Thế giới tuần qua: IAEA nhận định Triều Tiên tiến bộ nhanh chóng về vũ khí hạt nhân

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhận định Triều Tiên tiến bộ nhanh chóng về vũ khí hạt nhân và Tòa án tối cao Thái Lan tuyên phạt 5 năm tù đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra là những sự kiện nổi bật tuần qua.

Tái đắc cử lần 4, kế hoạch cải tổ châu Âu của bà Merkel vẫn không dễ dàng
Liên minh dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel chiến thắng ở mức thấp có thể khiến kế hoạch tái định hình châu Âu gặp khó.
Đảng bảo thủ của bà Merkel đã giành được sự ủng hộ nhiều hơn bất kỳ đảng nào khác trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức, đúng như dự đoán và chắc chắn bà Merkel sẽ tiếp tục cầm quyền nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị Thủ tướng.
Đảng bảo thủ của bà Merkel đã giành được sự ủng hộ nhiều hơn bất kỳ đảng nào khác trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức.
Tuy nhiên, chiến thắng của đảng bảo thủ được xem là ở mức thấp nhất kể từ cuộc bầu cử đầu tiên sau Chiến tranh thế giới lần thứ II và con đường duy nhất để giành được quyền lực là thông qua một liên minh với đảng Xanh và Dân chủ tự do (FDP).
Bị suy yếu bởi kết quả tồi tệ nhất cho đảng của mình kể từ năm 1949 và đối mặt với viễn cảnh chính trị khó khăn, Thủ tướng Angela Merkel có thể bị buộc phải kiềm chế kế hoạch tái định hình châu Âu cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Trong 4 năm tiếp theo, bà Merkel dự kiến cũng sẽ phải đương đầu với lực lượng đối lập cứng rắn hơn từ đảng Sự lựa chọn cho Đức (AfD) - theo đuổi quan điểm phản đối đồng tiền chung Euro, không ủng hộ chính sách nhập cư khiến hàng nghìn người di cư tiến vào Đức năm 2015 của bà Merkel.
Đảng AfD đã giành được 13% sự ủng hộ, cao hơn kết quả mà các cuộc thăm dò đã dự đoán và sẽ trở thành đảng cánh hữu đầu tiên vào Quốc hội Đức từ năm 1950.
Đây sẽ là một thách thức mới cho bà Merkel, người đã quen dần với các liên minh “hiền lành” và phe đối lập Bundestag “vô hại” trong suốt 12 năm nắm quyền.
Ông Thomas Kleine-Brockhoff dự báo, cải cách khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone là vấn đề chính sách đối ngoại quan trọng nhất mà chính phủ mới phải đối mặt.
Tuy nhiên, ông dự đoán một liên minh giữa đảng bảo thủ của Merkel, FDP và đảng Xanh sẽ đối mặt không ít khó khăn. Đảng Xanh tuyên bố ủng hộ một "châu Âu mạnh hơn" trong khi đó FDP không tán thành việc lồng ghép các chính sách ở cấp độ châu Âu.
"Đây không phải là điều kiện lý tưởng cho kế hoạch cải cách châu Âu của Pháp - Đức ", ông nói.
Tổng thống Pháp Macron đã cam kết sẽ cải tổ châu Âu cùng với Đức, sau nhiều năm khủng hoảng kinh tế và cú sốc mới từ việc rời khỏi Liên minh châu Âu của Anh hồi năm ngoái.
Ông Macron ủng hộ một khối tiền tệ duy nhất, đồng nhất với ý tưởng của bà Merkel.  
Nhưng với việc đảng FDP có mặt trong liên minh cầm quyền, cũng như việc đảng cực hữu AfD phản đối mạnh mẽ trong quốc hội, triển vọng hội nhập sâu hơn vào châu Âu sẽ có nhiều thử thách hơn.
IAEA nhận định Triều Tiên tiến bộ nhanh chóng về vũ khí hạt nhân
Phụ trách giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc ngày 29/9 cho biết vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên hôm 3/9 vừa qua chứng minh nước này đang tiến triển nhanh chóng, gây đe dọa mới với toàn cầu.
"Sức mạnh lớn hơn nhiều vụ thử trước đó, điều này đồng nghĩa với việc Triều Tiên đang tiến bộ rất nhanh chóng", ông Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp quốc (LHQ) nói với các phóng viên tại Seoul, Hàn Quốc trong ngày 29/9.
Ông Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, ông Amano nhấn mạnh: "Kết hợp với những yếu tố khác, đây là mối đe dọa mới, một mối đe dọa toàn cầu".
Trước đó, một quan chức Hàn Quốc đánh giá uy lực lần thử mới nhất của Triều Tiên mạnh gấp 5 đến 6 lần so với lần thử hồi tháng 9/2016. Vụ thử hồi năm 2016 gây ra trận động đất mạnh 5,3 độ, đương lượng nổ 10 kiloton (tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT). 
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng đáng kể sau vụ thử hạt nhân hôm 3/9. Vụ thử mạnh nhất từ trước đến nay mà Triều Tiên cho là bom nhiệt hạch gây động đất mạnh 6,4 độ. Động thái này khiến Hội đồng Bảo an LHQ ra lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. 
