Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Bước khởi đầu hóa giải tranh chấp thương mại Mỹ - Trung

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phái đoàn thương mại Trung - Mỹ tiến hành cuộc tham vấn nhằm giải quyết những bất đồng và Triều Tiên hợp nhất múi giờ với Hàn Quốc… là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Triều Tiên chính thức thống nhất múi giờ với Hàn Quốc
Hãng Thông tấn Nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết, việc hợp nhất múi giờ của Triều Tiên với múi giờ của Hàn Quốc chính thức được thực hiện từ ngày 5/5 trong nỗ lực thúc đẩy sự hòa giải và thống nhất giữa hai miền.
Triều Tiên chính thức thống nhất múi giờ với Hàn Quốc từ ngày 5/5.
Ngày 5/5, Triều Tiên đã chính thức hợp nhất với múi giờ của Hàn Quốc, theo đó, đẩy nhanh các đồng hồ của mình lên thêm 30 phút. Việc thống nhất lại múi giờ trên Bán đảo Triều Tiên là một trong những bước đầu tiên để hiện thực hóa Tuyên bố Bàn Môn Điếm, hướng tới hòa giải dân tộc.
Theo KCNA, việc thay đổi lại múi giờ là bước đi thực tế đầu tiên sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử lần thứ 3 giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, diễn ra cách đây 1 tuần nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã bất ngờ đề xuất chỉnh múi giờ của nước này nhanh hơn 30 phút, trùng với múi giờ của Hàn Quốc, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27/4 vừa qua. Hai bên đã ra Tuyên bố Bàn Môn Điếm, với cam kết chắc chắn sẽ sớm chấm dứt việc đối đầu và chia rẽ lâu dài từ thời Chiến tranh Lạnh, hướng tới kỷ nguyên mới về hòa giải dân tộc, hòa bình và thịnh vượng.
Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết, trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử hôm 27/4 ở Bàn Môn Điếm, Nhà lãnh đạo Kim đã hứa với ông Moon sẽ chuyển múi giờ của Bình Nhưỡng về trùng với giờ Seoul. Theo người phát ngôn Yoon Young Chan, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói rằng ông cảm thấy "đau lòng" nhìn thấy 2 chiếc đồng hồ treo tường trong phòng họp chỉ 2 múi giờ khác nhau.
Từ năm 2015, Triều Tiên bất ngờ thay đổi giờ chậm hơn Hàn Quốc 30 phút, khiến hai nước dù nằm trên cùng một bán đảo nhưng lại có múi giờ khác nhau. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã chỉ trích mạnh mẽ quyết định của nước láng giềng, cho rằng nó đã đào sâu thêm khoảng cách giữa hai nước vốn vẫn chưa thể đi tới một Hiệp ước hòa bình sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Trung Quốc tuyên bố vẫn còn “sự khác biệt lớn” sau đàm phán thương mại với Mỹ
Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc ngày 4/5 dù vẫn còn nhiều bất đồng trong một số lĩnh vực, song cả hai bên đều cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Ngày 4/5, cuộc đàm phán thương mại giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kết thúc 2 ngày làm việc để giải quyết vấn đề thâm hụt mậu dịch giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross.
Phái đoàn Mỹ bao gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross không đưa ra bất cứ phát biểu nào. Theo New York Times, Mỹ đòi Trung Quốc phải nhượng bộ để xóa bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. 
Theo một tài liệu của Mỹ gửi cho phía Trung Quốc trước khi cuộc tham vấn diễn ra, Mỹ đề nghị Trung Quốc giảm 200 tỷ USD thặng dư mậu dịch trước năm 2020 và giảm thuế nhập khẩu tất cả mặt hàng ngang bằng với thuế các mặt hàng Trung Quốc tại Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington cũng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt trợ cấp nhà nước cho ngành công nghệ hiện đại, đồng thời ngừng mọi hoạt động gián điệp mạng tại Mỹ và mở cửa lĩnh vực nông nghiệp cho các công ty cạnh tranh.
Trong khi đó, phía Trung Quốc cho biết sẵn sàng giảm căng thẳng thương mại bằng cách mở cửa thị trường cho các hãng sản xuất xe hơi và công ty dịch vụ tài chính nước ngoài để cạnh tranh với các tập đoàn nội địa.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu. Bắc Kinh muốn Washington nới lỏng việc hạn chế xuất khẩu sản phẩm thương mại công nghê cao có thế áp dụng vào quân sự, đồng thời đặt vấn đề về việc Mỹ trừng phạt công ty sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc ZTE vì vận chuyển bất hợp pháp hàng hóa và công nghệ của Mỹ sang Iran.
Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc ngày 4/5 cho biết, sau 2 ngày thảo luận tại Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, dù vẫn còn nhiều bất đồng trong một số lĩnh vực, song cả hai bên đều cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.
Trung Quốc cũng yêu cầu Mỹ dừng cuộc điều tra về những cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc và không áp mức tăng thuế 25% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trước đó. Mức thuế mới đánh vào các sản phẩm Trung Quốc, tương đương khoảng 50 tỷ USD, về mặt lý thuyết sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2018, song tới thời điểm hiện nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump không có bất kỳ thông báo cụ thể nào về lộ trình cũng như thể thức áp dụng.
Nhà Trắng cho biết cuộc đàm phán thương mại lần này được đánh giá giống như "các cuộc thảo luận thẳng thắn” về nền thương mại công bằng để nền kinh tế thế giới nói chung, Trung Quốc và Mỹ nói riêng.
Phái đoàn thương mại Mỹ cho biết cuộc tham vấn lần này nhằm  "bảo đảm thương mại công bằng và cam kết đầu tư cho các doanh nghiệp và công nhân Mỹ".
Trước đó, phát biểu với báo chí ở thủ đô Bắc Kinh, dù không nêu cụ thể, song cả phái đoàn Trung Quốc và Mỹ đều đánh giá các cuộc thảo luận diễn ra “tích cực, hiệu quả và mang tính xây dựng”.
Iran quyết không nhượng bộ đối với thỏa thuận hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố, Tehran sẽ không chấp nhận yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngày 3/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố những yêu cầu của Mỹ về thay đổi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc phương Tây là không thể chấp nhận được. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống  Donald Trump dự kiến ra quyết định trước ngày 12/5.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Nếu thỏa thuận hạt nhân Iran không được điều chỉnh theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhiều khả năng Mỹ sẽ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận vào ngày 12/5 và tái áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Trong thông điệp đăng tải trên trang YouTube, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif nói rằng Iran sẽ không đàm phán lại những điều khoản theo Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm: Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) được ký từ nhiều năm trước và đã được thực hiện. “Iran sẽ không bao giờ đàm phán hay bổ sung vào thỏa thuận mà Iran đã thực hiện rất thiện chí. Mỹ đã liên tục vi phạm thỏa thuận, đặc biệt kêu gọi các nước khác hạn chế hợp tác với Iran. Trong những ngày sắp tới, họ sẽ phải quyết định liệu có tiếp tục thực hiện thỏa thuận này hay không”, Ngoại trưởng Iran tuyên bố.
Ngoại trưởng Zarif cũng chỉ trích các quốc gia châu Âu vì đã "nhượng bộ" Mỹ. Một số nguồn tin cho biết các nước châu Âu mặc dù khẳng định cam kết đối với việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng vẫn thừa nhận rằng, thỏa thuận này cần được bổ sung một số điều khoản. Theo đó, Anh, Pháp và Đức đang có ý định bổ sung những điều khoản mới đối với thỏa thuận hạt nhân nhằm xoa dịu Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, ảnh hưởng của Iran tại Syria, Yemen, chương trình hạt nhân Iran sau khi một số điều khoản của thỏa thuận hạt nhân hết hiệu lực…
Trong khi đó, một cố vấn cấp cao của Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei tuyên bố, nước này sẽ không duy trì thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới nếu Mỹ quyết định từ bỏ thỏa thuận này. Trang web của kênh truyền hình quốc gia dẫn lời Cố vấn chính sách đối ngoại Ali Akbar Velayati nêu rõ, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Tehran cũng sẽ không tham gia thỏa thuận này nữa.
Liên Hợp quốc, EU lên án loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Afghanistan
Tổng thư ký Liên Hợp quốc và Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại vừa lên án loạt vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan hôm 30/4 khiến hàng chục người thiệt mạng.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã bày tỏ sự phẫn nộ trước loạt vụ tấn công tại Afghanistan khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em và nhà báo.
Ngày 30/4, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric nhấn mạnh các vụ tấn công tại thủ đô Kabul và tỉnh Kandahar đã gây vô số thương vong cho người dân. Theo người phát ngôn Stephane Dujarric, vụ đánh bom kép liều chết ở thủ đô Kabul cướp đi sinh mạng của 9 nhà báo cho thấy rõ “mối nguy hiểm mà những người làm truyền thông phải đối mặt trong khi tác nghiệp”.
“Tổng Thư ký kêu gọi cần phải nhanh chóng đưa ra xét xử các đối tượng chủ mưu gây những vụ tấn công đẫm máu tại Kabul và tỉnh Kandahar”, người phát ngôn Dujarric cho biết.
Cùng ngày, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại, bà Federica Mogherini đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân, đồng thời nhấn mạnh loạt vụ tấn công trên là hành động coi thường luật nhân đạo quốc tế. "Người dân Afghanistan tiếp tục trả giá đắt nhất cho cuộc xung đột đang tàn phá đất nước họ”, bà Mogherini nói .
Bà Mogherini cam kết châu Âu sẽ tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm hòa bình và ổn định chính trị tại Afghanistan.
Hiện trường vụ đánh bom kép tại thủ đô Kabul.
Trước đó, sáng 30/4, vụ đánh bom kép đã xảy ra tại thủ đô Kabul làm ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có 9 nhà báo, và 49 người khác bị thương. Vụ tấn công thứ nhất xảy ra khi một kẻ đánh bom liều chết lái xe mô tô kích hoạt thiết bị nổ tại khu vực Shashdarak, thuộc quận Cảnh sát 9 của TP, gần tòa nhà cơ quan tình báo Afghanistan NDS.
Vụ nổ thứ hai xảy ra khoảng 40 phút sau đó bên ngoài tòa nhà Bộ Phát triển đô thị và nhà ở. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận đứng sau hai vụ nổ đẫm máu này.
Cùng ngày, một vụ tấn công khủng bố khác nhằm vào một đoàn xe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại tỉnh Kandahar cũng đã cướp đi sinh mạng của 11 học sinh, đồng thời gây hư hại một trường Hồi giáo gần đó.