Huawei kiện chính phủ Mỹ
Công ty công nghệ Huawei khổng lồ của Trung Quốc hôm 7/3 tuyên bố họ đã nộp đơn kiện chính phủ Mỹ vì đã ban hành lệnh cấm sử dụng sản phẩm của họ. Trong đơn kiện, họ cũng cáo buộc phía Mỹ “tin tặc” máy chủ của họ, đánh cắp thư điện tử.
Đây là động thái mới nhất và mạnh mẽ nhất từ công ty chuyên sản xuất thiết bị viễn thông chống lại các cáo buộc từ giới chức Mỹ rằng công nghệ của Huawei tạo ra mối nguy toàn cầu.
Theo một tuyên cáo từ chủ tịch luân phiên Huawei Quách Bình hôm qua, Huawei đã nộp đơn kiện thách thức tính hợp hiến của điều luật 889 trong bộ luật Quyền Quốc phòng quốc gia (NDAA) 2019 của Mỹ.
NDAA không những hạn chế Huawei phục vụ khách hàng Mỹ, mà còn tước bỏ cơ hội phục vụ khách hàng bên ngoài nước Mỹ bởi luật này ngăn cản các cơ quan chính phủ Mỹ ký hợp đồng hoặc cấp vốn, cho vay bên thứ ba mua thiết bị và dịch vụ của Huawei.
Ông Quách nói Huawei không còn lựa chọn nào ngoài việc kiện chính phủ Mỹ, cho rằng hành động của họ vi phạm hiến pháp nước Mỹ.
Ông Thẩm Ý, viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý không gian mạng (đại học Phục Đán, Thượng Hải) nói với Hoàn cầu Thời báo rằng động thái của Huawei cho thấy trong tiến trình toàn cầu hóa, những công ty như Huawei cũng phải tìm đến biện pháp pháp lý để bảo vệ mình, thay vì các biện pháp chính trị.
Trong đơn kiện, công ty Trung Quốc cáo buộc chính phủ Mỹ “tin tặc” các máy chủ của họ và “đánh cắp thư điện tử, mã nguồn” trong khi đưa ra các cáo buộc vô căn cứ về cái gọi là nguy cơ an ninh mạng.
Một số chuyên gia pháp lý nói vụ kiện của Huawei rất có thể sẽ bị bác bởi các tòa án Mỹ đều không muốn phải dự đoán, thăm dò các quyết định liên quan đến an ninh quốc gia của các cơ quan chính phủ, điều có thể khiến họ rơi vào thế “việt vị”.
“Vụ kiện sẽ rất khó khăn bởi vì quốc hội có thẩm quyền rất rộng trong việc bảo vệ chúng tôi khỏi các mối đe dọa về an ninh có thể nhận thức được”, Franklin Turner - một luật gia làm việc cho chính phủ Mỹ theo hợp đồng với hãng luật McCarter & English nói với Reuters.
Hồi tháng 11/2018, một tòa phúc thẩm liên bang bác đơn một vụ kiện tương tự mà bên đứng đơn kiện là công ty an ninh mạng Kaspersky Lab của Nga. Công ty này kiện một lệnh cấm sử dụng phần mềm của họ trong mạng lưới chính phủ Mỹ.
Tòa án ở Texas thụ lý đơn kiện của Huawei không có nghĩa vụ và không có ràng buộc gì với phán quyết của tòa thụ lý vụ Kaspersky Lab, nhưng có thể cũng sẽ bác đơn bởi tính tương đồng của hai vụ kiện, theo nhận định của Steven Schwinn, giáo sư trường luật John Marshall ở Chicago nói. “Tôi không thấy có khả năng nào Huawei thoát khỏi kết quả đó”, ông Schwinn nói.
Ông Jerome A Cohen - Giáo sư luật tại Đại học New York, nhận định: “Mặc dù Huawei khó có thể giành phần thắng nhưng vụ kiện này buộc Chính phủ Mỹ phải công bố thêm chi tiết về lệnh cấm”.
Venezuela thiếu điện
Trong hai tối liên tiếp, 7-8/3, nhiều bang tại Venezuela chìm trong bóng tối do mất điện diện rộng, gây ảnh hưởng lớn tới giao thông, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết mất điện đã ảnh hưởng tới thủ đô Caracas và 21 trên 23 bang tại Venezuela.
Các phương tiện công cộng tại thủ đô Caracas không thể hoạt động, trong khi đó bệnh viện gặp nhiều khó khăn để vận hành. Chính phủ Venezuela đã buộc phải cho các trường học nghỉ và công sở tạm ngưng hoạt động sau khi Caracas và nhiều thành phố khác mất điện vào hôm 8/3.
