Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới trong tuần: Vụ thảm sát gây rúng động đất nước New Zealand

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ xả súng kinh hoàng vào các nhà thờ Hồi giáo tại New Zealand; Boeing 737 Max 8 bị hàng loạt nước cấm hoạt động là những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần.

Vụ thảm sát rúng động New Zealand
Việc những kẻ thủ ác ra tay xả súng khiến 49 người tử vong tại hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, New Zealand, ngày 15/3 đã gây rúng động quốc gia nơi vốn nổi tiếng thế giới về sự yên bình.
Người dân New Zealand đã thể hiện sự đoàn kết với cộng đồng đạo Hồi sau 2 vụ xả súng đẫm máu này bằng việc ủng hộ hàng triệu USD, quyên góp thực phẩm... Nhiều người dân còn đề nghị đồng hành cùng người theo đạo Hồi khi họ lo sợ phải đi ra đường.
Vụ tấn công không chỉ làm rúng động đất nước New Zealand mà còn khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng.Ảnh: AP
Bên ngoài nhà thờ Hồi giáo Al Noor, cả dòng người đã đến đặt hoa, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân, một số im lặng bày tỏ lòng thành kính, nhiều người khác đã rơi lệ.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhận định: “Đây là một trong những ngày tăm tối nhất của New Zealand. Điều đã xảy ra là hành vi bạo lực chưa có tiền lệ và khác thường”.
Ngày 16/3, Thủ tướng Ardern đã đến TP Christchurch gặp gỡ những người sống sót và gia đình các nạn nhân để thể hiện sự thông cảm và ủng hộ. Bà cho biết thêm New Zealand sẽ siết chặt luật sở hữu súng đạn sau vụ tấn công đẫm máu này.
Nghi phạm Brenton Tarrant (28 tuổi) đã bị đưa ra tòa vào ngày 16/3 và nhận tội danh giết người. Đến ngày 5/4 hắn sẽ bị đưa ra tòa án tối cao của thành phố. Cảnh sát hiện giam giữ 2 nghi phạm khác trong vụ việc. Tất cả những kẻ này chưa từng có tiền án hoặc trong danh sách theo dõi tại New Zealand hoặc Australia.
Cho đến lúc này, đất nước New Zealand, xứ sở nổi tiếng yên bình, vẫn còn bàng hoàng trước vụ tấn công kép đẫm máu, trước sự tàn bạo và máu lạnh của những tên sát thủ khi xả hàng trăm phát đạn vào những người đang đi lễ bên trong thánh đường Hồi giáo.
Vụ tấn công bắt đầu vào lúc 13h40 (theo giờ địa phương, tức 7h40 giờ Việt Nam) ngày 15/3, khi các tay súng tiến vào hai nhà thờ Hồi giáo ở quận Hagley Park và vùng ngoại ô Linwood, TP Christchurch và xả súng vào đám đông bên trong.
Một đoạn video chưa được xác thực được tung trên mạng được cho là do chính sát thủ tấn công nhà thờ Hồi giáo Al Noor tự quay Livestream trên mạng xã hội. Video này ghi lại 17 phút cảnh sát thủ lấy súng từ xe và xông vào nhà thờ, xả súng khiến hàng loạt người gục xuống. Tên này được xác định là người Australia, sử dụng tài khoản Facebook có tên Brenton Tarrant.
Sáng 16/3, nghi phạm 28 tuổi, công dân gốc Australia Brenton Harrison Tarrant đã xuất hiện tại Toà án ở Christchurch, New Zealand để nghe cáo buộc tội danh giết người sau khi tiến hành vụ xả súng đẫm máu tại hai nhà thờ Hồi giáo.
Theo tờ NZ Herald, tên Tarrant xuất hiện trong bộ quần áo tù màu trắng, tay còng, đi chân trần nhưng gương mặt vẫn cười nhạo trong lúc đứng trước bục tại toà. Hai cảnh sát áp giải bị cáo ra trước toà, và trong suốt phiên toà, Tarrant im lặng.
Bị cáo sẽ bị giam giữ không có quyền bảo lãnh cho đến ngày 5/4. Hồ sơ về hắn cho thấy địa chỉ sinh sống của Brenton Tarrant là ở Andersons Bay, TP Dunedin, nhưng không ghi rõ nghề nghiệp.
Vụ tấn công không chỉ làm rúng động đất nước New Zealand mà còn khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng. Hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới đã gửi điện chia buồn trước nỗi đau này. 
Gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ tạm dừng sử dụng, cấm máy bay Boeing 737 MAX
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/3 loan báo đình chỉ hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX tại Mỹ. Cùng ngày, Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ra lệnh tạm ngừng hoạt động của toàn bộ dòng máy bay này thuộc sự vận hành của các hãng hàng không Mỹ hoặc ra vào không phận nước này.
Tuyên bố của FAA nêu rõ: "Lệnh cấm sẽ có hiệu lực trong khi chờ kết quả điều tra thêm, bao gồm việc kiểm tra thông tin thu được từ dữ liệu chuyến bay cũng như ghi âm trong buồng lái". FAA cũng cho biết sẽ phải mất "vài tháng" sửa chữa phần mềm để máy bay Boeing 737 MAX được hoàn thiện. 
Số quốc gia ngừng khai thác và/hoặc đóng cửa không phận với Boeing 737 MAX đã lên đến con số gần 50.
Như vậy, Mỹ đã chính thức gia nhập làn sóng các nước cấm dòng máy bay này của Boeing hoạt động sau vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopian Airlines ngày 10/3 vừa qua. 
Boeing vẫn tuyên bố "hoàn toàn tin tưởng" vào độ an toàn của máy bay 737 MAX song vẫn ủng hộ quyết định của FAA. Giám đốc điều hành Boeing Dennis Muuilenburg nói: "Chúng tôi ủng hộ bước đi tiên phong này như là một trong số những biện pháp phòng ngừa. An toàn là giá trị cốt lõi đối trong suốt sự nghiệp chế tạo máy bay của Boeing và sẽ luôn như vậy".

