Thế giới tuần qua: Chính trường Mỹ sục sôi sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làn sóng phản đối chính trị nhằm vào Tổng thống Mỹ sau thượng đỉnh Helsinki; các nước CPTPP nhất trí thời điểm đàm phán việc mở rộng thành viên... là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Phát ngôn trái chiều khiến chính trường Mỹ dậy sóng
Khoảng 18 giờ 10 phút (giờ Hà Nội) ngày 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã bắt đầu cuộc gặp thượng đỉnh tại Dinh Tổng thống Phần Lan ở thủ đô Helsinki.
Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Helsinki được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là cuộc hội đàm chính thức lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Hai tổng thống Mỹ và Nga tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu tiên tại Phần Lan.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Putin khẳng định Moscow và Washington có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, nêu những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và hoan nghênh vai trò của Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ông cũng khẳng định Moscow không bao giờ và sẽ không bao giờ can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống Trump mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Putin là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc. Ông nói: "Quan hệ của chúng ta chưa bao giờ tồi tệ hơn bây giờ. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi. Khoảng 4 giờ trước đây".
Cũng trong buổi họp báo chung, Tổng thống Trump cho rằng cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là một thảm họa đối với nước này và hết lòng bày tỏ sự tin tưởng vào người đồng cấp Putin. "Tôi không thấy có bất cứ lý do nào của việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016".
Ngay lập tức phát biểu này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ dậy sóng. Giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp này khi cho rằng đây là "cơ hội bị bỏ lỡ". Họ cho rằng việc Tổng thống Trump phủ nhận đánh giá của các quan chức tình báo và đổ lỗi cho Mỹ vì cuộc tấn công của Nga đối với nền dân chủ của Mỹ là một "điều đáng hổ thẹn".
Sau đó, mặc dù đã có tuyên bố “lỡ lời” đảo ngược nhiều phát ngôn về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ, song điều này chẳng những không xoa dịu được tình hình, ngược lại còn làm xấu thêm hình ảnh của nhà lãnh đạo Trump.
Không chỉ vậy, nội dung cụ thể những gì Tổng thống Trump đã thảo luận với Tổng thống Putin tại cuộc họp kín cũng đang bị đặt câu hỏi. Các nhà lập pháp Mỹ muốn làm rõ nội tình cuộc gặp kín của hai Tổng thống, liên tục đề nghị nữ phiên dịch Marina Gross phải ra điều trần trước Quốc hội.
Chính giới Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Trump phải công khai toàn bộ nội dung họp kín với Tổng thống Putin. 
Các nước CPTPP nhất trí về thời điểm khởi động đàm phán với các nền kinh tế muốn gia nhập
Ngày 19/7, trưởng đoàn đàm phán 11 quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với các nước muốn gia nhập CPTPP ngay trong năm 2019 một khi hiệp định này có hiệu lực. Đây là kết quả cuộc họp kéo dài trong hai ngày tại Nhật Bản. 
CPTPP đã được đại diện 11 quốc gia gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 8/3.
Về việc mở rộng CPTPP, các nước Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Colombia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) được xem là đang muốn gia nhập CPTPP.
Ngoài ra, ngày 18/7, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anh Liam Fox tuyên bố nước này sẽ lấy ý kiến người dân về khả năng tham gia CPTPP.
Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi có ít nhất 6 quốc gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn ở trong nước. Cho đến nay đã có 3 nước là Nhật Bản, Mexico và Singapore hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Australia, New Zealand và Việt Nam là các quốc gia dự kiến sẽ phê chuẩn hiệp định này trong năm 2018.
Các nước thành viên CPTPP đạt được sự thống nhất trên trong bối cảnh gia tăng quan ngại trên thế giới về chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, tháng 3-2018, các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore  và Việt Nam đã ký CPTPP tại Chile, để hình thành khối tự do thương mại chiếm 13% nền kinh tế thế giới.
EU cảnh báo biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn đối với thuế ô tô của Mỹ
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom tuyến bố EU đã sẵn sàng biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu đối với ô tô của khối này.
