mất tích tại Mar del Plata.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Argentina Mauricio Macri cam kết sẽ tìm ra "sự thật". 
Sau khi tàu ngầm ARA San Juan mất tích hồi tháng 11/2017, Tổng thống Macri khẳng định chính quyền sẽ thực hiện cuộc điều tra toàn diện. Cảnh sát liên bang Argentina đã khám xét các căn cứ hải quân và nhiều công trình khác hồi tháng 1, sau khi người đứng đầu hải quân bị sa thải. 
Tàu ngầm ASA San Juan mất tích vào ngày 15/11/2017 khi đang trên đường trở về căn cứ hải quân ở TP Mar del Plata. Chiến dịch tìm kiếm quốc tế với sự tham gia của 18 nước không đem lại kết quả.
Lực lượng Hải quân Argentina đã bị người thân của các thủy thủ chỉ trích trong chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích kể từ khi bắt đầu vào ngày 16/11/ 2017.
Argentina từ bỏ mọi hy vọng tìm kiếm người sống sót sau khi cuộc giải cứu do 18 nước tham gia thất bại. Tuy nhiên, Hải quân Argentina vẫn tiếp tục dò tìm xác tàu. 
Tàu ngầm ARA San Juan điện-diesel lớp TR-1700, do Đức chế tạo, được Argentina đưa vào hoạt động từ năm 1985. Tàu trải qua quá trình đại tu lớn vào các năm 2008 và 2013.
Theo Hải quân Argentina, thuyền trưởng tàu ngầm ARA San Juan có gửi thông báo nước biển qua ống thở đi vào bình chứa pin số 3 của tàu ngầm, gây ra hiện tượng bị chạm mạch. Tàu sau đó đã đóng bình chứa pin này rồi dùng pin khác để tiếp tục đi về căn cứ Mar del Plata, nhưng sau đó thì mất tích.
Vài tiếng sau, một vụ nổ xảy ra tại chính thời gian và địa điểm tàu ARA San Juan được nhìn thấy lần cuối. Ngày 25/11/2017, Hải quân Argentina cho biết, các chuyên gia nói rằng nguyên nhân của vụ nổ có thể liên quan đến vấn đề về pin mà thuyền trưởng đã nhắc đến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần