Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Nga - Anh bất ngờ hòa giải sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Moscow và London nhất trí tiến tới khôi phục quan hệ ngoại giao và vụ đánh bom xe tại Ai Cập khiến 3 du khách Việt Nam thiệt mạng là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Moscow và London nhất trí tiến tới khôi phục quan hệ ngoại giao

Nga và Anh đã nhất trí một số nguyên tắc để khôi phục quan hệ ngoại giao, sau hơn 9 tháng căng thẳng vì vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc.
Kênh truyền hình Russia 24 của Nga ngày 28/12 cho biết các nguyên tắc trên bao gồm những bước đi cụ thể về việc khôi phục số nhân viên ngoại giao của nước này tại nước kia, trong một tiến trình dự kiến khởi động từ tháng 1/2019.
Trụ sở Đại sứ quán Nga tại Anh.
"Tôi không thể chắc chắn chúng ta sẽ khôi phục toàn bộ số nhân viên ngoại giao, nhưng sẽ có ít nhất một nửa số nhân viên đại sứ quán ở đó sẽ được trở lại làm việc", Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko thông báo.
Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Anh sứt mẻ nghiêm trọng sau vụ cựu điệp viên hai mang gốc Nga Sergei Skripal cùng con gái nghi bị đầu độc ở thành phố Salisbury của Anh hồi tháng 3. 
Anh cùng các đồng minh cáo buộc Nga sử dụng chất độc Novichok đầu độc Skripal và trục xuất hàng trăm nhà ngoại giao Nga. Để đáp trả, Moscow cũng yêu cầu các nước phương Tây cắt giảm số nhân viên ngoại giao tương ứng.
Đến nay, sau 9 tháng, cha con cựu điệp viên đã hồi phục sức khoẻ. Họ chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào và không ai rõ giới chức Anh đã đưa họ đi đâu. London trong những tháng qua nhiều lần nhắc lại cáo buộc nhằm vào Nga và công bố danh tính 2 nghi phạm, song chưa đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.
Ít nhất 3 du khách Việt thiệt mạng trong vụ đánh bom xe ở Ai Cập
Theo Truyền thông Ai Cập, 3 du khách Việt Nam và 1 hướng dẫn viên đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe chở khách gần kim tự tháp Giza, Ai Cập.
Vụ đánh bom xảy ra lúc 18h15 (giờ địa phương) ngày 28/12 trên phố El Maryoutiya thuộc quận Haram, tỉnh Giza, cách kim tự tháp Giza khoảng 4 km. Chiếc xe trên đang chở đoàn du lịch Việt Nam tới thăm kim tự tháp Giza. Quả bom được giấu cạnh một bức tường phát nổ khi chiếc xe chở đoàn gồm ít nhất 14 du khách Việt Nam đi qua.
Hiện trường vụ đánh bom xe chở du khách ngày 28/12. Ảnh: AFP
Giới chức Ai Cập xác nhận ít nhất 3 người Việt Nam và 1 hướng dẫn viên bản địa thiệt mạng; nhiều người khác bị thương, trong đó 2 người đang trong tình trạng nguy kịch. Theo Reuters, ít nhất 9 người Việt Nam bị thương và số này đã được đưa tới điều trị tại bệnh viện Al Haram.
Reuters dẫn lời một nữ du khách 41 tuổi tên Lan Le cho biết đoàn du khách Việt Nam đang trên đường tới một buổi trình diễn âm nhạc và ánh sáng tại kim tự tháp Giza.
"Chúng tôi đang trên đường tới buổi trình diễn và rồi đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng bom nổ. Mọi người đều gào thét, tôi không còn nhớ gì sau đó nữa", nữ du khách trả lời sau khi đã được đưa tới bệnh viện.
 Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly khẳng định phía Ai Cập đang làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập để xử lý tác động của vụ việc. “Điều quan trọng nhất hiện giờ là chăm sóc người bị thương", ông Madbouly nói.
"Những tai nạn như thế này có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Chúng ta phải hiểu rằng chuyện tương tự có thể lặp lại trong tương lai", Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouli hôm nay phát biểu khi tới bệnh viện thăm các khách du lịch người Việt bị thương trong vụ đánh bom xe buýt gần kim tự tháp Giza tối qua, theo AFP.
Ông Madbouli kêu gọi không "phóng đại" vụ đánh bom và nhấn mạnh "không quốc gia nào trên thế giới có thể đảm bảo an toàn 100%". 
Hiện chưa có lực lượng nào đứng ra nhận trách nhiệm cho vụ tấn công. Trước đó, các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan từng tấn công vào các đoàn du lịch tại Ai Cập.
Đây là vụ tấn công đầu tiên nhắm vào du khách tại Ai Cập sau vụ đâm dao tại Hurghada khiến 2 người thiệt mạng tháng 7/2017. Trước đó, 3 du khách châu Âu cũng bị sát hại khi đang dừng chân tại một khách sạn 4 sao ở Hurghada hồi đầu năm 2016.
Ngày 29/12, đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập, do Đại sứ Trần Thành Công dẫn đầu, đã tới Bệnh viện chuyên khoa Sheikh Zayed để thăm hỏi các nạn nhân bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào chiếc xe du lịch chở đoàn du khách Việt Nam khiến 3 người Việt Nam thiệt mạng trước đó 1 ngày.
