Nga-Thổ-Iran nhất trí giải quyết cuộc xung đột Syria thông qua đàm phán
Ngày 7/9, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Iran Hassan Rouhani đã nhóm họp thượng đỉnh tại Tehran để thảo luận về giải pháp cho tiến trình hòa bình tại tỉnh Idlib, trong bối cảnh quân đội Syria sắp tiến hành giải phóng thành trì lớn cuối cùng của phiến quân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Iran Hassan Rouhani đã nhóm họp thượng đỉnh tại Tehran ngày 7/9. Ảnh: Reuters |
Lãnh đạo 3 nước đã nhất trí trong một tuyên bố chung sau hội nghị rằng, cuộc khủng hoảng ở Syria không thể giải quyết triệt để bằng giải pháp quân sự mà chỉ có thể bằng một tiến trình đàm phán chính trị.
Tuy nhiên, 3 nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga không tìm được tiếng nói chung về một thỏa thuận ngừng bắn, vốn được kỳ vọng sẽ ngăn chặn cuộc tấn công của chính phủ Syria vào Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân và các nhóm nổi dậy.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn vì cho rằng một cuộc chiến vào Idlib sẽ là một cuộc thảm sát, đồng thời khẳng định nước này không thể tiếp nhận thêm dòng người tị nạn.
Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Erdogan nói rằng một thỏa thuận ngừng bắn tại tỉnh Idlib sẽ là thắng lợi của cuộc họp thượng đỉnh 3 bên.
Song, Tổng thống Putin và Tổng thống Rouhani đã bác bỏ lời kêu gọi của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về một lệnh ngừng bắn ở Syria.
Tổng thống Putin cho rằng một thỏa thuận ngừng bắn sẽ là vô nghĩa khi không có sự tham gia của các nhóm phiến quân Hồi giáo mà Nga coi là khủng bố.
"Thực tế là không có đại diện của các phe đối lập vũ trang ở đây quanh bàn đàm phán này. Hơn nữa, cũng không có đại diện của nhóm phiến quân Jabhat al-Nusra, IS hay quân đội Syria. Tôi cho rằng lời kêu gọi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là đúng, nhưng tôi không thể đứng đây nói thay những tên khủng bố thuộc Jabhat al-Nusra hay ISIS rằng họ sẽ ngừng bắn hay ngừng sử dụng máy bay không người lái để thả bom", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố chính thức cuối cùng kết thúc hội nghị, lãnh đạo 3 nước đã thống nhất về tầm quan trọng của việc loại bỏ IS, mặt trận Nusra và các nhóm khủng bố khác liên kết với al-Qaeda, bảo vệ và tạo điều kiện để người tị nạn trở về đất nước.
Tuyên bố chung của 3 bên cũng kêu gọi Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh viện trợ nhân đạo giúp Syria tái thiết lại các cơ sở hạ tầng cơ bản.
Máy bay Nga, Syria tiến hành không kích tỉnh Idlib bất chấp cảnh báo của Mỹ
Ngày 4/9, các máy bay của Nga và Syria vừa bắt đầu không kích tỉnh Idlib, mặc dù trước đó Tổng thống Trump cảnh báo không tiến hành các hoạt động đối đầu quân sự tại đây.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết các máy bay Nga và Syriađã ném bom vùng nông thôn xung quanh khu vực Jisr al-Shughour ở rìa phía tây của tỉnh Idlib ngày 4/9.
Hơn một nửa dân số khoảng 3 triệu người ở Idlib đã phải tị nạn ở các vùng khác của Syria trong thời gian qua và những đợt tấn công mới có thể khiến dòng người rời bỏ nhà cửa tăng thêm.
Vụ không kích của không quân Nga và Syria diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo không được tấn công vào đây do nó sẽ gây ra thảm họa cho hàng trăm nghìn người.
Ngày 3/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các đồng minh không nên liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib vì có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
"Tổng thống Bashar al-Assad của Syria không nên liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib. Người Nga và Iran sẽ phạm phải sai lầm nhân đạo nghiêm trọng nếu tham gia vào bi kịch này", Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 3/9. "Hàng trăm nghìn người có thể sẽ thiệt mạng. Đừng để điều đó xảy ra".
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng Washington sẽ phản ứng mạnh mẽ với bất kỳ cuộc tấn công hóa học nào của chính quyền Damascus.
Nhóm phiến quân đông đảo nhất hiện nay ở Idlib là Tahrir al-Sham, một liên minh với nhiều thành viên trung thành với nhóm khủng bố al Qaeda.
Trong tuần trước, đặc phái viên Liên Hợp quốc về vấn đề Syria, ông Staffan de Mistura ước lượng có 10.000 tên khủng bố Tahrir al-Sham đang hiện hữu tại Idlib.
Ngày 4/9, ông Steffan de Mistura cảnh báo về những động thái "kịch tính". Ông kêu gọi Nga và Syria tiếp tục đàm phán với các nước trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, dự kiến được tổ chức trong cuộc gặp 3 bên ở Tehran vào ngày 7/9 tới.
Nga từ chối cả cảnh báo của ông Donald Trump và ông de Mistura, nói rằng phương Tây cố ý làm ngơ trước bản chất của lực lượng chống Assad đang cố thủ ở Idlib.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskev, phản bác rằng, việc giải phóng Idlib là điều không thể tránh khỏi do đây được coi là “hang ổ của những kẻ khủng bố”.
Đối với Tổng thống al-Assad, thất bại của phiến quân ở tỉnh Idlib có nghĩa là phá vỡ thành trì lớn cuối cùng của phe đối lập quân sự đang hoạt động, mặc dù các khu vực rộng lớn khác vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Syria.
Nhật tiếp tục nỗ lực tìm kiếm người sống sót sau trận động đất tại Hokkaido
Đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết tính đến ngày 8/9, trận động đất mạnh 6,7 độ Richter tại đảo Hokkaido đã khiến 35 người thiệt mạng và 5 người khác mất tích.
Trong ngày 8/9, điện đã được cấp trở lại cho hầu hết các khu vực tại đảo Hokkaido của Nhật Bản sau khi bị cắt trong 2 ngày. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đang phải nỗ lực tìm kiếm nạn nhân còn mất tích tại hàng ngàn ngôi nhà không có nước và lượng bùn dày trên đường phố Sapporo.
Tính đến ngày 8/9, trận động đất mạnh 6,7 độ Richter tại đảo Hokkaido đã khiến 35 người thiệt mạng và 5 người khác mất tích. Ảnh: Reuters |
Theo đài truyền hình NHK, số người thiệt mạng do động đất mạnh 6,7 độ Richter kéo theo lở đất nghiêm trọng tại đảo Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản hôm 6/9 đã tăng lên 35 người và 5 người khác vẫn còn mất tích.
Phần lớn những người thiệt mạng và khoảng 400 người khác bị thương là dân làng trong thị trấn nhỏ Atsuma, nơi hàng loạt nhà cửa nằm trên một sườn đồi bị vùi lấp bởi đất đá sạt lở.
Khoảng 40.000 nhân viên bao gồm các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và nhân viên cứu hỏa được tăng cường cho hoạt động tìm kiếm những người còn mắc kẹt sau trận động đất trong vòng 72 giờ đầu tiên được đánh giá là rất quan trọng đối với công tác cứu hộ.
"Họ đang làm hết sức mình suốt ngày đêm cùng với sự trợ giúp của các xe ủi đất, chó nghiệp vụ và 75 trực thăng", người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo.
"Chúng tôi chưa giờ chứng kiến vụ lở đất ở đây", Akira Matsushita, một người dân trên đảo Hokkaido có anh trai thiệt mạng trong trận động đất cho biết. Cô cũng phát biểu trên kênh truyền hình Asahi: “Tôi không thể tin được cho đến khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này và tôi cũng biết không ai có thể sống sót sau trận lở đất kinh hoàng”.
Tất cả 3 triệu hộ gia đình trên đảo Hokkaido rơi vào cảnh mất điện khi trận động đất hôm 6/9 vừa qua đã phá hủy một nhà máy nhiệt điện chuyên cung cấp điện cho khu vực.
Tuy nhiên, ngày 8/9 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa thông báo, mạng lưới cung cấp điện đang được khôi phục lại. Phát biểu tại một cuộc họp nội các, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh cam kết rằng chính phủ sẽ khởi động các quỹ khẩn cấp để cung cấp thực phẩm, nước và nhiên liệu cần thiết cho các máy phát điện tại các bệnh viện.
Tổng cộng 31.000 hộ gia đình hiện vẫn không có nước sinh hoạt, trong khi có tới khoảng 16.000 người vừa sơ tán đến các nơi trú ẩn tạm thời.
Do ảnh hưởng của trận động đất, hãng ô tô Toyota thông báo dây chuyền sản xuất xe tại Nhật Bản sẽ phải tạm dừng từ ngày thứ Hai do chuỗi cung ứng hộp số và nhiều linh kiện khác tập trung phần lớn ở đảo Hokkaido.
Ông Trump bất ngờ đe dọa áp thuế toàn bộ hàng hóa Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/9 cảnh báo sẵn sàng áp thuế quan bổ sung lên gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/9 cảnh báo sẽ sớm áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc như đã định từ trước, đồng thời sẽ đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa nữa.
Động thái này làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa chính quyền Tổng thống Trump với Trung Quốc, nhằm yêu cầu Bắc Kinh phải có những thay đổi lớn về chính sách kinh tế, thương mại và công nghệ.
Tổng thống Mỹ vừa cảnh báo sẵn sàng áp thuế quan bổ sung lên gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Ảnh: CNBC |
Trước đó, ngày 6/9, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ áp thuế lên thêm hàng hóa của nước này. Theo giới phân tích, Bắc Kinh có thể sẽ nhằm vào các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc.
Vài giờ sau khi kết thúc thời hạn tiến hành cuộc tham vấn công chúng về kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, Tổng thống Trump nói với các phóng viên cùng đi trên chiếc Air Force One rằng ông "đang rất mạnh mẽ trong vấn đề với Trung Quốc vì tôi buộc phải như vậy".
"Kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD mà chúng ta đang nói tới có thể sẽ được thực thi rất sớm tùy vào tình hình. "Và tôi ghét phải nói điều này, nhưng tôi thậm chí sẽ đánh thuế thêm 267 tỷ USD nữa nếu tôi muốn".
Ngày 6/9 là hạn chót Chính phủ Mỹ lấy ý kiến người dân về kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Giá các cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm sau tuyên bố của ông Trump, với chỉ số S&P 500 sụt 0,2%, trong khi đồng nhân dân tệ tại thị trường nước ngoài cũng giảm so với đồng USD.
Hiện Mỹ đã áp thuế quan bổ sung 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, chủ yếu là máy công nghiệp, linh kiện điện tử trung gian, bao gồm thiết bị bán dẫn.
Danh sách gói thuế mới trị giá 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bao gồm một số sản phẩm tiêu dùng như thiết bị ghi âm và ghi hình, vali, túi xách, lốp xe, máy hút bụi… Mức thuế dự kiến áp lên danh sách này dao động từ 10-25%.
Điện thoại di động, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất vào Mỹ từ Trung Quốc, hiện chưa nằm trong danh sách chịu thuế mới, tuy nhiên chắc chắn sẽ bị áp thuế nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa.
Chính quyền Tổng thống Trump đã áp thuế và dọa áp thuế lên tổng cộng 517 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cao hơn con số 505 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2017. Theo Cơ quan Thống kê Mỹ, nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay đã tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, ngày 7/9, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với hãng Bloomberg rằng chính quyền ông Trump đang xem xét ý kiến nhận được từ công chúng trước khi ra quyết định về kế hoạch áp thuế lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã nhận được gần 6.000 ý kiến của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về kế hoạch này. Trong đó, hầu hết ý kiến từ các công ty đều nhằm xin miễn sản phẩm của họ khỏi danh sách áp thuế. Có rất ít ý kiến đồng tình với kế hoạch áp thuế mới.