Giới chức trách Venezuela đánh giá mất điện diện rộng là động thái chống phá chính phủ. Bộ trưởng Điện lực Luis Motta Dominguez gọi đây là “chiến tranh năng lượng”. Bộ trưởng Dominguez cho rằng đập thủy điện Guri - nơi cung cấp 80% điện cho Venezuela - đã trở thành “nạn nhân” trong cuộc tấn công này.
Chính phủ Venezuela tố cáo vụ phá hoại gây mất điện diện rộng trên toàn lãnh thổ nước này hôm 7/3 bắt nguồn từ cuộc tấn công vào Hệ thống Điều khiển tự động (ARDA) ở nhà máy thủy điện Guri thuộc bang Bolivar.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Venezuela Jorge Rodriguez cáo buộc một số đối tượng cực đoan tại Mỹ và phe đối lập Venezuela đứng đằng sau vụ phá hoại này nhằm gây hỗn loạn tình hình chính trị - xã hội quốc gia Nam Mỹ này.
Tổng thống Maduro ngày 7/3 đã đăng trên mạng xã hội Twitter: “Cuộc chiến tranh năng lượng mà Mỹ tuyên chiến và chỉ đạo chống lại người dân Venezuela sẽ thất bại. Không có ai và điều gì có thể thắng người dân của Bolivar và cố lãnh đạo Hugo Chavez”.
Trước cáo buộc này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố: “Khủng hoảng điện và những khó khăn của người dân Venezuela hiện nay không phải do Mỹ”.
Anh kêu gọi EU phá vỡ bế tắc
Ngày 8/3, Thủ tướng Anh Theresa May hối thúc các nhà đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc đang ngăn Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tuần tới.
Bà May kêu gọi hai bên thực hiện các bước cần thiết để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Anh đối với thỏa thuận Brexit vào ngày 12/3 tới. Bà cảnh báo việc trì hoãn Brexit sẽ dẫn đến việc Anh rời khỏi EU không như mong đợi, EU có thể nêu thêm điều kiện và thậm chí là cuộc trưng cầu dân ý lần hai.
Thủ tướng Anh hối thúc các nhà đàm phán của EU nỗ lực hơn nữa để giải quyết các vướng mắc đang ngăn Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit vào tuần tới. |
Các nhà thương lượng của EU và Anh vẫn đang nỗ lực đàm phán kỹ thuật nhằm giúp thỏa thuận Brexit nhận được sự ủng hộ Quốc hội Anh. Phía EU đã nêu ra những ý tưởng nhằm tăng cường đảm bảo về thỏa thuận "rào chắn" giúp duy trì đường biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland và CH Ireland. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi chính khiến thỏa thuận Brexit của bà May bị phản đối tại Hạ viện Anh trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi giữa tháng 1 vừa qua.
Về mặt kỹ thuật thì các bên cần chốt một thỏa thuận vào cuối ngày 10/3 để kịp công bố ngày 11/3, một ngày trước khi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh diễn ra. Nếu sau những nỗ lực kể trên, thỏa thuận Brexit mà chính phủ đệ trình vẫn không được thông qua, Hạ viện Anh sẽ tiếp tục bỏ phiếu về các khả năng Brexit không thỏa thuận hay trì hoãn Brexit.
Căng thẳng Ấn Độ và Pakistan hạ nhiệt
Trong tuần qua, quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã xuất hiện tín hiệu hạ nhiệt sau nhiều ngày căng thẳng khi Islamabab thông báo đang nỗ lực xoa dịu tình hình và sẽ cử đại diện ngoại giao trở lại Ấn Độ.
Sau khi bắn rơi một máy bay chiến đấu của Ấn Độ, Islamabab đã nhanh chóng trao trả phi công bị bắt giữ cho New Delhi. Pakistan cũng bắt đầu tiến hành chiến dịch trấn áp các nhóm phiến quân. Hai bên cũng nối lại hoạt động thương mại tại thị trấn biên giới Uri, thuộc khu vực tranh chấp Kashmir...
Những động thái hòa dịu nói trên được đánh giá là hướng đi đúng đắn và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh trong bối cảnh trước đó, căng thẳng Ấn Độ và Pakistan dâng cao sau khi hai bên thực hiện một loạt hành động quân sự trả đũa lẫn nhau.
Quan hệ đầy sóng gió giữa hai nước kéo theo tình trạng bất ổn thường trực tại khu vực Nam Á. Bạo lực tại khu vực tranh chấp Kashmir tái diễn triền miên, ước tính đã khiến khoảng 70 nghìn người chết trong 30 năm qua.