Theo ông Amano, IAEA không có khả năng xác định liệu Triều Tiên có thử bom nhiệt hạch hay không.
"Điều quan trọng bây giờ là cộng đồng quốc tế cần đoàn kết", ông Amano nói. 
Hàn Quốc ngày 28/9 nhận định Triều Tiên có thể hành động khiêu khích gần dịp kỷ niệm thành lập đảng và kỳ đại hội đảng quan trọng của Trung Quốc. 
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã leo thang trong vài tuần gần đây khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiêp có các phát ngôn cứng rắn dành cho nhau. Phía Triều Tiên còn đe dọa thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương nhằm đáp trả lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" của Tổng thống Trump.
Đánh giá về việc xử lý vấn đề Triều Tiên, Mỹ khẳng định Trung Quốc đang thay đổi quan điểm về Bình Nhưỡng, tăng cường nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về vấn đề châu Á - Thái Bình Dương Susan Thornton ngày 28/9 cho biết: "Thành công trong chiến lược gây áp lực sẽ phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của các đối tác quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh và nhận thấy có tiến bộ rõ ràng".
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xin tị nạn chính trị ở Anh
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hiện đang ở London và xin tị nạn chính trị tại Vương quốc Anh, theo một nguồn tin trong đảng Pheu Thái của bà.
Nguồn tin trong đảng Pheu Thái của cựu thủ tướng Thái Lan 28/9 cho biết bà Yingluck hiện ở London (Anh) và đang xin tị nạn chính trị tại quốc gia này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 28/9 khẳng định bà Yingluck hiện đang ở Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng Prayut cũng cho biết Bộ Ngoại giao Thái Lan vốn luôn theo dõi xem bà Yingluck đang ở đâu. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang trong quá trình thu hồi hộ chiếu của bà Yingluck.
Trước đó, hôm 27/9, Tòa án Tối cao Thái Lan đã tuyên án vắng mặt cựu Thủ tướng Yingluck. Theo đó, bà Yingluck phải lãnh án 5 năm tù giam vì xao nhãng, thiếu trách nhiệm, không ngăn chặn được nạn tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo của chính phủ, gây thiệt hại hàng tỉ USD.
Một số nguồn tin cho hay bà trốn khỏi Thái Lan vì lo sợ phải chịu bản án nặng nề.
Theo quy định, người bị kết án có thể nộp đơn kháng cáo trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, Norrawit Larlaeng, luật sư của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho biết hiện thân chủ của ông chưa đưa ra quyết định có kháng cáo hay không.
Nếu áp dụng quy định mới, bà Yingluck có thể sẽ phải trở về Thái Lan để tự nộp đơn kháng cáo mà không thể ủy quyền việc này cho luật sư.
Bà Yingluck, người vốn hoạt động rất tích cực trên mạng xã hội, đã im hơi lặng tiếng kể từ khi biến mất hồi cuối tháng trước. Tháng trước, Reuters đưa tin bà đã trốn đến Dubai vì anh trai là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra có nhà ở đây.
Mỹ tuyên bố ngừng cấp thị thực vô thời hạn cho Cuba
Giới chức Mỹ tuyên bố, nước này sẽ ngừng cấp thị thực nhập cảnh vô thời hạn cho Cuba, đồng thời tạm dừng phái các quan chức Mỹ tới nước này.
Trước đó, Mỹ cũng đã yêu cầu rút gần 60% nhân viên Đại sứ quán nước này tại thủ đô La Habana rút về nước. Các quyết định này là bước thụt lùi đối với mối quan hệ song phương vốn đã mong manh giữa Mỹ và Cuba.
Đại sứ quán Mỹ tại Cuba.
Căng thẳng bùng phát trong quan hệ 2 nước là do việc 21 nhà ngoại giao Mỹ tại đại sứ quán ở Cuba đã đột ngột ngã bệnh. Triệu chứng của những nạn nhân rất đa dạng, từ việc bị mất thính lực cho đến tổn thương não. Các bác sĩ, nhà khoa học và giới tình báo đều được huy động vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi đây là “vụ tấn công sức khỏe”, trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Naeurt sử dụng từ “sự cố”. Ngoại trưởng Tillerson cũng cho biết, việc đóng cửa sứ quán đang được xem xét.
Trước đó, ngày 19/9, cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban song phương Cuba - Mỹ đã diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ). 
Tại cuộc họp, phái đoàn Cuba nhấn mạnh La Habana bác bỏ những bước thụt lùi trong mối quan hệ hai nước, những biện pháp tăng cường cấm vận và việc can thiệp vào công việc nội bộ, những phát biểu mang tính đối đầu và việc lấy vấn đề nhân quyền làm lý do bào chữa cho việc thao túng chính trị, cũng như phản đối những đòi hỏi về thay đổi trật tự hiến pháp của Cuba nhằm đổi lại sự cải thiện trong mối quan hệ song phương.
Đại diện phái đoàn Cuba cũng đề cập đến những hậu quả của việc thay đổi trong chính sách quan hệ giữa hai nước, bao gồm cả những tác động với nhiều ngành khác nhau của Mỹ.