Phát biểu tại một hội nghị do Quỹ German Marshall của Mỹ tổ chức ngày 19/7 ở Brussels (Bỉ), bà Malmstrom nhấn mạnh giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã lên sẵn một danh sách gồm các biện pháp áp thuế đáp trả đối với ô tô của Mỹ, tương xứng với các mức thuế mà Washington đang xem xét đưa ra nhằm vào mặt hàng tương tự của EU.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Cecilia Malmstrom. 
Ủy viên thương mại EU khẳng định các biện pháp thuế đối với ôtô là điều không mong muốn mà cũng không được đảm bảo.
Theo bà Malmstrom, hàng rào thuế quan sẽ chỉ mang lại các rắc rối cho cả hai bên và điều tồi tệ nhất là đây là động thái phi pháp nhằm gây tác động đến các cuộc đối thoại thương mại. 
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế mới đối với nhôm và thép nhập từ EU từ ngày 1/6 và đe dọa sẽ áp thuế 20% đối với mọi ô tô lắp ráp tại EU và nâng thuế đối với linh kiện ô tô.
Bà Malmstrom nhấn mạnh, EU sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn đối với việc áp thuế ô tô của Mỹ.
Hiện EU đã nâng thuế trị giá 2,8 tỷ euro (2,5 tỷ USD) đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ bao gồm nhiều mặt hàng từ rượu bourbon đến xe máy.
Ủy viên thương mại Malmstrom không phủ nhận tình trạng dư thừa thép trên thị trường toàn cầu, tuy nhiên cho rằng việc Mỹ và EU có chính sách áp thuế lẫn nhau là một "thảm họa".
Dự kiến, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker và bà Malmstrom sẽ tới Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump vào ngày 25/7 tới nhằm thuyết phục ông chủ Nhà Trắng dỡ bỏ các mức thuế đối với thép và ngừng áp thuế đối với ô tô nhập khẩu từ EU.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Iran hoàn thành nhà máy làm giàu urani
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết, nước này đã xây dựng một nhà máy có thể sản xuất các rotor để lắp đặt khoảng 60 máy ly tâm một ngày.
Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước Iran IRIB ngày 18/7, ông Salehi thông báo Iran đã hoàn thành xây dựng nhà máy này, song chưa khởi động.
Người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi. 
Theo ông Salehi, nhà máy mới này không vi phạm các điều khoản trong Thỏa thuận hạt nhân Iran ký từ năm 2015, còn có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). 
Bên cạnh đó, ông Salehi còn cho biết Iran hiện nắm trong tay kho vật liệu hạt nhân lên đến 950 tấn uranium. Theo ông Salehi, trữ lượng này đủ cho Iran vận hành 190.000 máy ly tâm để làm giàu urani trong tương lai.
Trong tháng trước, lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei đã ra lệnh cho các ban ngành liên quan chuẩn bị tăng năng lực làm giàu hạt nhân trong trường hợp JCPOA đổ vỡ sau khi Mỹ rút ra.
Cũng trong tuần này, Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cảnh báo rằng họ đang chuẩn bị nền tảng để tăng cường làm giàu uranium nếu cần thiết và trong trường hợp các cuộc đàm phán với châu Âu nhằm cứu vãn JCPOA thất bại.
Theo thỏa thuận vào năm 2015, được ký kết với Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ cấm vận kinh tế.
Ngoài Mỹ, các nước khác đang nỗ lực cứu lấy hiệp ước vì cho rằng đây là biện pháp tốt nhất để kìm chế Iran phát triển thành công bom nguyên tử.
Chính quyền Tehran cho biết sẽ chờ xem động thái của các bên còn lại, nhưng cảnh báo sẵn sàng quay lại hoạt động làm giàu uranium. Iran luôn đảm bảo chương trình hạt nhân của nước này chỉ thuần túy phục vụ cho lĩnh vực năng lượng và các dự án hòa bình khác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần