Nga - Mỹ chấm dứt hiệp ước kiểm soát hạt nhân INF
"Vào ngày 2/8, do sự khởi xướng từ phía Mỹ, hiệp ước giữa Liên bang Xô Viết và Mỹ về việc loại bỏ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung đã chấm dứt", Bộ Ngoại giao Nga hôm nay tuyên bố, đề cập tới Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF).
Mỹ hôm nay cũng chính thức rút khỏi INF và cáo buộc Nga cố tình vi phạm các điều khoản trong hiệp ước này. "Việc Mỹ rút khỏi hiệp ước có hiệu lực từ hôm nay. Nga là bên duy nhất chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của thỏa thuận", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Bangkok, Thái Lan, nơi đang diễn ra chuỗi các hội nghị ASEAN.
Hiệp ước INF được Mỹ và Nga ký kết vào năm 1987, trong đó cấm hai bên phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500km. Mỹ hồi tháng 10/2018 tuyên bố sẽ rút khỏi INF bởi cho rằng tên lửa Novator 9M729 của Nga với tầm bay hơn 5.000 km vi phạm thỏa thuận. Đáp lại, Nga đã công khai mẫu tên lửa này, khẳng định tầm bắn của nó là 480 km và không vi phạm hiệp ước.
Tình hình Biển Đông chi phối hội nghị cấp cao ASEAN
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan tại Bangkok, Thái Lan từ 29/7 đến 3/8, vấn đề Biển Đông là nội dung liên tục được trao đổi và nhấn mạnh.
Nhiều bộ trưởng thể hiện sự quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26 (ARF-26) tổ chức ngày 2/8, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng vẫn còn những quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, bao gồm các hành động đơn phương và sự cố nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông, đặc biệt là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng chỉ trích hành động "cưỡng ép" của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các nước thành viên ASEAN "công khai bày tỏ lập trường phản đối hành động này".
Tối 31/7, Hội nghị AMM-52 đã ra Thông cáo chung dài 23 trang, đề cập tất cả các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững.
"Lực cản" trong việc nối lại đàm phán Mỹ - Triều
Quân đội Hàn Quốc ngày 2/8 cho biết, Triều Tiên vừa bắn các vật thể tầm ngắn chưa xác định vào vùng biển phía Đông nước này (biển Nhật Bản). Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tuần, Triều Tiên đã ba lần phóng các vật thể bay mà Hàn Quốc cho là tên lửa đạn đạo, lần lượt trong các ngày 2/8, 31/7 và 25/7.
Trước đó, ngày 1/8, Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm một hệ thống tên lửa mới trong các vụ phóng được thực hiện trước đó một ngày, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho hay, vụ phóng này nhằm thử nghiệm một "hệ thống tên lửa dẫn đường đa nòng cỡ lớn đời mới".
Các vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên như lãnh đạo hai nước đã nhất trí tại cuộc gặp bất ngờ ở làng đình chiến Panmunjom cuối tháng 6.
Bên cạnh đó, Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ; Washington và đồng minh Hàn Quốc tiếp tục tổ chức tập trận chung, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng. Những điều này đang trở thành "lực cản" nối lại đàm phán giữa hai bên.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng
Ngày 2/8, tại buổi họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã thể hiện thái độ cứng rắn trước việc Mỹ sẽ tăng thêm 10% thuế đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, động thái tăng thuế của Mỹ đã đi ngược lại nhận thức chung mà nguyên thủ hai nước Trung - Mỹ đạt được tại Osaka vừa qua, đi chệch quỹ đạo đúng đắn và không có lợi cho việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Bà Hoa Xuân Oánh cảnh báo, nếu Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nước này cũng buộc phải áp dụng các biện pháp đáp trả tương thích.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa và sản phẩm nhập khẩu Trung Quốc từ ngày 1/9 tới. Tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi cuộc đàm phán mới nhất giữa hai bên vừa kết thúc tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Gian nan tìm "liều thuốc" cứu Thỏa thuận hạt nhân Iran
Cuộc họp nhằm cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) giữa Tehran và các quốc gia còn lại trong thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga đã kết thúc mà không đạt được kết quả gì khả quan ngoài cam tiếp tục cam kết duy trì thỏa thuận.
Cuộc họp này diễn trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran tiếp tục leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngay cả Anh, một bên tham gia JCPOA, cũng đã lao vào cuộc tranh cãi với Tehran sau khi hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau. Mặc dù đều tuyên bố không muốn đối đầu, song cả Iran và Anh đều chưa tỏ thái độ nhân nhượng.
Trong khi đó, ông Ali Akbar Salehi, người đứng đầu Tổ chức năng lượng nguyên tử của Iran, hôm 28/7 cho biết, nước này đã làm giàu 24 tấn urani kể từ khi tham gia JCPOA, và Tehran hiện đã tái khởi động lại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak. Trước đó, hồi đầu tháng 7/2019, Iran cho biết đã sản xuất vượt giới hạn 300 kg urani làm giàu.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi ngày 1/8, Mỹ đã công bố áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif. Theo đó, bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu của ông Zarif tại Mỹ hoặc do các thực thể Mỹ nắm quyền kiểm soát sẽ bị đóng băng. Mỹ cũng áp đặt hạn chế đi lại đối với quan chức này.