Thế giới trong tuần: Mỹ, Trung Quốc sớm có giải pháp đạt thỏa thuận thương mại

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ - Trung tiến hành vòng đàm phán thương mại mới; Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đọc thông điệp liên bang... là các sự kiện nổi bật trên thế giới tuần qua.

Mỹ - Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp đạt thỏa thuận thương mại
Ngày 23/2, các quan chức Mỹ và Trung Quốc bước vào ngày thứ 5 đàm phán liên tiếp nhằm đạt được 1 thỏa thuận thương mại trước hạn chót ngày 1/3. Đây là vòng đàm phán thứ 4 giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài 7 tháng qua, vốn làm ảnh hưởng tới lượng kim ngạch thương mại 2 chiều trị giá 360 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có buổi tiếp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và các quan chức thương mại tại Washington hôm 22/2.
Đó là những phát biểu lạc quan từ cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ông Lưu dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc có mặt ở Washington tuần này. Kết quả tiến triển đến mức thời gian làm việc kéo dài thêm 2 ngày so với kế hoạch ban đầu là diễn ra trong ngày là 21 và 22/2. 
Tiếp ông Lưu Hạc tại Nhà Trắng hôm 22/2, Tổng thống Trump nói với báo giới: "Tôi muốn nói rằng khả năng có thỏa thuận đang rõ rệt". Trong khi đó, ông Lưu Hạc cho biết: "Theo góc nhìn của Trung Quốc, chúng tôi cũng tin rằng hoàn toàn có thể đạt được thỏa thuận".
Theo ông Trump, để đạt được thỏa thuận cuối cùng, ông cần một cuộc thảo luận trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc gặp này "có thể diễn ra khá sớm vào tháng 3" tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông chủ Nhà Trắng tại bang Florida.
Tính đến nay, Washington đã áp thuế lên số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa tương tự lên số hàng hóa trị giá 110 tỷ USD của Mỹ.
Theo thỏa thuận đình chiến đạt được vào tháng 12 năm ngoái giữa ông Trump và ông Tập, nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung trước ngày 1/3 tới thì Mỹ sẽ tăng thuế đánh vào số hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc, từ 10% lên 25%. Tuy nhiên, trong cuộc gặp ông Lưu, tổng thống Mỹ nói hạn chót trên có thể dời lại nếu "đã đạt được tiến bộ".
Theo phóng viên kênh CNBC, Trung Quốc đã cam kết mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá tới 1.200 tỷ USD nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước - vốn là một trong những mối bận tâm lớn của Tổng thống Trump. Theo hãng tin CNN, số hàng hóa này bao gồm 10 triệu tấn đậu nành Mỹ mà Trung Quốc hứa mua thêm. Bên cạnh đó, Reuters cho biết số hàng này còn bao gồm nhiều sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, bán dẫn và hàng công nghiệp khác.
Cháy lớn thiêu hủy hàng trăm ô tô tại triển lãm hàng không Ấn Độ
Hơn 300 ô tô đã bị thiêu rụi sau khi xảy ra một đám cháy lớn tại một triển lãm hàng không ở TP Bengaluru, miền Nam Ấn Độ trong ngày 23/2.
Rất may, vụ hỏa hoạn không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người. Theo các báo cáo ban đầu, nhiều khả năng đám cháy bắt nguồn từ một đám cỏ khô bốc cháy gần đó.
 Hơn 300 ô tô đã bị thiêu rụi sau khi xảy ra một đám cháy lớn tại một triển lãm hàng không ở TP Bengaluru, miền Nam Ấn Độ trong ngày 23/2.
Trên các trang mạng truyền thông và xã hội, đoạn băng hình đám cháy đã được đăng tải, cho thấy hàng dài ô tô đã bị cháy đen, ngọn lửa bốc cao tại triển lãm hãng không.
Được biết, triển lãm hàng không Aero India do Bộ Quốc phòng Ấn Độ tổ chức với mong muốn trở thành một trong những sự kiện hàng không lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sự kiện năm nay không may gặp phải nhiều rắc rối.
Trước đó, ngày 19/2 , 2 máy bay của Không quân Ấn Độ cũng đã va chạm trên không trong khi đang diễn tập. Sự cố làm một phi công thiệt mạng và 2 người khác bị thương.
Tổng thống Nga đọc Thông điệp liên bang
Ngày 20/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga với sự tham gia của 1.000 khách mời. Bên cạnh những kết quả đáng kể về kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước, Thông điệp Liên bang năm nay của Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã tạo ra sự đột phá về kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng cũng như lên tiếng cảnh báo Mỹ liên quan tới Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga hôm 20/2.
Tổng thống Putin khẳng định Nga đang tiến tới chế tạo các loại tên lửa siêu thanh Zircon, Avangard, Kinzhal, tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat và hạ thuỷ tàu ngầm không người lái hiện đại Poseidon vào đầu năm sau. Hạm đội Nga sẽ được phiên chế 7 tàu ngầm và 5 tàu chiến trong thời gian tới đây.
 Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin một lần nữa nhấn mạnh vũ khí Nga là để bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và đáp trả những mối đe dọa đối với nền an ninh của đất nước, đồng nghĩa với bảo vệ người dân Nga.
Đề cập đến mối quan hệ với Mỹ, Tổng thống Nga coi đây là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với nước này. Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo nếu Washington triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại châu Âu, động thái này sẽ “làm trầm trọng thêm tình hình an ninh quốc tế” và tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với an ninh của Nga. Người đứng đầu Điện Kremlin cho rằng một số loại tên lửa của Mỹ chỉ mất 10-12 phút để bay tới Moscow.
Tổng thống Putin đảm bảo Nga sẽ không là quốc gia đầu tiên triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu. 
3 bộ trưởng Anh sẽ ủng hộ hoãn Brexit nếu không đạt được thỏa thuận vào tuần tới​
Ba bộ trưởng cấp cao trong nội các Thủ tướng Anh Theresa May ngày 23/2 đã ám chỉ họ sẽ đứng về phía phe đối lập và ủng hộ phương án trì hoãn thời hạn Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nếu các nghị sĩ nước này một lần nữa bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với EU.
3 bộ trưởng cấp cao trong nội các Anh lên tiếng ủng hộ phương án trì hoãn việc thực hiện Brexit, nếu các nghị sĩ nước này một lần nữa bác bỏ thỏa thuận Brexit mà bà May đạt được với EU.
Trong một bài viết đăng trên tờ Daily Mail, các Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và Bộ trưởng Doanh nghiệp Greg Clark đã gửi đi tín hiệu rằng họ sẽ đứng về phe đối lập trong tuần tới nếu cần thiết để ngăn chặn nguy cơ Anh phải rời EU không có thỏa thuận rõ ràng vào hạn chót 29/3. "Nếu không đạt được đột phá trong tuần tới, phương án tốt hơn sẽ là tìm cách trì hoãn ngày ra đi hơn là tách khỏi EU vào đúng hạn 29/3".
Ba quan chức trên cảnh báo Brexit không thỏa thuận sẽ là một rủi ro lớn cho hoạt động kinh doanh, an ninh cũng như thống nhất lãnh thổ của Vương quốc Anh. 
Tuy nhiên, các bộ trưởng cũng chỉ trích phe cứng rắn về Brexit tại Quốc hội vốn liên tục phản đối các thỏa thuận của Thủ tướng May. Theo các quan chức này, Quốc hội Anh sẽ không bao giờ chấp nhận để nước này rời EU mà không có một thỏa thuận "đỡ lưng". Và khi Brexit bị trì hoãn, đó sẽ hoàn toàn là lỗi của phe chỉ trích.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần