Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Siêu bão “quái vật” Michael tàn phá nước Mỹ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung Quốc tuyên bố sẽ không sử dụng đồng NDT như công cụ để giải quyết các xung đột thương mại; siêu bão “quái vật” Michael tàn phá nước Mỹ là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Trung Quốc khẳng định sẽ không phá giá đồng Nhân dân tệ
Ngày 13/10, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân trung ương Trung Quốc Dịch Cương cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục để thị trường đóng vai trò quyết định trong việc thiết lập tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ (NDT), chứ không lấy tỷ giá hối đoái làm vũ khí trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ liên tục leo thang.
 Trung Quốc khẳng định sẽ không phá giá đồng Nhân dân tệ.
Trong tuyên bố của Ủy ban Tiền tệ và tài chính quốc tế (IMFC) công bố ngày 13/10 tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bali, Indonesia, ông Dịch Cương cho biết Trung Quốc sẽ không phá giá đồng NDT để tăng sức cạnh tranh cũng như không sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ để giải quyết những bất đồng thương mại.
Theo ông Dịch Cương, Chính phủ Trung Quốc sẽ duy trì tỷ giá hối đoái "ổn định" và vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ "thận trọng".
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tạp chí Tài chính Caixin của Trung Quốc được công bố cùng ngày, Thống đốc Dịch Cương cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã không tăng lãi suất giống như động thái tương tự của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hồi tháng 9 vừa qua vì mức lãi suất căn cứ vào thị trường vẫn phù hợp và đồng NDT vẫn ổn định được đánh giá qua hoạt động của đồng tiền này.
Lãnh đạo ngân hàng trung ương Trung Quốc đưa ra những tuyên bố trên sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin bày tỏ lo ngại rằng đồng NDT giảm mạnh trong năm nay so với đồng USD có thể là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm lấy lại lợi thế thương mại cho hàng xuất khẩu của nước này hoặc bù đắp cho những thiệt hại do tác động của việc Mỹ áp thuế đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc.
Trong vài tháng trở lại đây, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung liên tục leo thang cùng với các gói áp thuế nhập khẩu trả đũa lẫn nhau, trong đó Mỹ là bên khởi xướng nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc và điều chỉnh những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng.
Giới quan sát hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn G20 tổ chức tại Argentina trong tháng tới và đạt được một số thỏa thuận nhằm tháo gỡ tình hình. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết hiện chưa có quyết định nào về cuộc gặp kể trên. 
Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư Andrew Brunson, giảm căng thẳng với Mỹ
Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12/10 đã hủy bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với mục sư người Mỹ Andrew Brunson sau 24 tháng.
Động thái này là dấu hiệu giảm căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua.
 Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/10 đã hủy bỏ lệnh quản thúc tại gia đối với mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
Mục sư Andrew Brunson bị kết án hơn 3 năm tù, tuy nhiên với phán quyết ngày 12/10, lệnh quản thúc tại gia cũng như lệnh cấm di chuyển đối với mục sư này đã được dỡ bỏ và người này có thể rời Thổ Nhĩ Kỳ về nước ngay lập tức.
Nhà Trắng ngày 12/10 hoan nghênh việc Thổ Nhĩ Kỳ đã thả tự do cho mục sư Andrew Brunson, người bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ  năm 2016 với cáo buộc liên quan đến khủng bố. Việc bắt giữ và xét xử mục sư Brunson đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư Brunson. Tổng thống Donald Trump đã trực tiếp nhiều lần nêu vấn đề này với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Mỹ cũng đã áp các lệnh trừng phạt tài chính đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tuyên bố đưa ra, Nhà Trắng cho biết đang mong đợi sự trở về của mục sư đoàn tụ với gia đình. Tuyên bố cũng bày tỏ lo ngại về việc các công dân Mỹ khác vẫn đang bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác.
Ngay sau khi được Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ thả, mục sư ông Brunson cùng vợ đã rời nhà ở Izmir ra sân bay để về Mỹ.
Người phát ngôn Nhà Trắng ngày 12/10 cho biết, máy bay đưa mục sư sẽ hạ cánh tại Mỹ trong ngày hôm nay sau một chặng dừng chân tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.
Phát biểu trước các phóng viên tại Ohio, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông Brunson sẽ có thể thăm văn phòng Nhà Trắng trong ngày 13/10.
Giới quan sát nhận định rằng, việc thả mục sư người Mỹ này là một bước đi có thể cải thiện mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang bị đình trệ bởi một loạt các bất đồng về Syria, Iran và kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ mua trang thiết bị quân sự của Nga.
Siêu bão Michael “mạnh nhất thế kỷ” gây thiệt hại nặng nề cho Mỹ
Siêu bão Michael, một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử Mỹ, hôm 10/10 đã đổ bộ vùng Tây Bắc bang Florida, Mỹ gây thiệt hại nặng nề cho bang Florida.
Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Mỹ, siêu bão Michael đã mạnh lên cấp 4 với sức gió lên tới gần 250km/h khi càn quét bang Floria. Cơn bão Michael đã mạnh lên rất nhanh khi tiến về phía bắc qua Vịnh Mexico và đổ bộ vào bang Florida.
 Siêu bão Michael gây thiệt hại nặng nề cho bang Florida, Mỹ.
Theo người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tình trạng khẩn cấp liên bang Brock Long, số thương vong có thể tiếp tục tăng.
Tính đến ngày 13/10, số người thiệt mạng do bão Michael tại Mỹ đã tăng lên 17 người, trong khi những thiệt hại do cơn bão gây ra khá nặng nề đối với một số khu vực của nước Mỹ.
Lực lượng cứu hộ phải sử dụng các trang thiết bị hạng nặng để dọn dẹp các đống đổ nát, giúp tìm kiếm những người bị mắc kẹt.
Theo người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tình trạng khẩn cấp liên bang Brock Long, số thương vong có thể tiếp tục tăng, đồng thời hối thúc người dân tại một số khu vực có nguy cơ cao cần phải có sự chuẩn bị để đối phó với các cơn bão trong tương lai.
Khoảng 1,1 triệu ngôi nhà mất điện từ Florida đến Virginia sáng sớm 12/10. Số người ở trong các trung tâm sơ tán khẩn cấp đã lên tới 20.000 người tại 5 bang.
Các chuyên gia khí tượng cũng cho biết, cơn bão đã phá hủy nghiêm trọng các cánh đồng trồng bông, gỗ, hồ đào và đậu phộng... gây ra các thiệt hại ước tính lên đến 1,9 tỷ USD.
Bão cũng làm gián đoạn các hoạt động khai thác năng lượng tại Vịnh Mexico, với sản lượng khai thác dầu thô giảm hơn 40% và giảm gần 1/3 sản lượng khí đốt tự nhiên khi các giàn khoan ngoài khơi phải sơ tán do bão. 
EU, Anh nhất trí 85%, tiến gần hơn tới thoả thuận Brexit
Nhiều dấu hiệu cho thấy bản thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh về Brexit gần như đã hoàn tất.
Hôm 11/10, Thủ tướng Anh Theresa May triệu tập các thành viên đã triệu tập các thành viên chủ chốt trong nội các để thông báo về việc này. Người phát ngôn chính phủ Anh cũng tuyên bố hiện Anh và EU đang “tiến lên phía trước” trong vấn đề biên giới Bắc  Ireland.
Trước đó, Trưởng đoàn đàm phán Brexir của EU Michel Barnier cho biết, khả năng bản đạt được thoả thuận vào ngày 17/10 đang trong tầm tay. “168 mục, 2 đến 3 nghị định thư về vấn đề Gibraltar, đảo Síp và Ireland, cũng như khoảng 80-85% nội dung của thoả thuận đã được thống nhất”, ông Barnier  khẳng định.
EU và Anh nhất trí 85% về thỏa thuận Brexit.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng cho biết, EU sẽ cố gắng giải quyết thỏa thuận về Brexit trong tháng 10. Ông Tusk bày tỏ lạc quan trước khả năng Brussels và London sẽ đạt được nhất trí cả về các điều khoản "ly hôn" cũng như mối quan hệ tương lai giữa hai bên.  
Hiện tại, cả Anh và EU đều đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận "ly hôn" cũng như một thỏa thuận về quan hệ tương lai hậu Brexit trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 và tháng 11 tới.
Theo các nguồn tin ngoại giao, nhiều khả năng EU và Anh sẽ có sự thỏa hiệp trong vấn đề biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và thành viên EU Ireland.