Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới tuần qua: Dấu hiệu mềm hóa quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đã khởi sắc hơn khi Bình Nhưỡng đồng ý đối thoại với Seoul và căng thẳn gia tăng giữa Mỹ và Pakistan quanh vấn đề chống khủng bố là những sự kiện nổi bật trong tuần.

Mỹ chính thức ngừng viện trợ an ninh cho Pakistan
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 4/1 thông báo nước này đã đình chỉ viện trợ an ninh cho các lực lượng vũ trang của Pakistan cho đến khi Islamabad có hành động kiên quyết chống lại phiến quân Taliban và mạng lưới quân sự Haqqani.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, nước này sẽ ngừng viện trợ an ninh cho Pakistan với số tiền được cho là hơn 255 triệu USD, đến khi Islamabad mạnh tay hơn với các nhóm phiến quân khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 4/1 đã thông báo quyết định này, song từ chối tiết lộ con số viện trợ cho Pakistan bị đình chỉ. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết khoản viện trợ này có thể hơn 255 triệu USD.
Quyết định trên phản ánh sự thất vọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump vì Pakistan không hành động dứt khoát để chống lại hai nhóm phiến quân gồm Haqqani và Taliban. Đây là hai nhóm phiến quân ẩn nấp ở Pakistan nhằm thực hiện các cuộc tấn công vào Afghanistan.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhấn mạnh việc cắt khoản viện trợ an ninh này sẽ không ảnh hưởng đến viện trợ dân sự cho Pakistan và viện trợ có thể được nối lại nếuIslamabad có hành động quyết liệt chống lại các nhóm khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết: “Hiện tại khoản tiền này đã bị đình chỉ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ bị đình chỉ mãi mãi.Pakistan có khả năng nhận lại số tiền này, nếu muốn, trong tương lai. NhưngPakistan cần phải có hành động quyết đoán, phải có những bước đi quyết đoán”.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo cho Quốc hội về quyết định này vào ngày 4/1.
Các quan chức Mỹ cho biết hai loại hình viện trợ chính bị ảnh hưởng: Tài chính quân sự nước ngoài (FMF) tài trợ mua vũ khí quân sự Mỹ; Các quỹ hỗ trợ liên minh (CSF) trợ giúp cho Pakistan trong các hoạt động chống khủng bố. 
Người phát ngôn của Lầu Năm Góc Patrick Evans nói rằng các quỹ của CSF, thuộc quyền của Bộ Quốc phòng đã bị đóng băng.
Ông Evans cũng cho hay, khoản ngân sách lên tới 900 triệu USD cho Pakistan trong năm tài chính 2017 kết thúc ngày 30/9/2017 vẫn chưa được giải ngân.
Trước đó, Mỹ thông báo sẽ cắt khoản viện trợ trị giá 255 triệu USD cho Pakistando nước này đã không đáp ứng được yêu cầu của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí cho rằng Mỹ đã dại dột viện trợ choPakistan 33 tỷ USD trong suốt 15 năm qua. 
Triều Tiên đồng ý đối thoại cấp cao với Hàn Quốc vào ngày 9/1
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 5/1 cho biết, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức đối thoại vào tuần tới sau khi Bình Nhưỡng chấp thuận lời đề đề nghị từ phía Seoul.
Các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ gặp nhau tại làng đình chiếnPanmunjom vào ngày 9/1 tới theo lời đề nghị từ phía Seoul và sự chấp thuận của Bình Nhưỡng.
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 5/1, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae Hyun cho biết, chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề liên quan đến Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc vào tháng 2 và các vấn đề song phương khác.
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức đối thoại vào tuần tới.
Trước đó, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã ra lệnh mở đường dây nóng biên giới giữa hai miền vào ngày 3/1 để bàn bạc về khả năng đối thoại với Hàn Quốc.
Một quan chức Triều Tiên cho hay đường dây nóng giữa Bình Nhưỡng và Seoul nhằm mục đích thiết lập đối thoại chính thức giữa hai nước về việc cử đoàn vận động viên Triều Tiên tới dự Olympic Mùa đông Pyeongchang.
Ngày 1/1, trong thông điệp chào mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng đối thoại với Seoul về khả năng tham gia Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018, đồng thời cho rằng hai miền Triều Tiên cần cải thiện quan hệ.
Lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ mong muốn chân thành rằng Thế vận hội mùa đông sẽ diễn ra thành công, đồng thời cho biết Bình Nhưỡng sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để chuẩn bị tham gia vào sự kiện này, bao gồm việc tổ chức đối thoại giữa hai miền.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên công bố chính thức về việc sẵn sàng tham gia Olympic PyeongChang, dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 25/2 tới.
Sau thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức đối thoại liên Triều cấp cao vào ngày 9/1 tới.
Các quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an bất đồng về bất ổn tại Iran
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ngày 5/1 đã tiến hành phiên họp khẩn cấp để thảo luận về làn sóng biểu tình bạo lực tại Iran, tuy nhiên cuộc họp diễn ra trong không khí bị chia rẽ và không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 5/1 tổ chức họp bàn về bất ổn ở Iran, liên quan đến phong trào biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ tuần trước.
Mỹ cho rằng bất ổn tại Iran dẫn đến xung đột toàn diện như Syria, trong khi đó Nga tin hòa bình thế giới không bị ảnh hưởng bởi biểu tình ở Iran.
 Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, bà Nikki Haley
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng những cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài 1 tuần qua tại Iran có thể leo thang thành xung đột toàn diện, giống như Syria. "Chính quyền Iran đang bị chú ý. Thế giới sẽ dõi theo những gì các bạn làm", bà Haley cảnh báo.
Trong khi đó, Nga phản đối Mỹ đưa vấn đề Iran ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an, lập luận rằng những cuộc biểu tình ở nước này không phải là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Tuy nhiên, Moscow không tìm cách ngăn cuộc họp diễn ra.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nhấn mạnh: "Chúng tôi rất tiếc về những thương vong trong các cuộc biểu tình không hòa bình. Hãy để Iran tự giải quyết vấn đề của họ."
Đại sứ Pháp tại LHQ Francois Delattre có cùng quan điểm với Nga. "Chúng ta phải cảnh giác trước những âm mưu lợi dụng cuộc khủng hoảng vì mục đích cá nhân, từ đó dẫn đến kết quả ngược với mong muốn", đại sứ Delattre nói.
Về phần mình, Đại sứ Iran tại LHQ Gholamali Khoshroo chỉ trích việc Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo an nhóm họp về các cuộc biểu tình tại Iran là "hành động lạm dụng quyền lực của một ủy viên thường trực."
Đại sứ Khoshroo cũng cho biết Chính phủ Iran có "bằng chứng chắc chắn" rằng các cuộc biểu tình "được chỉ đạo từ nước ngoài".
Thảo luận vấn đề nội bộ Iran tại Hội đồng Bảo an "không giúp giải quyết tình hình Iran", Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wu Haitao nói.
Phong trào biểu tình chống chính phủ nhằm phản đối những khó khăn kinh tế bùng phát tại Iran từ ngày 28/12 và kéo dài sang những ngày tiếp theo. Bất ổn tệ nhất từ năm 2009 này đã làm ít nhất 21 người chết, nhiều tòa nhà chính quyền, đồn cảnh sát bị người biểu tình tấn công.
Anh bất ngờ xem xét gia nhập TPP
Truyền thông Anh đưa tin chính phủ nước này đang xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc Anh có trở thành một phần của TPP sẽ được xem xét sau khi rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3/2019 và đã tổ chức các cuộc họp không chính thức với nhóm này.
Đề xuất bất ngờ này có thể khiến Anh trở thành quốc gia thành viên đầu tiên của TPP không có bờ biển giáp Thái Bình Dương hay Biển Đông.
Bộ trưởng Thương mại Anh Greg Hands.
Bộ Thương mại Quốc tế Anh được cho là cơ quan đang phát triển các đề xuất này nhằm gia nhập hiệp định với 11 thành viên còn lại sau khi "cổ đông" lớn nhất là Mỹ rút khỏi TPP vào năm ngoái.
Chia sẻ với Financial Times, Bộ trưởng Thương mại Anh Greg Hands khẳng định không có sự hạn chế về địa lý đối với việc Anh gia nhập các thỏa thuận thương mại. "Không có bên nào bị loại trừ. Với các mối quan hệ đa phương thì không có bất kỳ hạn chế nào về địa lý", ông Greg Hands nói.
Người phát ngôn của Bộ Thương mại Quốc tế Anh cho biết, nước này đã thành lập khoảng 14 nhóm hành động thương mại trải rộng trên phạm vi 21 quốc gia nhằm tìm phương án tốt nhất để thiết lập quan hệ đầu tư với thế giới.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải đợi đến khi TPP hoàn thành sửa đổi sau sự rút lui của Mỹ và Anh đã giải quyết ổn thỏa việc rời khỏi EU.
Anh không được phép thực hiện các thỏa thuận thương mại trước khi chính thức rời EU. Một quan chức của TPP nói với Financial Times rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về bất kỳ kế hoạch gia nhập nào của Anh.
Tổng kim ngạch nhập khẩu của 11 thành viên TPP chiếm chưa đầy 8% thị trường xuất khẩu của Anh, trong đó Nhật Bản chỉ chiếm 1,6% xuất khẩu của Anh so với 11% của Đức. Trong nửa đầu năm 2017, Anh xuất khẩu gần 1,7 tỷ bảng trong ngành dịch vụ cho Nhật Bản, chỉ tương đương gần 10% con số 16,6 tỷ bảng xuất sang Mỹ. Một số người chỉ trích cho rằng kế hoạch này cho thấy sự tuyệt vọng và ảo tưởng của chính phủ đồng thời làm tình hình thêm rối ren.