Boeing cho biết đã tham vấn với FAA, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và giới chức hàng không cùng các khách hàng trên toàn thế giới trước khi đề nghị FAA tạm ngừng hoạt động của 371 máy bay Boeing 737 MAX trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Boeing cho biết tiếp tục nỗ lực hợp tác điều tra để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn liên quan dòng máy bay này, đồng thời triển khai các biện pháp tăng cường an toàn để đảm bảo không tái diễn bất kỳ vụ tai nạn nào. 
Hai vụ tai nạn liên tiếp của chiếc máy bay Boeing 737 MAX chỉ trong vòng 5 tháng qua đã “kích hoạt” làn sóng tẩy chay dòng máy bay này trên toàn cầu. Ngày 13/3, Cơ quan Hàng không dân dụng Albania (AAC) quyết định cấm toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX 8 và MAX 9 ra vào không phận nước này.
Cơ quan Hàng không dân dụng của Panama cũng ra tuyên bố đình chỉ tạm thời hoạt động của máy bay Boeing 737 MAX trong không phận nước này. Mexico ngày 13/3 cũng ra quyết định tương tự.
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không dân dụng quốc gia Brazil (ANAC) đã quyết định ngừng việc sử dụng máy bay Boeing 737 MAX 8 trong mọi hoạt động vận tải trên lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ này.
Sau những thông báo mới nhất của Mỹ, Canada, Mỹ Latinh và một loạt nước Trung Đông, số quốc gia ngừng khai thác và/hoặc đóng cửa không phận với Boeing 737 MAX đã lên đến con số gần 50. 
Nước Anh vật lộn với Brexit
Ngày 14/3, sau khi bỏ phiếu loại phương án Brexit mà không có thỏa thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn điều khoản 50 và ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn Brexit đến sau ngày 29/3.
Nghị viện Anh đã bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, các nghị sĩ Anh cũng phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.
Phản ứng trước động thái trên của Quốc hội Anh, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết nước Anh sẽ phải chứng minh mọi yêu cầu trì hoãn Brexit dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 này. Yêu cầu gia hạn Điều 50 đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên.
Hội đồng các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét một yêu cầu như vậy trên cơ sở ưu tiên đảm bảo hoạt động của các tổ chức thuộc EU, có tính đến các lý do cùng một thời gian gia hạn phù hợp nếu kịch bản này xảy ra. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cho rằng Anh cần phải làm rõ lý do và mục đích kéo dài thời hạn Brexit, đồng thời khẳng định rằng EU sẽ không đưa ra thêm bất kỳ đề xuất nào với Anh, ngoại trừ thỏa thuận đã đạt được trước đó.
Với kết quả bỏ phiếu này, rất nhiều phương án đã được vạch ra. Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng May đem ra bỏ phiếu lại vào ngày 20/3 lại thất bại thì Chính phủ sẽ phải tìm cách để thỏa thuận với EU về việc gia hạn ngày kích hoạt điều khoản 50 sau ngày 29/3.
Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng được thông qua vào ngày 20/3 thì sau đó nước Anh sẽ xin lùi ngày rời EU đến ngày 30/6 để có thời gian chuẩn bị các thủ tục mang tính kỹ thuật. Nếu như kế hoạch Brexit thất bại thì thời hạn Anh xin EU lùi lại sẽ lâu hơn, và Anh sẽ vẫn tham gia vào các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới.
Mỹ, EU và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga
Quan hệ Nga - phương Tây tiếp tục có diễn biến căng thẳng mới sau khi Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và doanh nghiệp Nga nhằm đáp trả những hành động của Nga liên quan tới Ukraine và xung đột tại Eo biển Kerch.  
Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Mỹ, EU và Canada ngày 15/3 đã đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến việc nước này sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và Moscow bắt giữ các thủy thủ của Ukraine trên Biển Đen hồi tháng 11/2018.
Theo đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, liên quan đến việc nước này sáp nhập trở lại bán đảo Crimea và Moscow bắt giữ các thủy thủ của Ukraine trên Biển Đen hồi tháng 11/2018.
Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ cũng mở rộng danh sách trừng phạt, áp đặt nhiều biện pháp hạn chế chống Nga vì tình hình ở Ukraine. Danh sách trừng phạt bao gồm 6 người, có cả Phó Giám đốc Cơ quan Biên phòng, thuộc biên chế Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Gennady Medvedev, cùng 8 công ty khác.
Cũng trong ngày 15/3, EU đã trừng phạt thêm 8 công dân Nga với cáo buộc ngăn các tàu Ukraine cập cảng ở Biển Azov, trong đó có các quan chức cấp cao của cơ quan an ninh và các chỉ huy quân đội.
Hội đồng EU -  cơ quan đại diện cho chính quyền các nước EU, cho rằng Nga "đã sử dụng vũ lực mà không có lý do chính đáng". Theo các biện pháp trừng phạt mới nhất này, các quan chức nằm trong diện trừng phạt sẽ chịu lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản. Quyết định này đã nâng tổng số người bị đưa vào danh sách đen của EU liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine lên 170 người và 44 thực thể.
Hồi tháng 11 năm ngoái, hải quân Nga bắt giữ 24 thủy thủ Ukraine cùng các tàu ở Eo biển Kerch, khu vực nối giữa Biển Đen và Biển Azov.