Đại sứ cũng đã trao đổi với các bác sỹ điều trị cho những bệnh nhân nặng (cần phải phẫu thuật) về phương án điều trị và chăm sóc y tế. Phía Ai Cập cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nạn nhân yên tâm điều trị tại đây. Một số nạn nhân bày tỏ nguyện vọng muốn sớm trở về nước.
Đại sứ và đoàn công tác có cuộc làm việc với các bộ phận chức năng thuộc Bộ Ngoại giao Ai Cập để bàn biện pháp giải quyết vụ việc và hỗ trợ những nạn nhân bị thương và thiệt mạng trong vụ đánh bom này. 
Ả Rập Saudi bổ nhiệm mới hàng loạt bộ trưởng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi
Theo sắc lệnh của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman, hàng loạt bộ trưởng của chính quyền Riyadh, trong đó bao gồm cả ngoại trưởng, đã bị thay thế.
Ngày 27/12, Quốc vương Salman bin Abdul Aziz ra lệnh tái cấu trúc chính phủ và tái cấu trúc Hội đồng các vấn đề chính trị và an ninh.
Quốc vương Salman bin Abdul Aziz ra lệnh thay hàng loạt bộ trưởng.
Theo những thay đổi này, Quốc vương Salman cũng ban hành sắc lệnh bãi nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao đối với Adel Al-Jubeir và bổ nhiệm ông Ibrahim Al-Assaf làm người thay thế.
Theo sắc lệnh của Quốc vương Salman, hàng loạt bộ trưởng của Ả Rập Saudi đã bị thay thế. Theo đó, Quốc vương Salman cũng ban hành sắc lệnh bãi nhiệm Ngoại trưởng đối với ông Adel Al-Jubeir và bổ nhiệm ông Ibrahim Al-Assaf - cựu bộ trưởng tài chính, làm người thay thế.
Trước đó, cựu Ngoại trưởng Al-Jubeir đã nói rằng việc giết  hại nhà báo Khashoggi là một "sai lầm to lớn". Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News hồi tháng 10, ông Al-Jubeir cũng đã tuyên bố vụ sát hại cây bút bình luận của tờ Washington Post là kết quả của một hoạt động lừa đảo, và nói thêm rằng chính phủ Ả Rập sẽ trừng phạt những người liên quan đến vụ việc này.
Quốc vương Salman cũng đã ra lệnh bổ nhiệm Hoàng tử Abdullah bin Bandar - con trai của Hoàng tử Bandar Al Saud, người từng làm Đại sứ Ả Rập Saudi tại Washington, làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Quyết định thay đổi thành phần nội các của Quốc vương Salman được đưa ra trong bối cảnh nước này đang hứng chịu sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ gần 3 tháng trước.  
Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ và Văn phòng Công tố viên Ả Rập Saudi đã xác nhận nhà báo Khashoggi  bị một nhóm 15 điệp viên của Riyadh sát hại tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ hôm 2/10.
Hồi tháng 11, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ  (CIA) cho rằng Thái tử Mohammed đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Saudi ởIstanbul.
UAE quyết định mở lại Đại sứ quán tại Syria sau 7 năm
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash lý giải nước này mở lại Đại sứ quán tại Damascus sau 7 năm nhằm tăng cường vai trò của các quốc gia Ả Rập tại Syria.
Viết trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết: "UAE đang cố gắng, với sự hiện diện của mình tại Damascus, sẽ đẩy mạnh vai trò của các quốc gia Ả Rập tại Syria cũng như thể hiện các đề xuất của các nước Ả Rập, nhằm góp phần tích cực vào việc chấm dứt cuộc nội chiến, đem lại hòa bình và sự ổn định cho quốc gia Trung Đông này”.
Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash lý giải nước này mở lại Đại sứ quán tại Damascus sau 7 năm nhằm tăng cường vai trò của các quốc gia Ả Rập tại Syria.
Ngoại trưởng Gargash cũng lưu ý rằng UAE đã đánh giá kỹ lưỡng tình hình an ninh tại Syria trước khi quyết định mở lại đại sứ quán ở nước này.
Ngày 27/12, UAE đã mở lại đại sứ quán của nước này tại thủ đô Damascus, Syria. Vào hồi năm 2011, UEA đã triệu hồi Đại sứ tại Syria, đóng cửa Đại sứ quán sau khi phong trào nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad xuất hiện và nhanh chóng biến thành cuộc nội chiến đẫm máu. UAE là quốc gia vùng Vịnh Ba Tư đầu tiên đóng cửa Đại sứ quán tại Damascus.
Động thái này được cho là bước tiến mới của cộng đồng quốc gia Ả Rập nhằm đem Syria trở lại cộng đồng chung sau nhiều năm cô lập ngoại giao vớiDamascus.
Trước đó, UAE là 1 trong nhiều nước tại khu vực tham gia “chống lưng” cho phe đối lập ở Syria. Tuy nhiên, vai trò của UAE ít có ảnh hưởng hơn so với Ả Rập Saudi,Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi đầu tháng này, Tổng thống Sudan Omar Bashir là nhà lãnh đạo quốc gia Liên đoàn Ả Rập đầu tiên đến thăm Syria sau 8 năm.
Bahrain hôm 27/12 cho biết sẽ nối lại hoạt động của Đại sứ quán nước này tại Syria. Bahrain trước đó đã đóng cửa Đại sứ quán tại thủ đô Damascus của Syria từ những ngày đầu của cuộc nội chiến năm 2011.